Chị em công sở hối hả kinh doanh dịp Tết

Trên các diễn đàn, facebook, chị em công sở tấp nập kinh doanh mứt dừa dịp cận Tết.

Kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, nguồn thu nhập giảm là những lý do khiến nhiều người phải xoay sở kiếm thêm thu nhập để có được cái Tết đủ đầy. Đối với nhiều chị em công sở, họ tranh thủ thời gian rảnh rỗi ở cơ quan tìm cách buôn bán kiếm thêm tiền tiêu Tết.

Trước đây hình thức kinh doanh của chị em công sở đơn giản truyền tai nhau địa chỉ người bán hàng uy tín, đặt hàng qua điện thoại hay mối quan hệ quen biết. Hiện nay, việc kinh doanh của chị em trở nên thuận lợi hơn rất nhiều nhờ vào mạng xã hội. Lướt nhanh qua các diễn đàn, facebook… là tràn ngập những lời quảng cáo, rao bán đặc sản quê hương hay quà Tết của những cô chủ/cậu chủ kinh doanh, buôn bán cho dân công sở.

Mặc dù còn 2 tuần nữa đến Tết nhưng nhiều chị em đã đẩy mạnh việc rao hàng Tết trên trang facebook cá nhân và các diễn đàn. Tận dụng mối quan hệ bạn bè rộng trên facebook, thời gian gần đây, chị Bích Chi – nhân viên ngân hàng tại Hà Nội cho đăng tải hàng loạt các thông tin về sản phẩm mứt dừa tự tay mình làm để chào bán với bạn bè.

Hình ảnh sản phẩm đẹp mắt và là “hàng nhà” nên được rất nhiều người quan tâm, đặt hàng. Theo chị chia sẻ, mấy ngày Tết dương được nghỉ, chị nghiên cứu công thức làm các loại mứt dừa và khi cả nhà thưởng thức đã đánh giá rất cao tay nghề của chị. Cùng với máu ham thích kinh doanh, chị nảy sinh ý định bán hàng trên mạng cho đồng nghiệp và bạn bè có nhu cầu.

Mặc dù lần đầu bắt tay vào buôn bán với hơn 2 tuần quảng bá và làm hàng cho khách đặt, chị thấy khá thích thú. Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã giao hàng chục kg mứt cho khách quen và đang nhận làm cho vài hợp đồng qua điện thoại.

Cũng với mặt hàng mứt Tết, mỗi năm đến thời điểm này, Huyền Trang (Định Công, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị hàng các loại mứt dừa, mứt cà chua, mứt hạt sen, cà rốt… để cung cấp cho các bạn hàng quen biết từ nhiều năm kinh doanh trước đó.

Huyền Trang cho biết, nhờ uy tín của các năm kinh doanh, cứ đến dịp Tết, cô nàng bắt đầu đưa thông tin sản phẩm của mình lên để hâm nóng lại trên các diễn đàn cho bạn bè và đồng nghiệp cũng như các khách hàng khác biết để tiếp tục đặt hàng. Bận rộn với công việc của cơ quan nhưng cô bạn vẫn tranh thủ nhận và làm hàng đầy đủ đảm bảo khách yêu cầu.

Chị em công sở hối hả kinh doanh dịp Tết - 1

Các chị em hào hứng với công việc kinh doanh các loại mứt ngày Tết

Không dừng lại ở những sản phẩm mang hương vị của Tết như mứt, năm nay dân văn phòng đổ xô kinh doanh nhiều mặt hàng độc lạ hơn, nhiều món đặc sản các vùng miền được trưng bán như măng khô Bắc Cạn, chè khô Thái Nguyên, bưởi Diễn, miến dong, giò chả… Phải nói dân văn phòng khá thông minh khi sử dụng chính tâm lý của người tiêu dùng để kinh doanh “ưu tiên hàng nội, hàng sạch, chất lượng”.

Theo nhận định của không ít tay buôn nghiệp dư, hiện nay người tiêu dùng rất sợ mua hàng ở chợ không rõ nguồn gốc và chất lượng nên khi tiếp cận với những đầu mối hàng đặc sản quê hương, họ rất lưu tâm. Nhất là những người kinh doanh ở đây không hẳn là dân chợ búa, toàn là người quen, đồng nghiệp hoặc bạn bè, dân văn phòng không có tính lọc lừa. Vì thế, dù mua những hàng có thương hiệu giá không mềm như ngoài chợ, thậm chí còn gánh cả phí ship hàng, nhiều người tiêu dùng vẫn đồng ý chấp nhận. Điều đó, chính là lý do giải thích vì sao ngày càng nhiều dân văn phòng buôn bán qua mạng.

Đối với dân văn phòng, việc tận dụng thời gian rảnh ở cơ quan để kinh doanh dưới hình thức đặt hàng qua mạng như thế khá hiệu quả, giúp thêm nguồn thu kha khá. Với kiểu "làm chơi ăn thật" của bạn bè, đồng nghiệp khiến nhiều người cùng háo hức nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng thành công với công việc buôn bán, nhiều người bị thua lỗ, bị stress vì áp lực, thậm chí còn bị rắc rối khi làm cả việc cơ quan lẫn kinh doanh.

Vốn chưa hề biết gì về kinh doanh, thấy bạn bè bán hàng qua mạng hiệu quả, thu lợi nhuận nhanh. Thanh Hương (20 tuổi) cũng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh qua facebook các mặt hàng như: măng khô, nấm hương Bắc Cạn sau những tư vấn nửa vời và động viên của đồng nghiệp.

Mới bắt tay vào việc, mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, cô nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn bè và những đơn đặt hàng hấp dẫn. Vì chưa có kinh nghiệm, Thanh Hương điện thoại về quê nhờ người nhà gửi cả số lượng lớn hàng xuống. Tuy nhiên, khi giao hàng cho khách, nhiều người lại không ưng sản phẩm nên gửi trả lại. Hàng không bán hết, lại không biết cách xoay sở, Thanh Hương đành bán thoái vốn cho các đầu mối ở chợ. Tính ra, cô chẳng được lời mà mất uy tín kinh doanh, chưa kể thời gian dồn tâm cho việc bán hàng, cô xao nhãng chuyện công ty và bị sếp quở trách thậm tệ.

Kinh doanh không thua lỗ, Thái Hoàng (Huế) lại bị sếp khó tính cho nghỉ giữa chừng ngay những ngày cuối năm vì bị phát hiện kinh doanh ngoài bỏ bê chuyện công việc của công ty. Anh bạn trẻ tuổi chia sẻ trong tiếc nuối: “Buôn bán có thể thua keo này bày keo khác, công việc của mình hiện tại mãi mới ổn định, giờ vì ham hố chút thu nhập ngoài rồi mất việc, mất cả khoản lớn tiền thưởng Tết. Nghĩ tiếc và thấy thất bại lớn quá.”

Có lẽ, việc buôn bán là may rủi, nhiều người tính đùa lại ăn thiệt, nhiều người tính thiệt lại thua lỗ. Với dân văn phòng, kinh doanh “tay trái” là cách hay để “cá kiếm” thêm chút đỉnh ngày Tết. Tuy nhiên, các chị em cần phải tỉnh táo để phân biệt giữa công việc chính phụ để không có sự móc nghéo với nhau, tránh những rắc rối từ việc cá nhân ảnh hưởng đến công việc chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Phong ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN