Nghi án xử nhầm hung thủ giết người

Bị cáo Dương Chí Tâm từng bị tuyên phạt 12 năm tù về tội giết người. Bản án sau đó bị hủy để điều tra, xét xử lại. Sau nhiều lần điều tra, truy tố, đưa vụ án ra xét xử thì tại phiên xử sơ thẩm lần 2 ngày 15.9, TAND TP.HCM phải trả hồ sơ vì xuất hiện một người mới bị cha nạn nhân tố là hung thủ...

Mâu thuẫn với nhà vợ

Theo hồ sơ, anh Trần Văn Phát và một phụ nữ chung sống như vợ chồng, ở nhờ nhà của chị này tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Cả hai thường xuyên gây gổ, mâu thuẫn, đánh nhau nên 18-4-2010 bị mẹ vợ anh Phát yêu cầu dọn đi nơi khác. Cùng lúc này, hai vợ chồng anh Phát lại phát sinh mâu thuẫn mới khiến Phạm Nguyễn Yên Vũ (người nhà vợ anh Phát) nổi giận, cầm móc sắt tìm anh Phát tính sổ.

Dương Chí Tâm (cháu họ của vợ anh Phát) biết chuyện, bèn giấu một con dao trong túi quần đi theo. Khi thấy Vũ bị anh Phát dùng cây sắt đánh vào đầu gây thương tích, Tâm xông vào đâm anh Phát. Anh Phát bỏ chạy đến đầu hẻm thì gục xuống, hai ngày sau tử vong tại bệnh viện.

Trong các phiên tòa được mở rồi được trả hồ sơ để điều tra lại, Tâm kêu oan, không thừa nhận đã dùng dao đâm anh Phát.

Xử sơ thẩm lần 1, sau nhiều lần trả hồ sơ, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Tâm 12 năm tù. Tâm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại phiên phúc thẩm, Tâm tiếp tục kêu oan.

Nghi án xử nhầm hung thủ giết người - 1

 Bị cáo Dương Chí Tâm tại phiên xử ngày 15-9. Ảnh: HY

Cha nạn nhân kêu oan cho bị cáo

Đáng chú ý, tại phiên phúc thẩm do Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử vừa qua, bên cạnh việc Tâm kêu oan, cha nạn nhân cũng cho rằng hung thủ trong vụ án không phải là Tâm. Ông xin tòa hủy án để điều tra, xét xử lại.

Phần Tâm thì thừa nhận tìm đến nơi đánh nhau giữa Vũ và anh Phát. Khi thấy anh Phát đánh Vũ té ngã, bị cáo đã nhảy vào xô Phát chứ không đâm nạn nhân. Còn luật sư của Tâm cho rằng nạn nhân vốn mang nhiều bệnh nên có thể tử vong do một nguyên nhân khác.

Có 10 nhân chứng được triệu tập. Trong đó, Vũ khai: “Trong lúc đánh nhau với Phát, tôi bị Phát đánh trúng vào đầu té ngã. Tôi đã kêu Tâm cứu. Sau đó, Tâm xông vào thì Phát lùi lại nhưng việc Tâm có đâm Phát hay không thì tôi không nhìn thấy”. Các nhân chứng còn lại cũng xác định không thấy Tâm mang dao về nhà.

HĐXX nhận thấy vụ án đã phát sinh nhiều tình tiết mới thể hiện bị cáo Tâm không thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng và bản án sơ thẩm đã quy kết. Để tránh oan, HĐXX hủy án để điều tra, xét xử lại.

Cầm dao đi rồi lại quay về?

Trong phiên xử sơ thẩm ngày 15-9, HĐXX hỏi: “Theo bị cáo, anh Phát chết do đâu?”. Tâm không trả lời được và phân trần do bị giam lâu ngày nên trí nhớ giảm sút, mất tinh thần.

Công tố viên cáo buộc những lời khai đầu tiên của bị cáo Tâm phù hợp với tính chất vết thương trên người nạn nhân và hiện trường vụ án.

Tại tòa, cha nạn nhân tiếp tục bảo bị cáo đứng trước vành móng ngựa không phải là thủ phạm mà là một người khác. Bởi sau khi sự việc xảy ra, ông nghe chủ quán cà phê (tên Thảo) ở đầu hẻm - nơi xảy ra vụ việc kể lại trước khi ngã xuống, không dưới 10 lần con ông kêu: “Cao ơi, sao mày đâm tao”. Người dân phòng đưa con ông đi cấp cứu cũng thuật lại nội dung tương tự. Do vậy, ông cho rằng người tên Cao mới chính là hung thủ. Tuy nhiên, hai nhân chứng theo lời kể của ông chưa lần nào được triệu tập trong quá trình điều tra cũng như xét xử.

Theo bị cáo Tâm, Cao là tên thường gọi của Mai Hoàng Tâm (một người em của vợ anh Phát). Và ngay tại phiên xử, tòa mời Mai Hoàng Tâm thẩm vấn làm rõ. Người này khai trong lúc xảy ra sự việc, mình cùng anh trai cầm mã tấu đi tìm anh Phát nhưng được nhiều người can ngăn nên bỏ về.

Điều tra lại để làm rõ hung thủ

Sau khi hội ý, HĐXX nhận thấy có nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng của vụ án không thể bổ sung tại phiên tòa nên tòa quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung.

Tòa nêu rõ thứ nhất, tại phiên tòa theo diễn biến, bị cáo thay đổi lời khai, cha nạn nhân kêu oan cho bị cáo... Hồ sơ phản ánh chứng cứ kết tội chưa vững chắc, cần làm rõ người tên Cao (Mai Hoàng Tâm). Thứ hai, cây mã tấu của Mai Hoàng Tâm có thể gây ra vết thương cho nạn nhân không. Kết luận giám định chỉ xác định ba hung khí đều có thể gây vết thương thấu bụng, thủng gan trong khi vật chứng thu được gồm bốn con dao, một cây ba trắc, một cây mã tấu. Hung khí nào gây ra cái chết cho nạn nhân?

Luật sư bảo điều tra phiến diện

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, luật sư của bị cáo đặt vấn đề ai đâm, dao của ai, người cất dao, tang vật bị mất... Cụ thể “trước khi ngã xuống, nạn nhân có di chuyển một đoạn đường. Từ nơi xảy ra vụ việc đến chỗ bị hại gục ngã cách nhau khoảng 100 m và có nhiều khúc quanh co. Vậy liệu trong quãng đường đó có ai đâm anh Phát hay không?”.

Cũng theo luật sư, bị cáo là người đầu tiên được lấy lời khai và khẳng định không chuẩn bị dao. Nhưng chỉ sau đó một ngày, bị cáo thay đổi lời khai. Như vậy, lời khai đầu và sau có khác nhau nhưng cơ quan điều tra lại dựa trên các lời khai chung chung, không có cơ sở để kết tội. Như vậy là phiến diện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Yến (Pháp luật thành phố)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN