Chờ bất ngờ từ những ẩn số

Thứ Ba, ngày 14/08/2018 00:08 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Họ không được để ý nhưng rồi có thể sẽ được nhắc đến nhiều khi ASIAD 2018 kết thúc. Và lần này, có thể chỉ tiêu 3-5 Huy chương vàng (HCV) lại được hoàn thành bởi những ẩn số là những môn thể thao mới lạ tại Việt Nam như kurash hay jujitsu.

Sự kiện: Asiad 2023

Từ chuyện của 16 năm trước

Trong lịch sử tham dự ASIAD của thể thao Việt Nam, có lẽ tấm HCV mà cơ thủ Trần Đình Hòa (TP Hồ Chí Minh) giành được tại ASIAD 2002 ở Busan (Hàn Quốc) gây bất ngờ hơn cả. Thậm chí, so với 2 tấm HCV của đội tuyển cầu mây tại ASIAD 2006, tấm HCV của cơ thủ Trần Đình Hòa còn khiến người ta choáng váng hơn.

Trước ASIAD 2002, khi mọi dự báo HCV đều đổ dồn vào môn Taekwondo hay thể hình, wushu, karatedo thì các cơ thủ billiards ít được chú ý. Đó cũng là điều bình thường khi trước đó, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành liên tiếp 2 HCV ở môn taekwondo ở ASIAD 1994 và 1998. 

Ngoài ra, tấm Huy chương bạc của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân (cũng là huy chương đầu tiên tại Olympic của thể thao Việt Nam) càng khiến mọi sự chú ý đổ về taekwondo. Trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD năm đó, các cơ thủ billiards lặng lẽ và ít được giới truyền thông “để ý”. 

Lúc ấy, cơ thủ Việt Nam được biết đến nhiều nhất là Lý Thế Vinh. Còn những cơ thủ khác như Trần Đình Hòa hay Dương Hoàng Anh lại ít được biết tới, ngoài làng billiards Việt Nam.  Đối với họ, đó là điều bình thường. Vì thế, ngay cả khi các cơ thủ billiards thi đấu tại Busan, hầu như không có phóng viên Việt Nam đến theo dõi, đưa tin.

Thế nhưng, tất cả đều bất ngờ khi có tới 2 tay cơ Việt Nam vào chung kết nội dung billiards carom 1 băng là Trần Đình Hòa và Dương Hoàng Anh. Cuối cùng, trong trận chung kết toàn Việt Nam, cơ thủ Trần Đình Hòa đã giành chiến thắng để lên ngôi vô địch, mang về tấm HCV quý giá cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Khi ấy, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh đã nói rằng: “ Đội tuyển billiards từ vai của ẩn số đã thành hiện tượng của Đoàn Thể thao Việt Nam. 

Ở đây không có chuyện ăn may mà hoàn toàn từ tài năng, bản lĩnh của những người dày dạn kinh nghiệm trận mạc”. Lúc lên ngôi vô địch ASIAD 2002, cơ thủ Trần Đình Hòa đã 49 tuổi và có hàng chục năm lăn lộn với cây gậy, viên bi tại khắp sới billiards đất Sài thành. 

Còn trước đó, tay cơ này đã có thời gian dài vật lộn mưu sinh với đủ nghề từ công nhân xưởng sản xuất mành trúc rồi xưởng sản xuất bánh kẹo, đi bỏ mối đồ tiêu dùng tại các cửa hàng nhỏ… 

Sau khi đăng quang ở ASIAD 2002, chính Trần Đình Hòa đã thổ lộ rằng không ngờ lại giành được HCV tại ASIAD. Trước ngày lên đường, cũng chỉ đặt mục tiêu vào bán kết và nếu đạt được thì sẽ rất hạnh phúc. Nào ngờ, niềm hạnh phúc của tay cơ này còn được nhân lên gấp bội và đến giờ, chức vô địch năm ấy vẫn là kỷ niệm khó quên với thể thao Việt Nam.

Chờ bất ngờ từ những ẩn số - 1

Võ sĩ Văn Ngọc Tú tham dự ASIAD 2018 ở môn kurash

Ẩn số từ các môn võ

ASIAD 2018 đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của nhiều môn võ như pencak silat, sambo, jujitsu, kurash. Đây là các môn võ thường chỉ xuất hiện ở các Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á cũng như Đại hội thể thao bãi biển. Nếu pencak silat đã quá quen thuộc với làng thể thao Việt Nam thì những môn như sambo, jujitsu, kurash đều mới được phát triển tại Việt Nam. 

Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã nhận ra tiềm năng của những môn trên nên đã phát triển từ vài năm nay. Các vận động viên judo của các địa phương này được đưa sang thi đấu ở môn kurash và jujitsu do 3 môn này có nhiều động tác tương đồng.

Trong số này, Hà Nội đặc biệt chú ý tới phát triển môn jujitsu nên đã mời cả các chuyên gia hàng đầu thế giới tới hướng dẫn các lớp đào tạo huấn luyện viên, vận động viên jujitsu. Vì thế, thành tích của các vận động viên Hà Nội tại môn jujitsu khá ấn tượng, thậm chí đã có người đoạt ngôi vô địch châu Á.

Tại ASIAD 2018, các vận động viên Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều là chủ lực của đội tuyển kurash và jujitsu. Trong số này, các vận động viên TP Hồ Chí Minh chiếm đa số ở đội tuyển kurash trong khi vận động viên Hà Nội làm nòng cốt ở đội tuyển jujitsu. 

Nguồn kinh phí tham dự ASIAD 2018 đều do ngành văn hóa - thể thao của hai địa phương chi trả. Tất nhiên, không có chuyện cử vận động viên tham dự cho vui. Chỉ những người trong diện tranh chấp huy chương mới được cử tham dự. Thực tế, do là môn mới tại đấu trường ASIAD nên cả đội tuyển kurash cũng như jujitsu đều được gửi gắm hy vọng, thậm chí hy vọng giành ít nhất 1 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Vinh – Phó Đoàn thể thao Việt Nam, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) đánh giá thận trọng: “ Chưa thể nói về cơ hội tranh chấp HCV của các võ sĩ kurash hay jujitsu của Việt Nam. Nhưng đúng là vận động viên của ta ở những môn này có cơ hội tranh chấp huy chương. Sân chơi ASIAD khốc liệt hơn rất nhiều so với Giải vô địch châu Á nên cũng chỉ hy vọng các vận động viên của ta sẽ thích nghi nhanh chóng”.

Dù vậy, người ta vẫn hy vọng mong manh vào những môn võ trên kể cả khi các đội tuyển kurash hay jujitsu chưa bao giờ được nhắc đến trong diện quy hoạch HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Biết đâu, câu chuyện tương tự như lần lên ngôi của cơ thủ Trần Đình Hòa vào 16 năm trước ở ASIAD 2002 lại  xảy đến ở kỳ ASIAD này với các võ sĩ những môn võ trên!

Võ sĩ Văn Ngọc Tú vẫn gây chú ý

Trong danh sách Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2018, cựu võ sĩ judo nổi tiếng Việt Nam Văn Ngọc Tú (31 tuổi) cũng xuất hiện nhưng là ở môn kurash. Cô gái đang đầu quân cho thể thao Quân đội từng nhiều lần thi đấu ở môn kurash tại các kỳ Đại hội thể thao bãi biển hay Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á. Thế nên, khi ngành thể thao quyết định cử đội tuyển kurash tham dự ASIAD 2018, Văn Ngọc Tú đã có tên, thậm chí trong diện được Tổng cục TDTT chi trả kinh phí tham dự, thi đấu.

Đội tuyển Karatedo chuẩn bị cho ASIAD 2018:  Bước đệm cho Olympic 2020

Karatedo giàu thành tích nhất trong lịch sử tham dự ASIAD với 4 tấm Huy chương vàng (HCV).

Chia sẻ
Theo Minh Nhật ([Tên nguồn])
sự kiện Asiad 2023
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN