Ớn lạnh những "chiêu" đòi nợ của giang hồ tín dụng đen

Các nhóm tín dụng đen thường bẫy người dân bằng việc cho vay "nhanh như chớp", đến khi cùng đường không còn khả năng thanh toán thì bọn chúng bắt đầu sử dụng những "tuyệt chiêu" để đòi nợ.

Chiều 13-12, Báo Công an Nhân dân đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Nhận diện tín dụng đen và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn". Tham dự có sự hiện diện của đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Ngân hàng Nhà nước, Công an tỉnh Bình Dương.

"Tặng" quan tài, vòng hoa

Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - nhìn nhận các đối tượng hoạt động tín dụng đen sử dụng nhiều hình thức trái phép như quét sơn tại các khu vực công cộng; dán, phát tờ rơi; quảng cáo trên mạng xã hội kèm theo số điện thoại. Thủ tục cho vay rất đơn giản, nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần bản photo một số giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy là nhận tiền ngay.

Theo thượng tá Lại Quang Huấn, việc vay tiền nhanh gọn là những chiếc bẫy rất ngọt ngào, lãi suất cao. Khách hàng mà bọn chúng hướng đến thường là những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc; đôi khi là những người có khó khăn đột xuất... Việc không hiểu về cách tính lãi suất lập lờ khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy "lãi mẹ đẻ lãi con", tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.

Ớn lạnh những "chiêu" đòi nợ của giang hồ tín dụng đen - 1

Khách mời tham gia toạ đàm

"Khi người vay tiền không còn khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất "cắt cổ" thì lập tức xuất hiện các đối tượng "đầu gấu", "xăm trổ" đến đòi nợ. Bọn chúng đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của "con nợ" để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi và nợ gốc. Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa viếng, dán cáo phó để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân. Sau khi thực hiện hành vi, các đối tượng đều nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác xác minh, xác định đối tượng để xử lý" - thượng tá Huấn thông tin.

Hiện nay, các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cho vay lãi nặng bởi vì các nhóm cho vay thường đối phó với những hình thức tinh vi. Theo thượng tá Lại Quang Huấn, một trong những khó khăn khi xử lý các băng nhóm "tín dụng đen" là các đối tượng có ghi biên nhận nhưng không ghi lãi suất nên khó đấu tranh, khởi tố. Người dân không dám tố giác vì sợ khủng bố về tinh thần.

Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Bình Dương, nhận định hoạt động của các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi gần giống xã hội đen nên có thể gọi là tín dụng đen. Những người này rất manh động, dùng mọi chiêu trò để đòi nợ cho bằng được, thậm chí có thể giết người.

"Trên địa bàn Bình Dương, công nhân lao động không có tài sản nên đã vay liều. Chúng tôi chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua kịch, tờ rơi, truyền hình, truyền thanh, zalo, facebook nhằm nâng cao nhận thức. Đặc biệt, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự điều tra cơ bản, nắm được các công ty, cơ sở cầm đồ, cá nhân, băng nhóm hoạt động tín dụng đen. Bước đầu, chúng tôi đã bắt được 7 nhóm gồm 23 đối tượng tín dụng đen kèm theo các đối tượng bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản" - đại tá Nguyễn Văn Thơm nói.

Quyết liệt xử lý

Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cho biết các đối tượng tín dụng đen có xu hướng di chuyển từ phía Bắc vào Nam, thường là những người có thành tích bất hảo, côn đồ hung hãn, hoạt động vi phạm pháp luật trong nhiều năm và núp bóng dưới vỏ bọc tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính.

Hiện nay các tiệm cầm đồ, công ty tài chính là kinh doanh có điều kiện. Khi lực lượng chức năng tấn công vào nhóm kinh doanh trái phép thì các đối tượng chuyển địa bàn. Vùng ven, vùng xa, miền núi ở ĐBSCL, miền Trung, Tây Nguyên giờ đã không còn bình yên.

Ớn lạnh những "chiêu" đòi nợ của giang hồ tín dụng đen - 2

Một băng cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái phép bị Công an quận 12 bắt quả tang

Theo đại tá Nguyễn Văn Thơm, để công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này có hiệu quả thì toàn hệ thống chính trị phải đồng loạt vào cuộc. Quần chúng nhân dân cũng phải góp sức, tố giác các đối tượng "tín dụng đen" cho cơ quan công an để xử lý. 

Trước tình hình cho vay nặng lãi có chiều hướng phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các tỉnh thành rà soát, lập hồ sơ quản lý, theo dõi các băng nhóm này. Tại TP HCM, qua rà soát, công an phát hiện hơn 873 đối tượng cho vay nặng lãi. Dù vậy, như đã nói, việc thu thập chứng cứ để củng cố hồ sơ xử lý gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Ngân hàng Nhà Nước cho biết việc đẩy mạnh tín dụng chính thức sẽ đẩy lùi "tín dụng đen". Hiện nay, ngành ngân hàng đang có chủ trương rút ngắn các thủ tục vay vốn, cải cách chính sách cho vay. Khi người dân đến vay vốn được cắt hết những thủ tục rườm rà. Khách hàng vay sản xuất kinh doanh chỉ ký hợp đồng ban đầu, sau này chỉ ký vào sổ vay vốn là có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng.

Siết chặt doanh nghiệp núp bóng đòi nợ thuê

Vừa qua, TP HCM đã có kiến nghị cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Về vấn đề này, một vị đại diện Cục Cảnh sát hình sự nói: "Trên thế giới cũng đã có những nước công nhận đòi nợ thuê để đòi nợ hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đòi nợ thuê thường núp bóng gây hoang mang cho các cá nhân, doanh nghiệp nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các công ty đòi nợ thuê thường thuê các đối tượng hoạt đồng thời vụ và hoạt động biến tướng. Đây cũng là lý do mà Công an TP HCM đã kiến nghị với các cơ quan chức năng thu thập, xử lý hình sự nếu công ty đòi nợ thuê núp bóng và đề xuất cần siết chặt quy định về cấp cũng như thu hồi giấy phép những doanh nghiệp núp bóng đòi nợ thuê".

Bị ”tín dụng đen” truy bức, một phụ nữ tự tử

Nạn nhân chỉ vay 10 triệu đồng nhưng lãi mẹ đẻ lãi con lên đến gần 300 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN