Một tay bao bọc cả gia đình

21 tuổ đầu, Châu Văn Trường đã là trụ cột của một gia đình gồm vợ và đứa con trai mới 9 tháng tuổi.

Vậy mà người chồng, người cha trẻ ấy lại mang một cơ thể ốm yếu, bàn tay phải cũng không còn.

Gặp chân tình trong gian khó

Trường cười nhẹ nhàng giải thích lý do lấy vợ sớm: “Em lập gia đình để ổn định cuộc sống. Hai người cùng làm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”.

Hồi mới 14 tuổi, ở Sóc Trăng nhà nghèo không đủ ăn, Trường quyết định rời quê lên thành phố kiếm sống. Trường trải qua đủ thứ việc, từ khuân gạch, phụ hồ, thợ may, bốc vác… đến ép nhựa. Khoảng ba năm trước, trong lúc làm việc, bàn tay phải của Trường bị máy ép nhựa ép nát. Trường kể: “Chủ lo tiền bệnh viện, thuốc thang và hứa 18 tháng sau sẽ gắn tay giả. Nhưng bây giờ người ta phá sản rồi, em cũng không nỡ đòi”.

Cũng trong thời gian này, người bạn gái tên Chung Thái Lan, người thành phố đã không ngại nghèo, không ngại khó luôn sát cánh an ủi, giúp đỡ Trường vượt qua cú sốc. Thời gian trôi đi, hai người nên duyên vợ chồng.

Trường tìm được công việc ép nhựa ở một chỗ mới. Trường thao tác trên máy chậm, người chủ mới cũng không nỡ đuổi vì thấy anh chăm chỉ. Lúc còn lành lặn, Trường kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày. Từ khi bị mất bàn tay phải, anh chỉ làm được 100.000 đồng/ngày. Hai vợ chồng Trường mỗi tháng để dành được chừng 1 triệu đồng. Nhưng từ khi có con, vợ phải nghỉ ở nhà chăm con, rồi nào là tiền sữa, tiền tã… mức lương 3 triệu đồng/tháng lại không ổn định khiến gia đình thêm chật vật. Hàng ngày, Trường nhịn ăn bữa sáng để tiết kiệm. Anh dự định, sẽ chạy xe ôm hoặc chở hàng sau giờ làm để kiếm thêm nhưng khó có khách, bởi ai cũng ngại thuê người khuyết tật. Trường tự an ủi: “Tuy cực, nhưng có vợ có chồng cùng đồng lòng kiếm tiền nuôi con”.

Một tay bao bọc cả gia đình - 1

“Tuy cực, nhưng có vợ có chồng cùng đồng lòng kiếm tiền nuôi con”.

Trường không dễ gây thiện cảm với người mới gặp, bởi vẻ mặt bất cần đời, tay thì luôn đút túi quần. Nhưng, ẩn bên trong vẻ ngoài đó là một tâm hồn giàu yêu thương và đầy tự trọng. Trước ánh mắt khinh thường hay thương hại của người khác, Trường luôn khẳng định: “Em có đủ sức khoẻ mà! Em làm được hết!”

Ba ngọn nến ba nơi

Cách nay hơn một tháng, chỗ làm mới cũng không có việc, Trường đành phải nghỉ làm. Vợ khuyên đi bán vé số nhưng Trường thấy không ổn nên thôi. Rồi Trường gom góp, vay mượn được 2 triệu đồng theo cha ruột đi bán ve chai kiếm sống. Hàng ngày, Trường đi mua ve chai từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Ngày đắt kiếm được hơn trăm ngàn, ngày ế kiếm được vài chục ngàn. Khoảng năm ngày trước, Trường được hai thanh niên dẫn đến một con hẻm để mua ve chai, không ngờ vừa tới nơi thì Trường bị hai người này đánh và cướp đi 1 triệu đồng tiền vốn. Từ lúc bị cướp, chủ vựa ve chai thương tình cho Trường mượn vốn trả góp dần.

Vì miếng cơm manh áo, gia đình nhỏ của Trường giờ đây phải chia ra mỗi người một nơi. Con trai của Trường tên Châu Anh Bảo mới chín tháng tuổi đã phải rời xa cha mẹ về Sóc Trăng ở với bà nội. Vợ Trường ở nhà cha ruột tại quận 11 để tiện đi làm. Còn Trường, thuê nhà ở quận 7 để tiện buôn bán. Hai vợ chồng cuối tuần lại tranh thủ gặp nhau. Từ ngày gửi con về quê, vợ chồng Trường cũng chưa lần nào về thăm được. Trường ngẹn ngào nhớ lại lúc ẵm con đi chích ngừa, nhưng mũi thuốc hơn 600.000 đồng, không đủ tiền đành phải ẵm con về.

Trường xúc động: “Nếu cơ thể em bình thường thì cuộc sống không đến nỗi khó khăn. Bây giờ dù thế nào cũng phải ráng kiếm tiền nuôi vợ con, rước con về ở chung. Vợ chồng em nhớ con lắm!”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Cúc – ảnh Hồng Thái (Sài gòn tiếp thị)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN