Cô dâu chạy trốn về nhà mẹ đêm tân hôn

Đêm mùa đông lạnh thấu da thấu thịt, cô dâu mò mẫm một mình ra bến xe để trở về với mẹ đẻ.

Đám cưới là ngày thiêng liêng, đáng nhớ nhất của các cặp uyên ương. Họ đã phải vượt qua bao nhiêu thử thách, sóng gió trong cuộc sống để sánh bước bên nhau trong ngày cưới, trước sự chúc phúc của gia đình, bạn bè. Nhưng những câu chuyện bi, hài xung quanh chuyện cưới xin vẫn là những kỷ niệm không thê nào quên được của các cô dâu, chú rể mới.

Ở thời buổi “phú quý sinh lễ nghĩa”, chuyện hợp duyên, hợp tuổi của các đôi trai gái sắp thành hôn càng được coi trọng. Cặp nào chẳng may bị thầy phán là “cao số”, vợ chồng không hợp tuổi, hoặc đường con cái không thông thì kiểu gì cũng phải “chữa” bằng cách rước dâu hai lần. Chuyện cưới hai lần với cùng một chú rể khiến không ít cô dâu dở khóc, dở cười.

Bỏ về trong đêm

“Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài/Gái Đinh, Nhâm, Quý thì hai lần đò”. “Chẳng may” sinh phải đúng năm Nhâm thân (1992) nên Thu Hiền (Vĩnh Phúc) “bị” phán là phải “cưới” hai lần để thoát khỏi số “hai lần đò”, hơn nữa vợ chồng cũng được hòa thuận.

Trước đó, Hiền chỉ biết qua loa rằng, cưới hai lần tức là cùng một chú rể nhưng phải rước dâu hai lần, lần thứ nhất vào ngày ăn hỏi, lần thứ hai (là lần chính) vào ngày cưới.

Cho đến khi rơi vào đúng trường hợp của mình, Hiền mới biết thêm, sau khi được đón về nhà chồng ngày ăn hỏi, cô dâu phải âm thầm, lặng lẽ một mình “trốn” về nhà mẹ đẻ. Chả biết hôn nhân sẽ suôn sẻ, hạnh phúc thêm được mấy phần nhưng trước ngày ăn hỏi, Hiền luôn thấp thỏm lo âu phải trốn về nhà mẹ bằng cách nào khi nhà chồng ở tận… cuối Thanh Hóa…

Cô dâu chạy trốn về nhà mẹ đêm tân hôn - 1

Sau đêm tân hôn đầu tiên, cô dâu sẽ phải  "trốn" về nhà mẹ (Ảnh minh họa)

Lễ ăn hỏi diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng. Hiền cầm theo chiếc nón mới mẹ chồng vừa tặng lên ô tô về nhà chồng. Đêm “động phòng” giả, Hiền gần như thức trắng vì chỉ sợ ngủ quên, sáng hôm sau không kịp “trốn” về.

Đường từ Thanh Hóa  về Vĩnh Phúc vốn xa xôi, xe cộ lại không tiện. Chồng Hiền phải đặt chỗ trước ở chuyến xe xuất phát lúc 4 giờ sáng.

Gần 4 giờ sáng, Hiền rón rén mở cửa ra về. Trời mùa đông tối đen như mực, gió luồn lạnh thấu da, cô dâu mới một mình lững thững trên con đường dài gần 3 cây số từ nhà ra bến. “Đêm tối, tôi chẳng biết đường nào với đường nào, cứ liều thân mà bước với hai hàng nước mắt ngắn dài. Lúc chồng gọi điện hỏi tôi ngồi thụp xuống khóc nức nở, vậy mà anh ấy bảo ra đưa về thì nhất định không chịu bởi sợ mất lòng mẹ chồng” – Hiền kể lại.

Lên được xe ô tô, Hiền mới thở phào. Mọi người trên xe nhìn Hiền ôm khư khư chiếc nón, mi mắt vẫn ướt nhòe, cười tủm tỉm. Còn Hiền thì mệt mỏi trầm ngâm nghĩ về quãng đường gần 300 cây số ngược về nhà mẹ. 

Hiền chia sẻ thêm: "Mình sẽ chẳng bao giờ quên được cảm giác sợ hãi, tủi thân của cái đêm bơ vơ nơi đất khách quê người tìm đường “trốn” về nhà mẹ".

Thủ tục rườm rà

Cưới hai lần là cách nhiều gia đình chọn để hóa giải số “hai lần đò” của cô dâu, giúp hai vợ chồng thuận hòa cả về đường con cái lẫn đường làm ăn. Nhưng cụ thể cưới hai lần thế nào, lễ nghi ra sao thì mỗi nơi, mỗi nhà một kiểu.

Nhà chồng vốn có điều kiện nên khi “bị” phán phải rước dâu hai lần, mẹ chồng Đào (Hải Dương) yêu cầu phải rước dâu hai lần như thật, nghĩa là hai lần mặc áo cưới, hai lần trao nhẫn (hai cặp nhẫn khác nhau), hai lần đón rước dâu. Phòng cưới cũng phải trang trí theo hai phong cách khác nhau, chăn ga gối đệm cũng phải đổi.

Từ nhà trai tới nhà gái chỉ cách nhau gần 1 cây số nên cả hai lần rước dâu, họ đều đi bộ. Đám cưới lần thứ nhất của Đào diễn ra linh đình, rình rang cả làng, xóm. Đón dâu xong, dù nhà gần nhưng cô dâu cũng không được về tiếp bạn, cứ phải ở lì nhà chồng đến sáng sớm hôm sau mới được “trốn” về. 

Đào ngậm ngùi: "Thôi thì đành mất lòng bạn chứ chẳng dám mất lòng nhà chồng".

Cô dâu chạy trốn về nhà mẹ đêm tân hôn - 2

Nhiều cô dâu mệt mỏi vì phải "cưới hai lần" (Ảnh minh họa)

Một tuần sau đó, đám cưới lần thứ hai được tổ chức, cũng rùm beng, linh đình như thế. Đào không những không thấy vui mà trái lại còn thấy mệt mỏi, ngượng ngùng với bạn bè, làng xóm.

 Cô chia sẻ: “Cứ nghĩ về chuyện trong một tuần mà tới hai lần mặc áo cưới, đi bộ khắp làng mình lại thấy ngượng. Cái gì cũng thế thôi, làm một lần sẽ thấy háo hức, hạnh phúc nhưng đến lần thứ hai rồi sẽ thấy nhạt. Chưa kể đến chuyện chi phí tốn kém, rồi mệt mỏi cho cả gia đình lẫn khách khứa”.

Cưới một lần đã phức tạp, cưới hai lần còn rườm rà hơn. Tại một số nơi còn có nghi thức phải đón dâu vào lúc 0 giờ hôm ăn hỏi. Sau khi đôi vợ chồng trẻ làm lễ gia tiên, cô dâu sẽ phải tìm cách trốn về nhà mẹ đẻ mà không cho ai biết. Chú rể sẽ đợi sẵn ở đầu ngõ và chờ “cướp dâu”. Đó được coi như hai lần cưới.

Ở một số nơi khác, còn có phong tục kỳ lạ là những cặp vợ chồng cưới hai lần phải trao hai đôi nhẫn khác nhau. Sau khi nhận nhẫn lần thứ nhất, cô dâu phải tháo bỏ nó và ném xuống sông vào lúc nửa đêm, coi như vứt bỏ một đời chồng. Có như vậy, số “hai lần đò” mới được hóa giải.

Với suy nghĩ “có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”, hầu hết những gia đình có con không may sinh vào “năm hạn” đều cố sức cưới hai lần với nhiều thủ tục phức tạp. Trong thời buổi “phú quý sinh lễ nghĩa”, những thủ tục ấy lại càng được coi trọng và thực hiện một cách tỉ mỉ, chi tiết.

Không biết cưới hai lần rồi cô dâu có thoát khỏi số “hai lần đò” hay không, nhưng những sự trớ trêu, éo le, bi hài trong hai lần cưới thì những cô dâu không may đứng chứ “Đinh, Nhâm, Quý” đã lĩnh đủ. 

Trong ngày cưới thiêng liêng, hạnh phúc, họ bị chính những thủ tục được coi là “phao cứu sinh” của mình quay như chong chóng.

-----------------

Không chỉ có những tâm sự của nàng dâu trước ngày cưới hay những ám ảnh của các cô dâu phải cưới hai lần mà chuyện của những quan khách tham gia lễ cưới tại nhà hàng cũng xảy ra không ít chuyện bi hài. Mời các bạn hãy đón đọc phần tiếp theo vào lúc 0h00 ngày 18/12/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Bi hài chuyện cưới hỏi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN