Ngượng ngùng nụ hôn ngày cưới

Nụ hôn ngày cưới là cách thể hiện tình yêu, mong ước được hòa hợp, gắn kết trăm năm.

Đám cưới là ngày thiêng liêng, đáng nhớ nhất của các cặp uyên ương. Họ đã phải vượt qua bao nhiêu thử thách, sóng gió trong cuộc sống để sánh bước bên nhau trong ngày cưới, trước sự chúc phúc của gia đình, bạn bè. Nhưng những câu chuyện bi, hài xung quanh chuyện cưới xin vẫn là những kỷ niệm không thê nào quên được của các cô dâu, chú rể mới. 

Nếu như trước đây, nụ hôn trong ngày cưới là điều hiếm gặp thì ngày nay, sau khi cô dâu chú rể lồng vào tay nhau đôi nhẫn cưới thì họ trao cho nhau nụ hôn trước mặt quan khách là chuyện rất thường tình. Không chỉ ở thành phố, ngay cả ở những vùng nông thôn, “nụ hôn” cũng đã trở thành điều thú vị, khiến lễ cưới trở nên sôi động, ý nghĩa hơn.

Ngượng ngùng nụ hôn ngày cưới - 1

Cặp uyên ương không ngần ngại trao nhau nụ hôn trong ngày cưới (Ảnh minh họa)

Đặc biệt như nụ hôn ngày cưới

Với cô dâu, chú rể, trao nhau nụ hôn trong lễ cưới là cách họ thể hiện tình yêu, sự hòa hợp cũng như mong muốn được gắn kết trăm năm. Đó cũng là cách họ ghi lại khoảnh khắc quan trọng nhất của đời người. Còn với bạn bè xung quanh, nụ hôn của hai nhân vật chính khiến họ cảm thấy hứng khởi.

Bạn Ngọc Thủy (25 tuổi, quê Phú Thọ, cán bộ tư pháp) chia sẻ: “Trước đây, mình chỉ thấy cô dâu, chú rể hôn nhau trong đám cưới ở thành phố. Còn bây giờ, hầu hết các đám cưới ở nông thôn cũng có hành động thân mật này, tuy họ vẫn có đôi phần ngượng ngượng. Mình thấy nụ hôn trong ngày cưới rất ý nghĩa. Mỗi lần đi dự đám cưới, mình và các bạn vẫn khích lệ cô dâu, chú rể hôn nhau”.

Bạn Kim Ngân (23 tuổi, quê Vĩnh Phúc, nhân viên của một công ty vận chuyển) cũng đồng tình: “Giờ trai gái yêu nhau thể hiện sự thân mật mọi lúc, mọi nơi. Vậy tại sao trong ngày cưới lại không  trao nhau nụ hôn cho lễ cưới thêm tình cảm, ý nghĩa chứ? Không chỉ cô dâu, chú rể thấy hạnh phúc mà bạn bè có mặt lúc đó cũng thấy hứng khởi”.

Ngượng ngùng nụ hôn ngày cưới - 2

Nụ hôn đặc biệt ấy giúp các bậc phụ huynh an lòng (Ảnh minh họa)

Ý nghĩa của nụ hôn trong ngày cưới cũng không giống ở những thời điểm khác. Đó không chỉ là hành động thể hiện tình yêu, nỗi nhớ mà còn là sự gửi gắm cả cuộc đời cho nhau. Từng là nhân vật chính của lễ cưới, nhận được nụ hôn từ chồng, Thu Phương (26 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Người ta bảo nhớ nhất nụ hôn đầu, nhưng mình thì nhớ nhất nụ hôn ngày cưới. Đã 6 năm rồi mà đến giờ mình vẫn nhớ cảm giác lúc đó, hồi hộp vì lần đầu tiên hôn nhau ở chỗ đông người, rồi xúc động vì từ giờ đã thuộc về nhau, gắn bó với nhau”.

Tuy vậy, ở vùng nông thôn, nụ hôn ngày cưới vẫn có chút “sượng sùng”. Có thể bởi quan niệm xưa đã ăn sâu vào suy nghĩ của các chàng trai, cô gái quê. Hơn nữa, trước sự chứng kiến của các vị bô lão, bậc phụ huynh, cô dâu, chú rể cũng không dám tự tin trao nhau nụ hôn tình cảm.

Bạn Ngân kể: “Trong ngày cưới bạn mình, chú rể cứ ngượng ngùng, cầm tay cô dâu đến đổ mồ hôi rồi mà không dám hôn. Chúng mình ở dưới hò hét, khích lệ đủ kiểu mới dám thơm nhẹ một cái vào má, rồi sau đó cả hai đứa cùng đỏ mặt chạy thẳng xuống sàn. Sau này hỏi mới biết, thì ra cô dâu thì sợ nhà chồng đánh giá, còn chú rể thì sợ cô dâu không cho phép”.

Ngân kể thêm, có cặp đôi trước khi hôn nhau còn phải đàm phán. Chú rể thì hỏi cô dâu “Cho hôn nhé”, còn cô dâu thì đáp chú rể “hôn nhẹ thôi”, khiến cả quan khách hai bên bật cười.

An lòng khi nhìn con trẻ trao nụ hôn ngày cưới

Chứng kiến con trẻ hôn nhau tình cảm trong ngày cưới, có những vị bô lão, bậc phụ huynh ngượng ngùng che mặt, hoặc quay đi. Nhiều người cho rằng, đó là thái độ chê cười, phản đối, nhưng ít ai biết, đôi khi nụ hôn đó khiến họ yên tâm hơn về “hạnh phúc đôi lứa” của con mình.

Bác Trần Thị Hạnh (53 tuổi, Hải Dương) chia sẻ: “Tôi có cô con gái lấy chồng tháng trước, trong lễ cưới chúng nó cũng hôn nhau. Quả lúc đó tôi thấy sượng thật bởi sao chúng nó tự nhiên quá, chẳng như thời xưa có khi đến ngày cưới vẫn chưa một lần cầm tay nhau. Nhưng rồi lại thấy an lòng vì dẫu sao nó cũng lấy được một người chồng tình cảm, yêu thương nó”.

Ngượng ngùng nụ hôn ngày cưới - 3

Nụ hôn giúp lễ cưới thêm phần ý nghĩa (Ảnh minh họa)

Bạn Tuyết (23 tuổi, Tam Dương, Vĩnh Phúc) kể về ngày cưới của mình: “Ngày mình cưới, chú rể cũng cầm tay, cũng hôn. Lúc đó mình để ý thấy mẹ nhăn mặt, tỏ vẻ không vừa ý. Một vài cô, chú khác thì nói “kinh quá”, làm mình thấy sợ hãi. Nào ngờ, buổi tối trong lúc dọn đồ chuẩn bị về nhà chồng mình nghe thấy mẹ thủ thỉ với mấy bà hàng xóm “Hôm nay, lúc nổ pháo vợ chồng chúng nó thơm nhau đấy, sượng sượng mà lại hay hay. Thấy mừng cho tình yêu của chúng nó. Trước đây thời mình đâu dám thế”.

“Tuy vậy, cô dâu, chú rể cũng nên thơm nhau nhẹ nhàng, tình tứ thôi. Hôn nhau đắm đuối, táo bạo quá cũng khiến nhiều người xung quanh đỏ mặt, rồi lại bị mọi người đánh giá này nọ” – Tuyết chia sẻ thêm.

Nụ hôn hay một số cử chỉ thân mật giữa cô dâu, chú rể khiến ngày cưới thêm phần ý nghĩa. Nó cũng thể hiện giới trẻ ngày nay bạo dạn hơn, can đảm thể hiện tình cảm của mình.

Tuy nhiên, hiện nay, trong một số đám cưới, các bạn trẻ có những hành động quá khích như ăn mặc thiếu vải, nhảy nhót điên cuồng trên sân khấu. Thể hiện niềm vui một cách thái quá như vậy không những làm mất đi sự trang trọng của đám cưới, bị nhiều người phản đối mà đôi khi còn dẫn đến gây gổ đánh nhau, để lại hậu quả đáng tiếc.

Hôn nhau ngày cưới
Theo bạn có nên hôn nhau trong ngày cưới?

-------------------

Nhiều người may mắn khi đám cưới được tổ chức suôn sẻ, nhanh chóng nhưng cũng có những người không "hợp tuổi", "hợp duyên" phải tổ chức đám cưới tới 2 lần. Và trong 2 lần tổ chức đám cưới, các cô dâu đã gặp phải những tình huống lóng ngóng, dở khóc, dở cười. Mời các bạn hãy đón đọc phần tiếp theo "Bi hài... cưới hai lần" vào lúc 0h00 ngày 17/12/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên
Bi hài chuyện cưới hỏi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN