Cô bé bán rong nuôi cả gia đình

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Sáng đến trường, chiều bán rong nuôi cả gia đình, Phương năm nào cũng là học sinh giỏi.

Hàng ngày Phạm Thị Phương (lớp 10 trường THPT Vĩnh Long) đạp xe khắp các con hẻm quen thuộc và đến tối thì ghé lại công viên trung tâm thành phố Vĩnh Long để bán từng quả trứng gà, từng hộp bắp xào, từng củ khoai lang… Đâu chỉ tiền học của chị em Phương, cả tiền ăn cho gia đình sáu người của cô bé cũng trông chờ vào xe bắp xào, hột gà nướng ấy.

Những vòng xe khó nhọc

Ghé thăm Phương vào buổi tối tại một công viên ở Vĩnh Long, lúc này Phương đang bận túi bụi cho việc xào chảo bắp và nướng cả 30 quả trứng gà trên chiếc xe thồ gần như kín chỗ. Qua sự thành thục và lời nói nhỏ nhẹ với khách, chúng tôi biết cô bé lớp 10 này đã có không ít năm tiếp xúc với cuộc đời.

Hoàn cảnh của Phương rất khó khăn. Nhà sáu miệng ăn, lại không có đất đai canh tác, cha mẹ Phương phải vào Nam và Phương theo ba mẹ đi khắp nơi để mưu sinh. Lớn hơn một chút, em tự đi bán một mình. Đều đặn mỗi ngày, chiều tan học là Phương chạy vội về nhà để tiếp tục cuộc hành trình bên chiếc xe thồ. Bất chấp trời mưa hay nắng, em cũng nhẫn nại ngồi bán cho tới 10 giờ tối, công viên vắng người mới chịu trở về nhà. Tiền lời cho một ngày chỉ vẻn vẹn chừng 50.000 đồng. Những khi buôn bán không được, gia đình đành phải ăn ít lại để không bị hụt vốn.

Giờ thì cha mẹ đã lớn tuổi, không còn đủ sức làm những việc nặng nhọc, chỉ có thể ở nhà nhận hàng cho Phương với người chị gái đi bán. Vì vậy, gần như toàn bộ gánh nặng gia đình đều trông vào xe bắp xào cũ kỹ của Phương và chị gái.

Cô bé bán rong nuôi cả gia đình - 1

Phạm Thị Phương mưu sinh bên xe bắp. Ảnh: Ý Nhi

Không nghèo tình thương và ý chí

Những hôm trời mưa gió bất chợt, Phương phải dùng tấm bạt phủ kín chiếc xe rồi thu mình trong đó chịu trận cho đến hết mưa. Có lần do quá gấp mà những viên than hồng nướng hột gà tạt mạnh vào tay khiến tay Phương phồng rộp, cả tuần không hết. Lần bị phỏng đó cũng là lần khiến Phương cảm kích vì tình bạn. Khi đến trường, các bạn biết Phương bị phỏng thì ồ ạt ra công viên, người phụ bán, người phụ quảng cáo làm cho xe bắp của Phương chỉ trong một giờ đã hết sạch. Lời cũng kha khá nên Phương quyết định đãi các bạn một chầu, nhưng không ai đồng ý vì muốn Phương để dành tiền mua thuốc uống. Phương nhắc chuyện cũ mà rưng rưng nước mắt.

Vừa đi bán, Phương vừa tranh thủ ôn bài, chuẩn bị cả cho môn học hôm sau. “Ngày nào cũng thấy nó đi bán suốt nhưng nó vẫn thuộc bài đấy, khi rảnh là nó lại lôi sách ra học, thấy mà thương”, cô Lan bán gần đó tâm sự.

Thời gian gần như kín hết nhưng Phương học rất tốt, năm nào cũng là học sinh giỏi. Đặc biệt là môn văn, Phương được nhiều giải khuyến khích trong những cuộc thi vòng trường, vòng tỉnh. Đáng quý nhất là vì nghèo khó mà bị xa lánh, khinh khi, Phương vẫn sống chan hoà. “Ban đầu thấy hơi buồn nhưng em không bao giờ vì thế mà trách gia đình, không ai được quyền lựa chọn nơi mình sinh ra. Nhà em tuy nghèo nhưng ai cũng đoàn kết, yêu thương nhau”, Phương tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ý Nhi – Hồng Tuấn (Sài gòn tiếp thị)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN