Cô gái thích đánh cược với trường top

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nguyễn Nguyên Phan là cái tên khó gọi. Cái tên ấy vận vào cá tính của cô. Cũng may là chữ Phan không có… g.

Để được học theo ý mình

Năm lớp 5 cô từng bị đem bài luận biếm trước lớp vì lỗi tả cô giáo đúng như sự thật chứ không tô hồng cô giáo có bàn tay gầy guộc, nhăn nheo. Về nhà, Phan đã khóc ba ngày…

Hết năm lớp 9 trường THCS Nguyễn Trãi – Phan Thiết, cô thi đậu vào trường chuyên Lê Hồng Phong và phổ thông Năng khiếu – đại học Quốc gia TP.HCM. Cô nghe nói trường thứ hai dạy hay hơn nên chọn. Nhưng rồi Phan ý thức rằng nếu còn ở lại trường này, cô sẽ mãi mãi bị cuốn đi trong cái guồng máy chỉ học và học, không có thời gian hoạt động ngoại khoá, tình nguyện, nghiên cứu... Cô quyết định du học.

Cô qua Singapore, dù cha thương con gái bơ vơ chốn xa quê nên can ngăn, nhưng mẹ ủng hộ. Cô thi đậu vào một trường năng khiếu khác: NUS High School of Math & Science (HSMS), một trong những trường top cho phép học sinh nhiều cơ hội nghiên cứu, được sử dụng phòng lab của NUS. Lần này thì, như Phan nói, cô “happy”. Nhà không lấy gì làm khá giả, nên qua Sing cô chỉ có thể tồn tại bằng học bổng. Cô bảo: “Đi qua đây coi như đánh cược. Nhưng ở Việt Nam thì chỉ có cắm đầu học để đi thi”.

Hồi ở Việt Nam, Phan cho biết: “Chỉ thích toán, lý, hoá; còn văn, công nghệ, công dân, sử, địa chỉ học để đối phó. Phần đông các bạn cũng vậy”. Phan không thích môn công dân vì nó quá sáo mòn, hoàn toàn không chạm vào những vấn đề đạo đức nhức nhối mà người dân chứng kiến hàng ngày. Học môn công nghệ thì giống như cưỡi ngựa xem hoa. Học văn thì Phan không thích chép văn mẫu, còn môn lịch sử thì đơn điệu.

Qua Sing năm đầu tiên Phan chật vật với môn hoạ, vì tuy cha cô là hoạ sĩ, nhưng lúc đó cô chưa biết gì. Các môn toán, lý, hoá đều dễ vì Phan đã học qua ở nhà. Môn kinh tế tạo sự thú vị cho cô, “vì được tiếp cận các kiến thức về chế độ kinh doanh, chế độ chính trị, các thị trường khác nhau”, cô nói.

Năm Phan qua, trường HSMS lại bỏ chế độ học bổng, nhưng Chính phủ Sing có chương trình dành cho sinh viên làm nghiên cứu để được học bổng. Nghĩa là đến kỳ nghỉ hết năm học, “học sinh không được nghỉ mà phải làm nghiên cứu”, Phan nói.

Thoát được ám ảnh làm “gà”

Vừa rồi, Phan cùng hai người bạn trong nhóm đã đoạt được huy chương vàng tại hội chợ Khoa học và chế tạo Singapore với công trình ứng dụng vi luồng của tia laser để phân loại tế bào bình thường và tế bào ung thư.

Vốn dĩ những hệ thống máy đo tế bào bằng luồng laser thường đồ sộ, mắc tiền và chế độ bảo dưỡng cao. Nhóm của Phan nhận thấy cần phải thâu nhỏ công nghệ phân loại tế bào thành những máy xách tay dạng phòng lab cỡ con chip sử dụng sợi quang và những hệ thống phân tích. Trước tiên, nhóm của Phan phải dùng thuật toán để mô phỏng, sau đó dùng vật lý để chế tạo. Thiết bị phân loại tế bào gồm hai kênh tạo thành hình chữ H có mối nối ở giữa. Cáp quang được dùng để nối nguồn laser với con chip. Khi đưa một tia laser với một lực đẩy nhất định vào, nó sẽ đẩy các tế bào máu bình thường từ kênh này qua kênh khác thông qua mối nối, tế bào ung thư vốn to hơn từ mười đến mấy trăm lần nên không chịu tác động bởi lực đẩy và nằm lại kênh đầu tiên. “Công trình được nghiên cứu bước đầu như thế”, Phan nói với một niềm hãnh diện nhẹ nhàng, cũng như trút được cái ám ảnh ở lại nhà chỉ làm “gà” với những thành tích phi ứng dụng.

Để bước vào đại học, Phan đã phải chuẩn bị cả năm 12, toàn bộ hồ sơ gồm lời giới thiệu của thầy giáo và luận văn để thi vào 20 trường top ở Mỹ, ở Sing, ở Đức... Phan nói: “Tiêu chuẩn chọn trường là trường phải thích hợp với cá tính của mình và dễ kiếm việc làm”. Cô cũng chưa biết học gì, chỉ mới có ý định là toán, “Nhưng nước Mỹ có nền giáo dục tự do, mình cần phải khám phá hết rồi mới chọn”, cô nói thêm. Phan đậu nhiều trường có học bổng, và quyết định chọn Yale – trường có mức chọi 6,7 trên 100 (so với Harvard 5,8/100). Học bổng ở Yale toàn phần là 64.500 USD/năm; tổng cộng bốn năm vào khoảng 250.000 – 260.000 USD.

Trong cô còn đau đáu: “Người ta thường nói học sinh Việt thông minh, học giỏi. Không dễ đâu, học phải chật vật lắm mới giỏi”.

Nhưng nhìn dáng cô gái mảnh khảnh, lại có thể thấy mọi chướng ngại đều nhẹ nhàng với tuổi 19.

Phan không thích môn công dân vì nó quá sáo mòn, hoàn toàn không chạm vào những vấn đề đạo đức nhức nhối mà người dân chứng kiến hàng ngày. Học môn công nghệ thì giống như cưỡi ngựa xem hoa. Học văn thì Phan không thích chép văn mẫu, còn môn lịch sử thì đơn điệu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cách Mai (Sài gòn tiếp thị)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN