Thảm kịch đau lòng từ mối tình vụng trộm

Đã một thời gian trôi qua, kể từ hôm Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng tổ chức phiên xử lưu động đối với bị cáo Bùi Văn Tuân (1986), trú thôn Bồng Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) phạm tội “giết người” và “cướp tài sản”. Ấy vậy mà khi chúng tôi trở lại cái xóm nhà binh ở tổ 23, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng người ta vẫn đang bàn tán rất nhiều về những uẩn khúc xung quanh vụ án đau lòng này.

Bi kịch mối tình vụng trộm

Đến tuổi trưởng thành, Bùi Văn Tuân cũng như bao nhiêu thanh niên khỏe mạnh khác của làng mình khoác ba lô trên vai để lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đơn vị mà Tuân được điều động về công tác là Tiểu đoàn 180 – Bộ đội Phòng không Không quân, đóng quân trên địa bàn phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng.

Trong thời gian tại ngũ, Tuân đã làm quen và nảy sinh tình cảm với chị Nguyễn Thị Phương (1981), trú tổ 23, phường Hòa Phát là vợ của 1 sĩ quan trong đơn vị, hàng ngày Phương vẫn thường đến bán căng - tin nội bộ của Tiểu đoàn 180.

Mối quan hệ bất chính này tồn tại trong một khoảng thời gian dài, nhưng được Tuân và Phương giữ kín như bưng nên không ai hay biết cho đến ngày vụ án xảy ra.

Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, Tuân xuất ngũ, sau đó trở lại quê nhà Thanh Hóa để xin việc làm. Nhưng có lẽ Tuân không thể quên được chút hương sắc mặn mà của người đàn bà mình yêu cùng mối tình vụng trộm đầu đời, nên Tuân quyết định quay trở lại Đà Nẵng để tìm kiếm việc làm để có điều kiện gần gũi với người tình hơn.

Sau một thời gian quay lại Đà Nẵng, Tuân xin được vào làm việc ở nhà máy sản xuất giày da nằm trong Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Làm việc trong nhà máy được gần 2 tháng, không biết vì lý do gì, Tuân đã tự ý bỏ việc để chuyển sang làm nghề xây dựng.

Khoảng 20 giờ một đêm giáp Tết, Tuân gọi điện thoại để trò chuyện với Phương và biết được đêm đó chồng Phương không có ở nhà vì bận đi trực đơn vị. Tuân hẹn sẽ đến nhà Phương.

Từ Ngã ba Huế, Tuân đi bộ đến nhà Phương, nhưng khi đến nơi, thấy những gia đình hàng xóm của Phương còn thức, nên Tuân không đi vào nhà mà đợi đến khoảng 23 giờ.

Khi những gia đình xung quanh đã tắt đèn đi ngủ, Tuân trèo hàng rào phía trước để vào nhà Phương gõ cửa. Nhận đúng ám hiệu đã quy ước, Phương ra mở cửa rồi đưa thẳng Tuân vào phòng ngủ của vợ chồng Phương. Lúc này 2 con gái của Phương đã ngủ say trong phòng ngủ giữa nhà.

Đôi tình nhân nằm tâm sự cùng nhau đến khoảng 2 giờ sáng thì Tuân bảo với Phương rằng, ngày mai Tuân sẽ về quê Thanh Hóa để ăn Tết cùng gia đình. Khoảng mùng 6 hay mùng 7 gì đấy mới quay lại Đà Nẵng. Tưởng rằng, khi nói những lời chia ly sau những giây phút mặn nồng ấy, Tuân sẽ nhận được từ người tình những lời mật ngọt lưu luyến, nhớ thương.

Thảm kịch đau lòng từ mối tình vụng trộm - 1

Cha con anh Lê Quý Đôn trước tòa

Không ngờ, Phương lại lạnh lùng nói với Tuân rằng: Về thì về đi, từ nay trở về sau sẽ chấm dứt quan hệ giữa 2 người, không gặp gỡ, không gọi điện thoại, nhắn tin cho nhau nữa…rồi hối thúc Tuân mau ra khỏi nhà để Phương đóng cửa. Nghe những lời nói quá đỗi bẽ bàng từ người đàn bà mà mình đã trót yêu thương…

Tuân vùng dậy, ngồi đè lên bụng Phương, rồi dùng hai tay của mình bóp cổ người tình cho hả cơn giận dữ. Bị người tình tấn công, Phương chống cự quyết liệt làm cả hai người văng khỏi giường ngủ rơi xuống nền nhà.

Tuân nằm dưới, Phương nằm trên nên Phương đã cắn vào ngực trái của Tuân một phát thật mạnh làm Tuân buông tay rồi thoát thân ra phía phòng khách trước nhà.

Ngay sau đó, Tuân lao theo tiếp tục bóp cổ Phương cho đến lúc thấy người tình không còn cựa quậy nữa mới buông tay. Sợ Phương không chết, Tuân tìm kiếm xung quanh nhà, thấy có sợi dây điện của chiếc quạt đứng gần đó nên lấy để quấn 2 vòng quanh cổ Phương rồi siết mạnh cho đến khi Phương chết hẳn.

Giết chết người tình, Tuân lục lọi khắp người Phương để tước đoạt tất cả những món trang sức trên người gồm: Lắc, nhẫn, dây chuyền vàng và điện thoại di động.

Giấu số tài sản ấy vào người, Tuân lạnh lùng nhặt chiếc màn trong phòng ngủ phủ lên xác người tình rồi lặng lẽ trèo tường thoát thân chờ trời sáng để đi tiêu thụ số nữ trang cướp được. Tất cả số nữ trang của Phương, Tuân mang đến tiệm vàng nằm ở số 63 Nguyễn Thái Học – Đà Nẵng bán được 4,6 triệu đồng; chiếc điện thoại bán được 150.000 đồng rồi đón xe đò về Thanh Hóa ăn Tết cùng gia đình.

Lật mặt tên hung thủ tuyệt tình và những tranh luận phía sau vụ án

Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, cháu Quỳnh (2002) con gái lớn của Phương ngủ dậy, thấy mẹ nằm bất động giữa nền nhà nên ú ớ gọi, khi hàng xóm chạy sang thì phát hiện Phương đã chết.

Ngay lập tức, thông tin về vụ án mạng đã được thông báo đến Công an phường Hòa Phát, Công an quận Cẩm Lệ, các phòng nghiệp vụ của Công an Tp. Đà Nẵng và Cơ quan Điều tra hình sự quân chủng Phòng không Không quân khu vực 2 - Đà Nẵng để khẩn trương tiếp cận hiện trường, khám nghiệm tử thi và tổ chức truy tìm hung thủ.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Đình Chính – Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, chuyên án 108G do Thượng tá Trần Mưu – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội làm trưởng ban đã được xác lập. Theo nhận định ban đầu của ban chuyên án, hung thủ chỉ có thể là người quen biết với nạn nhân.

Bởi lẽ, gia đình nạn nhân nằm trong khuôn viên đất thuộc khu tập thể quân sự, các hộ gia đình xây dựng rất sát nhau, xưa nay tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo, nên khả năng đối tượng giết người lưu động từ bên ngoài vào gây án là rất khó xảy ra.

Theo hướng nhận định này, ban chuyên án đã thành lập nên các tổ công tác, bủa đến các địa bàn để xác định các mối quan hệ với nạn nhân. Qua nghiên cứu và phân loại đối tượng, ban chuyên án tập trung nhiều nghi vấn vào đối tượng Bùi Văn Tuân.

Đích thân Thượng tá Trần Mưu - Trưởng ban chuyên án cùng hai trinh sát của mình lặn lội ra địa bàn Thanh Hóa để đánh án. Bằng những biện pháp nghiệp vụ sắc bén, các chiến sĩ cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã sớm tiếp cận đối tượng và buộc hắn phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trong phiên xử lưu động vừa diễn ra tại UBND phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Tuân đã bật khóc sau khi kể lại rành rọt hành vi giết chết người tình và cướp tài sản của mình cho Hội đồng xét xử và hàng trăm người dân tham dự phiên tòa nghe.

Ở hàng ghế dành cho thân nhân của bị cáo, ông Bùi Linh Nhâm (1955) cha của Tuân cũng ôm khuôn mặt muộn phiền trong giàn giụa nước mắt…Khi tiếp xúc với báo giới, Ông kể, giáp tết vừa rồi Tuân về quê và có đưa cho mẹ 1 triệu đồng nhờ giữ giúp để sau tết có tiền đi xe vào Đà Nẵng làm việc.

Những ngày tết, thấy con có biểu hiện bất thường, lười ăn uống, nhác đi chơi…gặng hỏi mãi Tuân mới bảo là nó mệt. Cho đến khi thấy Công an Đà nẵng đến mời nó lên UBND xã làm việc, rồi người nhà báo tin là Tuân phạm tội “giết người” và “cướp tài sản” thì ông đổ bệnh luôn.

Phải đến sau lễ 49 ngày của người xấy số, ông mới khăn gói từ quê ông vào Đà Nẵng để thắp nén nhang tạ lỗi. Với tấm lòng của 1 người cha, ông đã cố sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm tội cho con mình. Nhưng ông biết, hành vi phạm tội của Tuân là khó ai có thể sẻ chia và thông cảm được…

Đối diện với hàng ghế ông Nhâm ngồi là hàng ghế dành cho người thân của nạn nhân trong vụ án. Anh Lê Quý Đôn cùng 2 con gái nhỏ, đứa lớn sinh năm 2002, đứa nhỏ sinh năm 2007 ôm di ảnh của người đã khuất chờ đợi sự phán quyết của vị chủ tọa phiên tòa. Khi được phát biểu quan điểm của mình trước vụ án, anh Lê Quý Đôn trong dáng vẻ của 1 người đàn ông hiền lành, chậm rãi nói những lời đầy vẻ vị tha đối với lỗi lầm của người vợ quá cố.

Thảm kịch đau lòng từ mối tình vụng trộm - 2



Ông Bùi Linh Nhâm (cha bị cáo Tuân) ôm mặt khóc

Anh bảo rằng, vợ anh đã sai nhưng dẫu sao đi nữa thì cô ấy cũng đã biết dừng lại, biết nói lời đoạn tuyệt với mối tình vụng trộm bất chính của mình…Rồi anh lên án hành vi man rợ của Tuân và đề nghị Hội đồng xét xử cần phải dành cho kẻ thủ ác một bản án thật nghiêm khắc.

Bên cạnh anh, hai đứa con gái bé bỏng, ngây ngô đến tội nghiệp. Dường như các cháu rất mệt mỏi khi phải tham dự phiên xử này, loay hoay một hồi đứa em gục xuống trên mặt bàn ngủ ngon lành như chẳng có chuyện gì đang xảy ra…

Bị truy tố ra tòa với 2 tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”, Bùi Văn Tuân đã được Hội đồng xét xử cân nhắc đến những tình tiết giảm nhẹ nên chỉ bị tuyên phạt mức án chung là chung thân. Về phần liên đới trách nhiệm dân sự, Tuân phải bồi thường chi phí mai táng và tổn thất tinh thần cho gia đinh người bị hại số tiền 86,8 triệu đồng, đồng thời Tuân phải chịu chu cấp cho 2 con của nạn nhân mỗi tháng 2 triệu đồng từ nay cho đến ngày các cháu tròn 18 tuổi.

Khi phiên xử kết thúc, cánh cửa của chiếc xe áp giải phạm nhân khép lại để trở về trại tạm giam. Người thân phải dìu ông Nhâm ra khỏi phòng xử án với cõi lòng nặng trĩu. Ông biết ngày đoàn tụ của đứa con tội lỗi ấy với gia đình ông còn xa rất xa…Trong cái nắng của đất miền Trung chói chang đến nhức mắt, anh Lê Quý Đôn hai tay dắt 2 đứa con bé dại của mình cũng lặng lẽ rời phòng xét xử.

Nhiều người nhìn theo bày tỏ niềm thương xót, vì họ biết rằng những tháng ngày sắp tới đời sống của 3 cha con anh trong căn nhà buồn đau ấy sẽ rất nhiều khó khăn, giông bão.

Nhìn anh bước đi, người ta biết rằng dù trong phiên xử anh đã cố để nói những lời vị tha trước những lỗi lầm khó thứ tha của vợ, nhưng trong trái tim anh là thường trực một nỗi đau tê buốt đến trọn đời, chẳng dễ gì khỏa lấp hết những tổn thương khi tình yêu bị phản bội…

Kẻ gây ra tội lỗi đã phải trả giá trước sự phán xét của pháp luật, người chết trên mồ cỏ đã lên xanh, chỉ còn lại người đàn ông buồn đau với 2 đứa con gái nhỏ. Rồi anh sẽ xoay xở thế nào để nuôi dạy chúng và sẽ giải thích thế nào về cái chết nghiệt ngã kia.

Giá như, ngày trước nạn nhân Nguyễn Thị Phương biết sống đúng với chức phận của mình, biết yêu chồng thương con, biết dừng lại trước cám dỗ ái tình thì chắc chắn thảm kịch đớn đau từ mối tình vụng trộm bất chính này sẽ không xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Trường Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN