Sẽ áp giải nữ giám đốc thuê người truyền HIV đến tòa
Thẩm phán xét xử vụ án cho hay nếu lần thứ hai bà Thảo không có mặt, tòa sẽ có biện pháp áp giải tới tòa. Nếu bà Thảo tiếp tục điều trị bệnh tâm thần tòa sẽ có kiến nghị với VKSND Tối cao để xin ý kiến.
Ngày 28-3, theo nguồn tin riêng của báo Pháp Luật TP.HCM, TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã gửi thư mời bà Đào Thị Thu Thảo (36 tuổi, ngụ đường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, nguyên Giám đốc Chi nhánh miền Bắc một công ty nhà nước của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tham dự phiên tòa ngày 11-4, với tư cách nhân chứng.
Phiên tòa này, tòa xét xử hai bị cáo Lê Trung Linh (33 tuổi, giám đốc Công ty Phi Ưng, hoạt động dịch vụ thám tử) và Huỳnh Văn Thế (32 tuổi) bị truy tố về tội cố ý truyền HIV cho người khác và cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại TP Vũng Tàu tháng 6-2015. Đây là hai người được bà Thảo thuê để tiêm HIV cho cháu NĐH (SN 2013) - người mà bà Thảo nghi là con riêng của người yêu bà Thảo với một phụ nữ khác.
Liên quan đến vụ án, bà Thảo cũng bị khởi tố, tạm giam hồi tháng 4-2016, với vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, ngày 4-8-2016, bà Thảo được VKSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh sau khi có kết quả giám định pháp y của Viện Pháp y tâm thần Trung ương 2 (đóng tại Biên Hòa, Đồng Nai). Kết luận giám định này (được ký ngày 3-8-2016, trước một ngày VKSND tỉnh ra quyết định đình chỉ bị can - PV) nêu rõ trước, trong và sau khi gây án bà Thảo bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần.
Theo tìm hiểu, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu bà Thảo có mặt tại tòa này sáng 23-3 vừa qua để làm giấy cam kết sẽ có mặt tại tòa. Bởi tòa cho rằng bà Thảo là nhân chứng rất quan trọng, tham gia tại phiên tòa để làm rõ nội dung, tình tiết của vụ án.
Tuy nhiên, ngày 22-3 vừa qua, người nhà của bà Thảo từ Hà Nội vào và nộp đơn trình bày rằng bà Thảo không thể có mặt tại tòa ngày 23-3 để làm việc. Với lý do sau khi nghỉ việc tại cơ quan (đầu tháng 12-2016), bà Thảo liên tục bị áp lực. Bà Thảo có dấu hiệu tâm lý không ổn định, luôn trong tình trạng đau đầu, mất ngủ, lo âu, nói sảng… Từ 15-12-2016, bà Thảo tái phát bệnh trầm cảm, gia đình đã đưa bà Thảo đi khám, chữa bệnh tại BV Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội). Từ đó tới nay đã gần bốn tháng, bà Thảo vẫn liên tục phải điều trị tại bệnh viện này.
Để chứng minh, gia đình bà Thảo cũng đã nộp cho tòa một giấy chứng nhận của BV Tâm thần Trung ương 1 do BS Nguyễn Mạnh Phát, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp ký ngày 20-3. Theo giấy này, bà Thảo đang được điều trị nội trú tại khoa 3 của bệnh viện với chẩn đoán rối loạn cảm xúc - giai đoạn trầm cảm nặng. Tuy nhiên, thời gian điều trị là từ ngày 9-3-2017.
Ngoài việc triệu tập bà Thảo, ngày 22-3, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã gửi công văn thông báo mời Hội đồng Giám định pháp y (Viện Pháp y tâm thần Trung ương 2 tại Biên Hòa) - nơi đã giám định và ban hành Kết luận giám định pháp y tâm thần số 324/KL-VPYTW ngày 3-8-2016 đối với bà Đào Thị Thu Thảo tới tham dự phiên tòa. Lý do tòa mời là để làm rõ nội dung vụ án và phục vụ cho công tác xét xử. Hội đồng giám định pháp y trên gồm có năm người, gồm: BS CKII Bùi Thế Hùng, Viện trưởng - chủ trì, BS CKII Lê Văn Hùng, Trưởng khoa Giám định - thư ký; BS CKII Nguyễn Hữu Tý, Phó Viện trưởng; BS Nguyễn Thành Công, Trưởng khoa Truyền Nhiễm và BS Trần Hữu Hà, Phó Trưởng khoa Điều trị bắt buộc Nam.
Chiều 28-3, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Vui, Phó Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thẩm phán xét xử vụ án trên, cho hay nếu lần thứ hai bà Thảo không có mặt, tòa sẽ có biện pháp áp giải tới tòa. Nếu bà Thảo tiếp tục điều trị bệnh tâm thần như trên tòa sẽ có kiến nghị với VKSND Tối cao để xin ý kiến. Phiên tòa sẽ vẫn tiếp tục diễn ra như lịch dự kiến.
Khỏi bệnh đi làm rồi lại tái phát bệnh Theo tìm hiểu của báo Pháp Luật TP.HCM, tháng 8-2016, sau khi được đình chỉ bị can bà Thảo chữa bệnh bắt buộc tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương 2 - Biên Hòa. Ngày 27-9-2016, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa kết luận rằng sau thời gian điều trị bắt buộc sức khỏe tâm thần của bà Thảo đã ổn định và không cần điều trị bắt buộc. Một ngày sau, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bà Thảo. Cũng trong ngày này, cơ quan CSĐT ra thông báo về việc đình chỉ điều tra đối với bà Thảo. Qua ngày hôm sau, bà Thảo được cho xuất viện. Ngày 2-10-2016, bà Thảo có làm đơn gửi công ty xin được trở lại làm việc. Tuy nhiên, công ty yêu cầu bà Thảo đi khám và điều trị cho khỏi hẳn bệnh. Bà Thảo đã tiếp tục đi chữa bệnh tại BV Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội). Đến ngày 29-11-2016 thì bệnh viện có kết luận bà Thảo không còn rối loạn trầm cảm, lo âu. Vì vậy công ty tiếp tục cho bà Thảo đi làm lại, đảm nhiệm vị trí công tác cũ tham gia một số sự kiện tiêu biểu, quan trọng của công ty. Đầu tháng 12-2016, báo chí liên tục phản ánh thông tin, đặt nghi vấn cho rằng có dấu hiệu bất thường trong việc đình chỉ bị can đối với bà Thảo. Sau đó, công ty lại cho bà Thảo nghỉ việc. Đến 15-12-2016, như gia đình bà Thảo trình bày, bà Thảo lại phát bệnh trầm cảm, phải điều trị tại BV Tâm thần Trung ương 1. |