Nữ môi giới Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama hầu toà với cáo buộc lừa đảo 3,2 triệu USD

Trương Thị Kim Soan là 1/189 người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama.

Ngày 16-4, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trương Thị Kim Soan (giám đốc Công ty Khoáng sản Thiên Ân, chuyên môi giới khai thác khoáng sản).

Phiên toà được mở lại sau nhiều lần tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, dự kiến kéo dài trong hai ngày 16 và 17-4.

Môi giới khai thác mỏ rồi chiếm đoạt 3,2 triệu USD

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 4-2013 đến tháng 1-2017, lợi dụng việc ông Jonh Koon (quốc tịch Úc) có nhu cầu mua mỏ khai thác titan Sao Mai (huyện Bắc Bình, Bình Thuận), để tạo lòng tin cho ông Jonh Koon, Trương Thị Kim Soan đã thực hiện các hành vi gian dối như: Trực tiếp đưa ông Jonh Koon đi gặp giám đốc Công ty Sao Mai (chủ mỏ Sao Mai) và khảo sát mỏ Sao Mai để thực hiện việc mua mỏ thông qua mua cổ phần Công ty Sao Mai.

Soan đưa ra lý do nếu ông Jonh Koon trực tiếp thỏa thuận thì sẽ bị tăng giá, rồi Soan đề nghị ông Jonh Koon để Soan đứng ra mua cổ phần Công ty Sao Mai, sau đó bán lại cho ông Jonh Koon.

Bị cáo Trương Thị Kim Soan tại tòa. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Bị cáo Trương Thị Kim Soan tại tòa. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Để thực hiện mua lại cổ phần của Công ty quản lý mỏ Sao Mai, Soan đã thành lập và sử dụng pháp nhân Công ty Thiên Bình do Soan và ông Lê Quốc Sơn sở hữu mua được 100% cổ phần Công ty Sao Mai. Sau đó, Soan ký hai hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty Thiên Bình cho Công ty Happy Town (công ty của ông Koon sở hữu). Rồi Soan thuê luật sư lập sơ đồ cấu trúc nhóm doanh nghiệp sở hữu cổ phần Công ty Sao Mai để chứng minh Công ty Fortune Come Development (thuộc nhóm công ty của ông Jonh Koon) đã sở hữu thực tế 60% cổ phần Công ty Sao Mai.

Tiếp theo, Soan sử dụng hai hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn có chữ ký giả của bà Wang Di, Giám đốc Công ty Happy Town (thư ký của ông Jonh Koon) và trực tiếp ký giả chữ ký của bà và một cá nhân khác làm thủ tục chuyển nhượng phần góp vốn từ Công ty Happy Town sang cho Soan và bà Lê Thị Sa (mẹ ruột bị cáo Soan) rồi làm thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, loại trừ phần vốn góp của Công ty Happy Town tại Công ty Thiên Bình.

Như vậy, ông Jonh Koon và công ty của ông này không còn sở hữu bất kỳ cổ phần nào của Công ty Thiên Bình và mỏ Sao Mai. Để nhận tiếp số tiền 350.000 USD còn lại theo thỏa thuận, Soan cung cấp văn bản sơ đồ cấu trúc nhóm doanh nghiệp sở hữu cổ phần Công ty Sao Mai và yêu cầu ông Jonh Koon chuyển tiền để xin giấy phép khai thác mỏ Sao Mai.

Sau khi hoàn tất những hành vi gian dối nêu trên, Soan đại diện Công ty Sao Mai bán mỏ cho ba cá nhân khác với giá 50 tỉ đồng mà không thông báo cho ông Jonh Koon.

Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền Soan đã nhận từ ông Jonh Koon là 3,2 triệu USD. Đây là số tiền mà ông Jonh Koon chuyển để đầu tư mua cổ phần Công ty Sao Mai. Tính đến nay, bị cáo Soan đã nộp lại 20 tỉ đồng khắc phục hậu quả của vụ án.

Phủ nhận toàn bộ cáo buộc

Tại tòa, bị cáo Soan không đồng ý toàn bộ cáo trạng đã truy tố. Bị cáo cho rằng mình bị oan vì bản thân không có bất cứ thỏa thuận nào với ông Jonh Koon để mua bán mỏ Sao Mai. Cạnh đó, việc nhận 3,2 triệu USD từ ông Jonh Koon cũng không phải để mua mỏ Sao Mai mà là để đầu tư dự án mỏ khác (mỏ Tân Cẩm Xương).

Bị cáo Soan cho biết mình và ông Jonh Koon chỉ là hai nhà môi giới. "Bị cáo là nhà môi giới ở Việt Nam, chuyên đi tìm các dự án khai thác khoáng sản để môi giới bán. Còn ông Jonh Koon là nhà môi giới ở nước ngoài, đi tìm các nhà đầu tư có nhu cầu mua dự án khoáng sản để mua" - bị cáo Soan khai.

Tại thời điểm bị bắt, bị cáo Trương Thị Kim Soan là 1/189 người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama. Ảnh: PLO

Tại thời điểm bị bắt, bị cáo Trương Thị Kim Soan là 1/189 người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama. Ảnh: PLO

Bị cáo này cũng phủ nhận việc dẫn ông Jonh Koon đến văn phòng của Công ty Sao Mai. Đồng thời, Soan cho biết có đưa ông Jonh Koon đi khảo sát mỏ Sao Mai nhưng chuyến đi này có rất nhiều người, trong đó ông Jonh Koon đi với tư cách nhà môi giới bên cạnh đại diện của công ty thăm dò cũng đi cùng khảo sát.

Tại tòa, Soan cũng cho biết trong quá trình điều tra đã nhiều lần xin được tại ngoại để xử lý các công việc của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Panama nhưng không được xem xét.

Về phía bị hại, ông John Koon cho biết trong suốt quá trình làm việc với Bộ Công an, ông đã cung cấp rất nhiều chứng cứ, chứng từ chuyển tiền đã được hợp pháp hóa lãnh sự để chứng minh cho tố giác của mình.

Ông Jonh Koon nói: "Soan là người giới thiệu tôi về mỏ Sao Mai, do không nói được tiếng Việt nên tôi hoàn toàn phụ thuộc vào Soan. Sau một vài lần thảo luận thì Soan đã thuyết phục được tôi mua mỏ Sao Mai là mỏ có trữ lượng lớn".

Ông Jonh Koon cũng khẳng định mình là nhà đầu tư, do số tiền đầu tư vào mỏ Sao Mai lớn nên đã cùng hợp tác với một người bạn ở Hong Kong để cùng đầu tư.

"Sau khi tôi chuyển tiền, Soan đã thuê một công ty luật và đưa cho tôi xem hồ sơ thể hiện công ty của tôi đang sở hữu 60% cổ phần của mỏ Sao Mai nên tôi đã yên tâm chuyển tiếp tiền. Nhưng sau đó, Soan đã giả chữ ký để bán hết cổ phần cho người khác mà không hỏi ý kiến của tôi" - ông Jonh Koon nói.

1/189 người ở Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama

Ngoài là nhà môi giới khoáng sản, Trương Thị Kim Soan khá nổi tiếng với việc thâu tóm nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP.HCM. Soan còn từng là chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Peak View. Đây là công ty từng thâu tóm khu “đất vàng” (1.500 m2 nhà và 2.200 m2 đất) dự án 129 Pasteur (quận 3, TP.HCM) từ Công ty CP Nova Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).

Soan còn cùng 188 cá nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam có tên trong danh sách hồ sơ Panama. Trong hồ sơ Panama, bà Trương Thị Kim Soan được đăng ký là cổ đông của 5 công ty đều có địa chỉ tại Hong Kong.

“Hồ sơ Panama” được cho là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử, phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới.

Khách hàng cần một nơi như Panama (thường được gọi là “thiên đường thuế”) với rất nhiều ngân hàng bí mật cùng mức thuế thấp hoặc không tồn tại trên giấy tờ giao dịch. Nơi đây dễ dàng thực hiện việc rửa các khoản tiền phi pháp từ tham nhũng, trốn thuế, buôn bán ma túy…

Nguồn: [Link nguồn]

C01 đã thu thập rất nhiều hồ sơ liên quan đến các mỏ khoáng sản titan tại Bình Thuận khoảng 10 năm qua và đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỮU ĐĂNG ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN