Thanh niên điển trai 7 năm lừa 11 tỷ đồng của nhiều người quen

Thắng mạo danh nhân viên ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng. Để cứu con, vợ chồng ông S. phải bán nhà lấy tiền đền bù cho bị hại.

Bùi Hữu Thắng mạo danh nhân viên ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng

Bùi Hữu Thắng mạo danh nhân viên ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng

Suốt 7 năm trời, vợ chồng ông S. cứ nghĩ con trai mình là cán bộ của một ngân hàng. Họ chỉ biết sự thật khi công an đến khám xét nhà về việc Thắng mạo danh nhân viên ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng. Để cứu con, vợ chồng ông S. phải bán nhà lấy tiền đền bù cho bị hại.

Mạo danh nhân viên ngân hàng lừa cả người thân

Bùi Hữu Thắng (35 tuổi, trú phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Dáng người thư sinh cùng chiếc kính cận, không ai nghĩ kẻ đang đứng trước bục khai báo kia là một siêu lừa đảo.

Là con duy nhất, Thắng được gia đình tạo điều kiện cho ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp đại học với chuyên ngành Công nghệ thông tin.

Ra trường không lâu, Thắng thông báo với bố mẹ đã trở thành nhân viên của một ngân hàng lớn. Nhìn quyết định nhận việc của con trai, vợ chồng ông Bùi Văn S. hạnh phúc vô cùng. Bởi, đứa con độc nhất của ông bà đã tìm được công việc ổn định.

Nhưng, vợ chồng ông S. không hề hay biết, quyết định mà “quý tử” trưng ra là giả. Thắng không phải là cán bộ Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Nghệ An như lời khoe trước đó với bố mẹ, người thân và bà con nội tộc.

Theo lời khai của bị cáo tại tòa, sau khi tốt nghiệp đại học, thông qua bạn bè, Thắng quen người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng. Người này tự xưng là nhân viên Ngân hàng Vietcombank có trụ sở ở Hà Nội.

Thắng đưa 300 triệu đồng cho Tùng nhờ “chạy” vào ngân hàng này. Sau đó, Tùng đưa quyết định nhận việc nhưng Thắng phát hiện văn bản đó là giả. Dù vậy, khi nghe Tùng nói số tiền 300 triệu đồng trước đó sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm với lãi suất cao nên Thắng không ý kiến gì.

Không có việc làm, không phải là cán bộ ngân hàng nhưng Thắng đã lừa đảo nhiều người, kể cả anh em họ hàng. Khi tiếp xúc, Thắng đưa ra thông tin ngân hàng đang có chương trình huy động vốn dành riêng cho nhân viên của ngân hàng gửi tiền tiết kiệm với lãi suất cao...

Để lấy lòng tin của “con mồi”, Thắng đã tinh vi khi làm giả các giấy tờ, thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận số tiền, hình thức góp vốn như: Biên bản huy động vốn; thông báo về việc kéo dài hạn định cho hợp đồng; giấy hẹn tất toán… của ngân hàng để đưa cho bị hại. Là người có kiến thức về công nghệ thông tin nên những giấy tờ giả đó không làm khó Thắng.

Bằng thủ đoạn trên, trong vòng 7 năm (2011 - 2018), Bùi Hữu Thắng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 người với số tiền gần 11 tỷ đồng.

Trong đó, có những nạn nhân bị Thắng lừa đảo gần 5,2 tỷ đồng. Nạn nhân này vì tin vào những chương trình khuyến mãi với lãi suất cao mà Thắng đưa ra nên đã đóng 3,8 tỷ đồng. Đến khi muốn rút tiền, Thắng yêu cầu nạn nhân phải đóng gần 1,4 tỷ đồng tiền phí. Dù vậy, sau thời gian dài đòi tiền, nạn nhân chỉ nhận về sự ấm ức.

Con tù chung thân, cha mẹ phải bán nhà đi thuê trọ

Trước HĐXX, bị cáo Thắng thừa nhận hành vi nhận tiền của các bị hại. Tuy nhiên, về số tiền gần 11 tỷ đồng đã nhận của các bị hại, Bùi Hữu Thắng khai đã đưa hết cho người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng. Tuy nhiên, việc Tùng đang làm gì, ở đâu, địa chỉ cư trú chỗ nào thì bị cáo trả lời không biết. Lời khai của bị cáo Thắng khiến nhiều bị hại bức xúc.

Một bị hại trình bày, vì tin lời Thắng khiến họ không những mất tiền mà tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ. Bởi người vợ đã lấy tiền mà chồng tích góp suốt thời gian dài đi xuất khẩu lao động để gửi cho Thắng. Đến khi sự việc vỡ lở, không lấy được tiền nên tình cảm vợ chồng bị ảnh hưởng. Do đó, bị hại này yêu cầu Thắng phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã lừa đảo.

Cũng có bị hại cho biết đã cùng với Thắng ra Hà Nội để tìm nhân vật “bí ẩn” Nguyễn Khắc Tùng. Nhưng sau nhiều ngày chờ đợi ở trụ sở Vietcombank, họ không thấy nhân viên ngân hàng nào tên Tùng xuất hiện.

Về người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành xác minh tại Ngân hàng Vietcombank cho kết quả: Từ trước đến nay ngân hàng này không có nhân viên nào tên là Nguyễn Khắc Tùng như lời Thắng khai.

Trước yêu cầu phải hoàn trả lại số tiền đã lừa đảo của các bị hại, Thắng trình bày “không có khả năng trả nợ”. Thắng nói: Bị cáo và vợ đã ly hôn, hiện không có tài sản gì. Số tiền liên quan đến vụ án, bị cáo đã đưa hết cho anh Tùng.

Về khoản tiền hơn 800 triệu đồng mà ông Bùi Văn S. thay con đứng ra nhận của các bị hại, ông cho hay đã đưa hết cho Thắng.

“Sau khi công an vào cuộc điều tra, dù không hưởng lợi đồng tiền nào từ khoản ấy nhưng tôi đã bán nhà để trả cho các bị hại. Hiện hai vợ chồng đang thuê một căn phòng để ở. Vợ tôi đau yếu, bệnh tật cũng không có nơi nghỉ ngơi cho tử tế, nhưng biết làm sao được. Ngay cả sổ lương hưu của hai vợ chồng cũng cầm cố lấy tiền chữa bệnh cho vợ rồi. Do đó, về khoản nợ của con đối với các bị hại, chúng tôi không có khả năng chi trả”, bố bị cáo Thắng trình bày.

Trước sự có mặt của đông đảo người dân, HĐXX nhắc nhở mọi người khi thực hiện các giao dịch phải trực tiếp đến trụ sở ngân hàng. Trong vụ án này các bị hại cũng có một phần lỗi.

Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Bùi Hữu Thắng tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 4 năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Buộc bị cáo phải thi hành bản án chung là tù chung thân. Tòa cũng buộc bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã lừa đảo của các bị hại.

Ngồi nghe con trai khai trước tòa, không ít lần ông Bùi Văn S. cúi mặt, thở dài. Người bố khốn khổ trình bày: “Suốt thời gian dài, chúng tôi cứ nghĩ con mình là nhân viên ngân hàng cho đến khi công an đến nhà điều tra vụ lừa đảo. Hàng ngày, Thắng ăn mặc lịch sự, đi làm việc như nhân viên văn phòng. Chúng tôi cũng sốc lắm, không ngờ nó lại lừa dối bố mẹ”.

Nguồn: [Link nguồn]

“Gạ gẫm” người dùng nâng cấp lên sim 4G để lừa đảo

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) vừa phát đi cảnh báo về hiện tượng nhiều người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuỷ Tiên ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN