Trình báo mất nửa tỷ đồng khi bị dẫn dụ 'bấm like, thả tim'

Sự kiện: Tin pháp luật
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Nghệ An - Chị Loan trình báo khi "làm nhiệm vụ bấm like, thả tim" cho một khách sạn đã bị lôi kéo vào nhóm "thu hút đầu tư nước ngoài", nộp 500 triệu đồng song mất hết.

Ngày 23/5, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết đầu tháng 5, chị Loan, 40 tuổi, cho biết nhận được tin nhắn tuyển dụng làm cộng tác viên du lịch, tăng tương tác qua Facebook cho một khách sạn nổi tiếng. Theo giới thiệu, mỗi lần "bấm like, thả tim" vào hình ảnh khách sạn chị sẽ nhận 20.000 đồng, ngày 15-20 lượt.

Ngày đầu tiên, khi vừa bấm like vào hình ảnh được đối tác gửi, chị nhận ngay 20.000 đồng về tài khoản. Tiếp tục "thả tim" một số tấm ảnh khác, Loan nhận thêm tiền.

Ba ngày sau, một người tự xưng nhân viên khách sạn liên lạc qua Facebook, nói chị là khách hàng may mắn được làm nhiệm vụ VIP, gửi đường link trang web rồi yêu cầu vào nhóm kín trên Telegram để được hướng dẫn.

Loan trình báo người tự xưng nhân viên khách sạn liên tục gọi điện thúc giục, bảo "cứ đăng ký tài khoản trên web rồi vào nhóm chứ không mất gì". Sau vài tiếng suy nghĩ chị nhận lời. Trong nhóm Telegram có 5 người, gồm một quản lý, tự xưng là chuyên gia "thu hút đầu tư nước ngoài". Người này nói sẽ hỗ trợ, bỏ thêm vốn, thuyết phục 4 khách hàng trong nhóm tham gia đầu tư, hứa hẹn "hoa hồng" rất cao và sẽ trả ngay khi xong nhiệm vụ.

Ban đầu, viên quản lý thông báo các mức làm nhiệm vụ thấp. Nộp tiền từ 300.000 đồng đến một triệu đồng thì sẽ nhận nhận hoa hồng tương ứng 10-20%. Người phụ nữ nộp 300.000 đồng, ngay lập tức tài khoản ngân hàng báo cộng thêm 400.000 đồng. Các thành viên cũng chụp lại phiếu chuyển tiền gửi vào trong nhóm, động viên mọi người tiếp tục tham gia vì cơ hội kiếm tiền đang cao.

"Mỗi lần nộp hay rút tiền, tài khoản trên web đều thay đổi tương ứng với số tiền rút đi hoặc nhận về trong tài khoản ngân hàng", Loan khai tại cơ quan điều tra.

Vài ngày sau, người quản lý đưa ra các mức làm nhiệm vụ cao hơn, nộp từ 5 triệu đồng, hoa hồng vẫn 20-30%. Tuy nhiên, ở bước này, khi Loan chuyển 10 triệu thì tài khoản web bắt đầu báo lỗi nhập sai dữ liệu, yêu cầu nộp thêm tiền để làm lại và sẽ được hoàn cả gốc lẫn lãi. Chị nộp thêm 5 triệu nhưng hệ thống vẫn báo không thành công. Đem thắc mắc hỏi vào nhóm Telegram, quản lý và những người bạn chơi, Loan được giải thích "tài khoản gặp trục trặc, cứ nộp hết tiền vào đó sẽ được hoàn lại sau". Tin lời, chị liên tiếp nộp với tổng tiền hơn 500 triệu đồng - tiền tích cóp nhiều năm.

Đến bước này, tài khoản web vẫn báo lỗi. Trong nhóm Telegram, quản lý yêu cầu Loan nộp thêm 342 triệu đồng để nâng cấp lên VIP 4 mới rút được tiền. "Tôi mất bình tĩnh vì số tiền quá lớn không biết xoay xở đâu ra. Gọi điện cho nhân viên khách sạn cũng như nhắn tin vào nhóm chát thì không ai phản hồi nữa", chị Loan khai.

Từ đầu năm đến nay Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) đã tiếp nhận hàng chục đơn trình báo của các nạn nhân vì sập bẫy "nộp tiền làm nhiệm vụ để sinh lời". Người mất ít là vài chục triệu đồng, nhiều lên tới hơn nửa tỷ đồng. Việc điều tra gặp khó khăn do thủ phạm dùng tài khoản ảo.

Theo cán bộ điều tra, thủ đoạn lừa đảo trên không phải là mới, song ngày càng biến tướng tinh vi. Ngoài lừa "bấm like, thả tim", nhóm tội phạm còn mạo danh nhiều thương hiệu siêu thị, điện máy, thẩm mỹ viện... gọi điện cho người dân báo "có chương trình khuyến mãi, bạn là khách hàng may mắn nên được tặng quà".

Kẻ gian đưa ra hai hình thức nhận thưởng, hiện vật hoặc tiền mặt. Nếu nhận hiện vật, khách hàng sẽ được gửi về địa chỉ nơi cư trú là chiếc nồi cơm điện, quạt điện, máy sấy tóc... Còn lấy tiền mặt thì lập tức được chuyển khoản 100.000 đồng. Cứ thế, nhóm lừa đảo dụ khách hàng tham gia nhóm kín trên Telegram, sau đó truy cập đường link do chúng gửi để đăng ký làm nhiệm vụ nhằm hưởng tiền lời.

"Thấy kiếm tiền quá dễ, giao dịch nhanh gọn trong 1-2 phút nên người dân bị kích thích lòng tham. Một số trường hợp làm luôn 'nhiệm vụ kép', nộp hàng chục triệu đồng với hy vọng nhận về món hời lớn, và sập bẫy", cán bộ điều tra nói.

Theo cơ quan điều tra, khi thấy lượng tiền nộp vào trang web tăng, nhóm lừa đảo bắt đầu thao túng tâm lý, báo lỗi hệ thống, đưa ra gần 30 lý do khiến nạn nhân bị cuốn vào việc nộp thêm tiền mong gỡ lại, đến lúc bừng tỉnh thì đã hết sạch tiền.

"Trong nhóm kín thực chất chỉ có nạn nhân và kẻ gian, những thành viên còn lại tham gia bình luận đều do tội phạm đóng vai. Tài khoản thông báo tiền trên web là ảo, do chúng tạo ra để đánh lừa", cảnh sát cho hay.

Nhà chức trách khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với những cuộc gọi hay lời mời tham gia làm việc kiếm tiền trên mạng xã hội từ những người không quen biết. "Tất cả những thứ liên quan mà kẻ gian đưa ra để lôi kéo làm nhiệm vụ đều là giả mạo, chỉ có việc nạn nhân bị lừa đảo là thật".

* Tên người trình báo đã thay đổi

Nguồn: [Link nguồn]

Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, chị L. đã bị bạn trai quen trên mạng dụ dỗ đầu tư tài chính, mất hơn 1 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Hùng ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN