Đau lòng nghe con dâu chửi bố chồng

Con dâu lớn tiếng quát bố chồng: "Ông ăn miếng cơm ngon lành cũng nghĩ tới con dâu phải vất vả ngoài chợ chứ?"

Nhà ông Hoàng ở ngay sát nhà tôi. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến cảnh ông “gà trống nuôi con” một mình nên rất thương ông. Vợ ông mất sau khi sinh cậu con trai được hai tuổi. Ông sống một mình, quyết tâm không đi bước nữa vì tình yêu với vợ quá sâu nặng. Cuộc sống không có người phụ nữ bên cạnh khiến ông ngày một già yếu. Một tay ông nuôi hai người con, làm đủ mọi nghề từ sáng sớm tới tối khuya để có tiền nuôi các con ăn học. Cô con gái lớn của ông thương bố vất vả, học hành chăm chỉ, giỏi giang kiếm được một tấm chồng tử tế nhưng cũng không dư giả nhiều. Cậu em trai hiền lành nhưng học hành lại không bằng cô chị. Cuối cùng, ông cũng cưới cho con trai mình được một người vợ khá hoạt bát.

Cuộc sống của ông tưởng chừng đã yên ả khi lo đủ cho các con trưởng thành, vậy mà con trai ông lại lấy phải một cô vợ đanh đá, ghê gớm, chỉ suốt ngày nghĩ đến tiền. Thêm vào đó, kinh tế ngày càng khó khăn, đồng lương hưu nhỏ bé của ông chỉ đủ trang trải phần nào. Con trai ông quá lành nên bị vợ bắt nạt và nắm hết kinh tế trong gia đình. Chính vì thế mà ông – một người bố chăm chỉ, cần cù cũng phải chịu sự sai khiến của con dâu. Bao năm nuôi con một mình, ông thấm thía nỗi cơ cực nhưng chẳng có nỗi nhục nhã nào bằng việc bị con dâu khinh bỉ.

Ở ngay sát vách nhà ông, chiều nào con dâu ông đi chợ về tôi cũng nghe thấy những câu nói đau lòng của cô ta dành cho bố chồng: “Sao ông không đi đổ rác?"; "Sao ông chưa nấu cơm?"; "Mấy chục bạc tiền thịt đấy? Ông ăn miếng cơm ngon lành cũng nên nghĩ tới con dâu vất vả ngoài chợ chứ? Đưa ba cái đồng lương còi này mà cũng cơm trắng cá kho như ai? Đúng là ăn bám!”.

Đau lòng nghe con dâu chửi bố chồng - 1

Thương ông bao nhiêu, hàng xóm lại càng lên án thái độ của cô con dâu mất nết (Ảnh minh họa)

Tôi nghe mà thấy thật chua xót cho cuộc đời của ông. Mái tóc đã pha sương, đôi bàn tay chai sạn với làn da đồi mồi bao năm vất vả nuôi các con trưởng thành. Giờ đây, khi ông đã già yếu, đã run cầm cập phải chống gậy thì cô con dâu vụ lợi, sành tiền của ông lại chẳng buồn nhớ đến công lao của người đã chăm sóc, nuôi nấng chồng cô.

Tôi đi lướt ngang qua nhà ông, thấy đôi mắt ông rưng rưng, đôi tay run rẩy chống gậy đi từng bước. Cả cuộc đời ông đã vất vả sương gió vậy mà đến cuối đời, ông lại phải chứng kiến cảnh đau lòng này. Thương ông bao nhiêu, hàng xóm lại càng lên án thái độ của cô con dâu mất nết, cậu con nhu nhược của ông.

Chiều nay, khi vừa thiu ngủ, tôi bỗng giật mình vì có tiếng cãi cọ, xô xát ở nhà bên cạnh. Tôi bật người dậy thật nhanh thì thấy cậu con trai ông đang cho cô vợ mấy cái bạt tai đau điếng. Cô ta la lối om sòm nhưng vẫn không thể bằng tiếng thét đầy uy lực của con trai ông đã bao tháng ngày câm nín, nhịn vợ: “Ai không tôn trọng bố tôi tức là không muốn sống ở cái nhà này nữa!”. Lần đầu tiên, tôi thấy chị vợ anh nép sợ và lảng tránh ánh nhìn từ những người hàng xóm đang kéo đến ngày một đông. Ai cũng hả hê và mừng cho ông cụ vì cậu con trai cuối cùng đã thức tỉnh, trở về đúng với bản lĩnh của một người đàn ông thực sự.

Mặc dù rất mừng cho ông Hoàng nhưng sao tôi vẫn thấy chua xót quá. Cuối đời, người già phải được hưởng cảnh con cháu sum vầy, hiếu thảo, vậy mà ông lại bị khinh bỉ dù bao năm vất vả nuôi con cái trưởng thành. Đồng tiền có sức lay chuyển mạnh mẽ nhưng cuối cùng nó cũng không thắng nổi tình phụ tử.

Tôi thầm mong cuối đời, ông sẽ được sống an nhàn, hạnh phúc bên con cháu.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Nỗi kinh hoàng của con dâu ngày Tết

Xui con dâu bỏ chồng

Đại gia tìm chồng cho con dâu

Giăng bẫy con dâu ngoại tình

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lệ Thu ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN