Đô cử Thạch Kim Tuấn gánh đời như gánh tạ
Đô cử Thạch Kim Tuấn từng trải qua tuổi thơ cơ hàn cùng cực. Nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, cuộc đời và sự nghiệp của Tuấn đều đã sang trang.
Từ cậu bé mồ côi đến nhà vô địch
Đúng 8 ngày nữa, Đại hội Thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018) sẽ chính thức khởi tranh tại Indonesia. Đoàn thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV và Thạch Kim Tuấn là một trong những niềm hi vọng lớn nhất. Không chỉ tại giải đấu sắp tới, ở bất kỳ đại hội nào, có môn cử tạ, Tuấn đều là quân bài tẩy của cử tạ cũng như thể thao Việt Nam.
Theo HLV Huỳnh Hữu Chí - người thầy ruột của Thạch Kim Tuấn, khả năng chuyên môn của Tuấn không cần phải bàn quá nhiều bởi vô số thành tích xuất sắc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ở Tuấn, cái làm nên một VĐV thuộc hàng ngôi sao chính là ý chí vượt khó, tinh thần khổ luyện.
Thạch Kim Tuấn là niềm hi vọng vàng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018
Sinh ra trong một gia đình Khmer nghèo ở Bình Thuận, cuộc sống của Tuấn và các anh chị bị đảo lộn vào năm 1997 khi mẹ anh qua đời vì TNGT. Năm lên 6 tuổi, chị cả dẫn ba đứa em, bao gồm cả Tuấn vào TP HCM vất vưởng mưu sinh. Như bao đứa trẻ tỉnh lẻ dạt về đây, chị em Tuấn làm đủ thứ việc để mong có tiền. Tuấn từng đi nhặt ve chai, bán vé số, tẩm quất, bán sữa đậu nành...
"Tập cử tạ, với những khối thép hàng trăm kg khiến những VĐV như chúng tôi luôn đau nhừ vai, gáy. Đó là chưa kể các bệnh về xương, cột sống. Nhiều hôm tập xong không thể đứng thẳng nhưng ngày hôm sau lại có thể tiếp tục”.
Đô cử Thạch Kim Tuấn
Thế rồi bước ngoặt cuộc đời đến với Tuấn vào năm 2006 khi cậu và anh trai được một người bạn rủ đi tập cử tạ. Lúc đó, bản thân Tuấn còn chẳng biết cử tạ ra sao nhưng vì lời giới thiệu “tập tốt sẽ có tiền”, mà tiền với chị em Tuấn luôn là ước mơ nên Tuấn nhận lời. Không lâu sau, Tuấn được HLV Huỳnh Hữu Chí phát hiện, đưa vào biên chế đội cử tạ TP HCM.
Kể từ đây, chàng trai Khmer tiến bộ không ngừng, khiến ngay cả người thày Huỳnh Hữu Chí phải kinh ngạc. 17 tuổi, Tuấn gây chấn động ở Giải Trẻ thế giới với HCB hạng 50kg. 7 tháng sau, Tuấn tục lập kỳ tích với 1 HCV, 2 HCB hạng 56kg ở Giải Trẻ châu Á. Thêm một năm trui rèn nữa, Tuấn đã làm nên lịch sử, giành tấm HCV duy nhất cho thể thao Việt Nam tại Olympic trẻ. Tiếp đà thăng tiến, Tuấn còn giành thêm 1 HCV Giải Trẻ châu Á, 1 HCV Giải Trẻ thế giới, HCV SEA Games 28...
Nhằm vào lúc sự nghiệp thăng hoa nhất, Tuấn dính hàng loạt chấn thương lưng, vai, chân, cổ tay. Con đường tưởng chừng đang trải hoa hồng trước mặt Tuấn bỗng đầy chông gai. Cay đắng nhất là thất bại tại Olympic 2016, nhưng cậu không gục ngã, tiếp tục vươn mình đứng dậy, gặt hái thêm nhiều thành công ở SEA Games 29, Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á lần V (AIMAG 5) hay Giải Vô địch cử tạ quốc gia 2017. “Cuộc đời em vất vả, nặng nề như chính những quả tạ. Chỉ là, gánh đời hay gánh tạ em đều nỗ lực để làm tốt nhất có thể. Nếu gục ngã thì quá vô nghĩa”, Thạch Kim Tuấn tâm sự.
Phát khóc vì nhớ con
Chính suy nghĩ chín chắn ở cái tuổi 24, tuổi mà nhiều cô cậu còn ăn bám bố mẹ, Tuấn đã sở hữu một sự nghiệp đáng mơ ước cùng gia đình hạnh phúc. Nhờ tích lũy tiền thưởng qua nhiều năm, Tuấn đã mua được một căn hộ chung cư gần 1 tỷ đồng.
Trước đó, đầu năm 2017, Tuấn kết hôn cùng bạn gái Nguyễn Quỳnh, vốn cũng là dân cử tạ. Để chồng yên tâm tập luyện đỉnh cao, Quỳnh đã từ bỏ nghiệp “nâng thép”, chuyển sang làm cho một công ty du lịch, dành thời gian chăm sóc gia đình. Hạnh phúc của đôi bạn trẻ kết tinh thành một cậu con trai đầu lòng. Ngày Tuấn giành HCV SEA Games 29 cũng là ngày con đầy tháng.
Tuấn vốn ít nói, thậm chí đến mức khiến người khác phải khó chịu. Ngay cả HLV Huỳnh Hữu Chí nhiều lúc còn phát bực vì thi đấu xa nhà, trong phòng khách sạn chỉ có hai thày trò mà Tuấn cứ im như thóc. Cậu cũng gần như nói không với mạng xã hội và hiếm khi đọc báo. Thực ra, nhà vô địch SEA Games đã lập một tài khoản facebook nhưng đúng nghĩa để... cho có. Vào trang cá nhân của Tuấn, không thể tìm thấy dòng trạng thái nào, hoạt động gần nhất là Tuấn cập nhật ảnh đại diện hồi tháng 4 năm nay, trước khi sang Hungary tập huấn.
Kiệm lời, lại khá lì, nhưng Tuấn rất dễ xúc động khi nhắc tới gia đình. “Vợ chồng em cưới nhau được hơn một năm nhưng số ngày em ở nhà chưa đầy 4 tháng. Cũng may vợ hiểu tính chất nghề nghiệp của em nên luôn động viên em cố gắng vì hai mẹ con. Những ngày bên này tập huấn, em không dám gọi điện video về nhà bởi hễ nhìn thấy con là em lại nhớ đến phát khóc. Thương vợ, yêu con em giấu vào trong, biến nó thành động lực để cố gắng nhiều hơn cho kỳ ASIAD sắp tới”.
Cử hơn 300 VĐV so tài ở ASIAD 2018, thể thao Việt Nam hướng tới mục tiêu 3 HCV.