Tố cha hiếp dâm, bị khép tội loạn luân

Một phụ nữ tố cáo bị cha ruột mình cưỡng hiếp sinh ra hai con, sau đó chính chị bị truy tố tội loạn luân với vai trò đồng phạm.

AND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa xử sơ thẩm, tuyên trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung, làm rõ nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng trong một vụ án có dấu hiệu oan, sai xảy ra tại địa phương này.

Nỗi đau thấu tận trời xanh

Cáo trạng của VKSND thị xã Ninh Hòa xác định: Từ năm 1989 đến 1993, Lê H. (62 tuổi, ngụ thị xã Ninh Hòa) nhiều lần cưỡng ép con gái ruột là LTN (40 tuổi) để quan hệ tình dục khiến N. sinh ra hai con gái vào các năm 1993 và 1997. Từ 1997 đến 2012, N. chung sống với H. như vợ chồng. Đến đầu năm 2014, N. nghi ông H. có ý quan hệ tình dục với hai con của mình nên làm đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền. 

VKS kết luận: Từ năm 1997 đến tháng 7-2012, Lê H. và N. là cha con ruột đã có hành vi nhiều lần loạn luân. VKS truy tố H. và N. tội loạn luân theo khoản 1 Điều 150 BLHS, có mức phạt sáu tháng đến năm năm tù. Đối với hành vi cưỡng dâm của Lê H. từ năm 1997 trở về trước làm N. có hai con, VKS cho rằng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên không truy tố.

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, N. một mực kêu oan. N. khai: Từ năm 1989, khi chị mới 13 tuổi đã bị cha dùng vũ lực, dọa giết để giao cấu. Lần nào muốn quan hệ, ông H. đều ép buộc và đe dọa N. Đến giữa năm 2012, khi hội phụ nữ hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, không còn ở chung nhà, N. mới thoát khỏi việc bị cha cưỡng ép quan hệ. Đầu năm 2014, chính N. đã gửi đơn tố cáo hành vi mất nhân tính của cha mình.

Còn Lê H. khai lần đầu giao cấu với con gái mình là năm 1991; từ đó đến năm 2012 đã nhiều lần quan hệ với N., lần nào cũng ép buộc, đe dọa chứ N. không tự nguyện. Cả H. và N. đều không chấp nhận việc VKS cho rằng từ năm 1997 đến tháng 7-2012 hai người sống chung như vợ chồng, đồng thời khẳng định việc làm đồi bại của H. không ai trong gia đình (mẹ và tám em của N.) hay biết.

Tố cha hiếp dâm, bị khép tội loạn luân - 1

 Bị cáo Lê H. tại tòa. Ảnh: TL

Có dấu hiệu vừa oan vừa sai

Đại diện VKSND thị xã Ninh Hòa tại phiên tòa đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì Lê H. đã thay đổi lời khai, có mâu thuẫn lời khai tại cơ quan điều tra; bị cáo này còn có dấu hiệu phạm tội khác. Các luật sư bào chữa cho N. cũng thống nhất quan điểm trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì cho rằng bị cáo Lê H. không phạm tội loạn luân và N. phải là người bị hại trong vụ án này.

HĐXX nhận định: Từ năm 1991 đến 1997, Lê H. nhiều lần cưỡng ép để giao cấu trái ý muốn với N., hậu quả N. có thai, sinh ra hai con nên hành vi của H. đã có đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm. Tại tòa, H. xác định từ sau khi N. sinh con thứ hai vào năm 1997 đến tháng 7-2012, H. tiếp tục thường xuyên giao cấu với con gái mình mà không có sự đồng tình (tức miễn cưỡng) của N. nên hành vi của H. đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng dâm.

Như vậy, sau khi phạm tội hiếp dâm, H. lại tiếp tục phạm tội cưỡng dâm nên theo khoản 2 Điều 23 BLHS thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm vẫn còn. Do đó, tòa yêu cầu điều tra làm rõ từng hành vi phạm tội của Lê H. để xác định đúng tội danh, tránh để lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

Trước khi đưa ra xét xử sơ thẩm, TAND thị xã Ninh Hòa đã hai lần trả hồ sơ vì có dấu hiệu xác định sai tội danh và làm oan người vô tội nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Bị từ chối bảo vệ vì mới chỉ cận nghèo!

Sau khi nhờ người làm đơn tố cáo việc làm mất nhân tính của cha ruột, N. bất ngờ bị khởi tố tội loạn luân với vai trò đồng phạm. Là người mù chữ, hằng ngày chỉ biết xuống biển bắt ốc bán để nuôi con, N. không biết bị khởi tố là sao, chỉ nghe người khác nói là sắp bị bỏ tù. Lo sợ quá, N. nhờ người chỉ dẫn đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Khánh Hòa kêu cứu, nhờ bảo vệ. Thế nhưng trung tâm này từ chối với lý do N. thuộc diện hộ cận nghèo, không phải hộ nghèo, không thuộc diện được trợ giúp.

Lý do “thoát nghèo” của N. đơn giản vì được hội phụ nữ hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở. Phát hiện sự bất hợp lý này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa chuyển sự việc đến Đoàn Luật sư tỉnh này và các luật sư đã tự nguyện bào chữa, bảo vệ pháp lý miễn phí cho N. “Một phụ nữ mù chữ, không hề biết luật, có hoàn cảnh nghèo khó, lại là nạn nhân bị xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, là người yếu thế trong xã hội nhưng không được xem là đối tượng được trợ giúp pháp lý thì ý nghĩa của công tác trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của Nhà nước, xã hội sẽ được hiểu như thế nào?” - luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, bào chữa miễn phí cho N. nói.

Thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh

VKS đã truy tố sai tội danh đối với bị cáo Lê H. và làm oan N. Trong vụ án này, N. là người bị hãm hiếp cũng là người đứng đơn tố cáo. Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ninh Hòa và VKS không bảo vệ người bị hiếp dâm suốt thời gian dài, từ lúc chưa thành niên đến khi trưởng thành, lại truy tố N. là đồng phạm tội loạn luân là oan. VKS không xử lý hành vi hiếp dâm của H. với lý do hết thời hiệu là không đúng pháp luật. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phải thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan tố tụng cấp tỉnh. N. có hoàn cảnh rất đau thương, là người mù chữ, hết sức nghèo khó, phải nuôi hai con bệnh tật… N. chính là nạn nhân của tội phạm tình dục, rất cần sự trợ giúp, bảo vệ của các cơ quan bảo vệ pháp luật và xã hội

Luật sư LỤC THỊ THỤY, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, bào chữa miễn phí cho N.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Lộc (Pháp Luật TPHCM)
Lạm dụng tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN