“Nghề” trông tử tù

Sự kiện: Tin pháp luật

Mỗi ngày trôi qua bình yên là mỗi ngày “sống”; mỗi đêm không có tiếng điện thoại dồn dập là đêm được an lành – đó là tâm trạng chung của những người làm giám thị ở các trại giam, đặc biệt là các Trại tạm giam, bởi ở đó có giam giữ các tử tù – những người đã bị tước đi quyền được sống.

Cũng chính bởi không còn quyền sống, “không còn gì để mất” nên các tử tù thường tìm đủ mọi cách để trốn chạy hoặc tự sát. Chính vì vậy, trông giữ, quản lí, giáo dục tử tù là một công việc đặc biệt gian khổ, áp lực và nguy hiểm, bởi chỉ một phút sơ sẩy là có thể ngồi tù thay...

“Nghề” trông tử tù - 1

Cán bộ Công an làm các thủ tục cần thiết đối với đối tượng bị kết án tử hình.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng Đại tá Nguyễn Duy Đức, nguyên Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang vẫn nhớ như in những ngày… “ở trại”. Ông bảo, nhiều đêm mưa vẫn giật mình tỉnh giấc, bật khỏi giường tìm áo mưa định đi kiểm tra mới chợt nhớ ra mình đã nghỉ công tác, bởi những đêm mưa, lạnh, CBCS gác hay lơ là, trong khi đối tượng thường lợi dụng điều kiện này để trốn. Chính vì vậy, so với những ngày thời tiết bình thường, thì những đêm mưa gió, bão bùng, trách nhiệm của lãnh đạo phải tăng gấp bội.

Trong số những bị án tử hình mà Trại tạm giam - Công an tỉnh Bắc Giang đang quản lý, có đối tượng đã bị tòa tuyên án tử hình cách đây tới hơn 8 năm, nhưng chưa thể thi hành án vì chờ quyết định của Chủ tịch nước đối với đơn xin ân giảm.

Trong đó phải kể đến Nguyễn Thị Bích Ngọc, trú ở thị trấn Quảng Uyên, Cao Bằng. Ngọc phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Cô ta có hoàn cảnh khá đặc biệt, có chồng nghiện ma túy nên đã dần vào con đường tội lỗi này. Sau khi chồng bị bắt, Ngọc “cặp” với Lê Văn Sỹ - một bác sĩ khá giỏi, nhiều triển vọng và dẫn dắt gã bác sĩ này vào con đường của mình.

Bị bắt, cả Ngọc và Sỹ đều bị kết án tử hình. Thời điểm đó, chồng Ngọc cũng đang ở trại nên hai đứa con nhỏ không có người trông nom. Chính vì vậy, Ngọc rất tiêu cực, thường xuyên quậy phá, chửi bới cán bộ. Thậm chí, cô ta đòi hỏi nhiều điều hết sức vô lí. Khi không được đáp ứng yêu cầu vô lý, Ngọc lập tức tìm cách chống đối.

Để cảm hóa những đối tượng như Ngọc, Ban Giám thị đã bỏ công sức cùng các cán bộ nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm bắt diễn biến tâm lí để tìm hướng tác động. Qua đó, các anh, chị hiểu rằng dù chống đối, dù nhiều lần vi phạm nhưng Ngọc vẫn là một người mẹ biết thương con, chính vì vậy, các cán bộ đã dành nhiều thời gian chuyện trò, phân tích đúng sai để Ngọc tự ngẫm về hành vi của mình, để Ngọc thấy rằng, dù mình có phải chết vì tội lỗi nhưng các con cũng vẫn cần có một người mẹ biết hướng thiện. Có như vậy, bọn trẻ mới có cơ hội trở thành người lương thiện.

Bên cạnh đó, các cán bộ quản giáo cũng cố gắng đáp ứng cho Ngọc một số yêu cầu trong phạm vi pháp luật cho phép. Chẳng hạn việc Ngọc nằng nặc đòi phải dùng đúng loại chăn, gối mà cô ta thích, từ kiểu dáng đến màu sắc. Đại tá Nguyễn Duy Đức phải cử cán bộ "lùng" bằng được mua đúng loại chăn gối theo yêu cầu của Ngọc.

Theo miêu tả của Ngọc thì gối cô ta thích là loại màu xanh đậm, hoa màu tím, có cuốn bèo, dài 3 gang tay, rộng 2 gang... Các cán bộ đi hết chợ này đến cửa hàng khác để mua gối theo yêu cầu của Ngọc. Tuy nhiên, mua đến cả chục cái về mới đúng yêu cầu của cô ta. Đến cái khăn mặt, Ngọc cũng “đòi” loại không to, không nhỏ, không phải khăn tắm, cũng chẳng phải dùng để gội đầu khiến cán bộ vô cùng khó “chiều”. Kể cả băng vệ sinh cũng vậy, Ngọc phải dùng đúng loại cô ta thích... Từ sự quan tâm, chân thành của các cán bộ, Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tự chấp hành tốt nội quy, không còn quậy phá, chống đối nữa.

Bây giờ, đã “yên vị” với mức án chung thân, thi hành án ở Trại giam Phú Sơn 4, Nguyễn Thị Hà, trú ở Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội và Nguyễn Thị Thưa, ở Phổ Yên, Thái Nguyên vẫn không thể quên những ngày trong buồng giam tử tù ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên và những tình cảm mà CBCS ở đây đối với họ, đặc biệt là sự động viên, giúp đỡ của Đại tá Nguyễn Quốc Hiệu, Giám thị.

Vốn là Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên, Đại tá Nguyễn Quốc Hiệu (hiện là Trưởng phòng Hồ sơ) được lãnh đạo tin tưởng bổ nhiệm chức vụ Giám thị Trại tạm giam. Mấy tháng sau khi anh “lên trại”, tôi đến thăm thấy tóc anh bạc quá nửa. Anh bảo, dạo này đêm anh không ngủ được, huyết áp ngày nào cũng tăng, quên uống thuốc là “đi” luôn. Chỉ cần anh nói thế, tôi có thể hiểu công việc này áp lực đến mức nào.

“Nghề” trông tử tù - 2

Các phạm nhân gói bánh chưng để liên hoan mừng Quốc khánh.

Nguyễn Thị Hà bị kết án tử hình vì tội mua bán trái phép chất ma tuý. Trước cái chết, cô ta chống đối quyết liệt. Vốn khôn khéo, ranh ma, Hà trở thành “thủ lĩnh” nhóm tử tù trong Trại tạm giam Công an Thái Nguyên, đầu trò trong tất cả các chuyện chống đối cán bộ. Với vai trò “thủ lĩnh”, các bị án tử hình khác đều gọi Hà là “mẹ Hà”. “Mẹ” chỉ đạo gì là cả nhóm nghe răm rắp. Theo đó, ban ngày chúng ngủ hoặc ít quậy phá hơn nhưng đêm đến là chúng reo hò ầm ĩ, reo chán, chúng quay sang khóc lóc, đập chân vào tường, chửi bới cán bộ...

Chính vì vậy, việc “quản” đám tử tù đó thực sự là thử thách với bất cứ cán bộ nào bởi chúng đều là những người không còn gì để mất, là những “ma sống” lấy đêm làm ngày, khắc khoải đợi cái chết. Xác định rằng, muốn giáo dục được các đối tượng trên, việc đầu tiên là phải thu phục “mẹ Hà”.

Theo đó, Đại tá Nguyễn Quốc Hiệu cùng đồng đội của mình vừa thuyết phục, vận động, đồng thời giúp đỡ tận tình Hà khi cô ta ốm đau, khi gia đình có việc, khi các con Hà đau ốm. Dần dà, hiểu ra, Hà không chống đối nữa, đồng thời vận động “bọn trẻ con” chấp hành nghiêm nội quy của Trại. Khi được Chủ tịch nước ân giảm án tử hình, Hà khóc rất nhiều, cảm ơn Giám thị Hiệu và các cán bộ đã giúp cô ta tỉnh ngộ, tạo cơ hội để cô ta có may mắn được làm lại cuộc đời.

Không chỉ ở Bắc Giang, Thái Nguyên mà bất cứ tỉnh nào, việc trông giữ tử tù là nghề thực sự áp lực, nguy hiểm. Bởi, trước cái chết, các đối tượng này dùng toàn bộ trí khôn, dành 24h mỗi ngày chỉ để tìm cách trốn hoặc quấy phá. Đặc biệt, đối với những đối tượng côn đồ cộm cán bên ngoài như Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Tình (vừa trốn khỏi Trại tạm giam T16 đã bị bắt lại) lại càng phức tạp, nguy hiểm hơn.

Trong khi đó, có những đối tượng đã bị giam cả chục năm trời nhưng vẫn chưa thi hành án được bởi theo quy định, sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin tha tội chết thì Toà án sẽ ra quyết định thi hành án. Lúc đó, bản án tử hình mới được thi hành. Để bác đơn, tước đi cơ hội sống cuối cùng của một con người, Chủ tịch nước bao giờ cũng xem xét rất kỹ.

Chính vì vậy, có nhiều trường hợp bị giam giữ hơn 10 năm vẫn chưa thi hành án được. Điều này không chỉ khiến cán bộ vất vả mà chính những tử tù cũng sống không yên ổn. Nhiều người, họ muốn được biết mình được sống hay phải chết hoặc muốn chết ngay, không muốn kéo dài cuộc đời của những con “ma sống” lấy đêm làm ngày, sống trong biệt lập, giam cầm và thấp thỏm lo âu. Đặc biệt, những tử tù hay ốm đau, họ càng muốn nhanh “đi” cho thanh thản. Vì vậy, thay vì tìm cách trốn thoát, những người này luôn tìm cách tự tử.

Nhớ chuyện một anh bạn là Giám thị Trại tạm giam kể về kinh nghiệm trông tử tù. Đó là lúc giữa đêm khuya thanh vắng, nếu nghe tiếng bịch, bịch trong phòng giam thì yên tâm bởi đó là tiếng đập chân của phạm nhân vào tường nhằm gây sự chú ý. Nhưng chỉ có một tiếng “kịch” mạnh vang lên, lập tức phải chạy ngay đến phòng giam, đưa đối tượng đi cấp cứu, bởi đó là tiếng đập đầu vào tường để tự sát.

“Nghề” trông tử tù - 3

Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân lao động.

Cũng vì thế, lãnh đạo trực ở Trại tạm giam hầu như không ai dám ngủ, mỗi đêm vào khoảng 11h-12h phải đi kiểm tra một lần; 2-3h sáng lại kiểm tra lần nữa. Đại tá Nguyễn Văn Nở, nguyên Giám thị Trại tạm giam Công an Thanh Hoá từng chia sẻ, cán bộ gác đa phần là lính trẻ, đang tuổi ăn, tuổi ngủ nên rất dễ ngủ quên hoặc tụ tập 2-3 người ngồi với nhau để nói chuyện.

Chính vì vậy, ban đêm, lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, vừa nắm tình hình phạm nhân, vừa nhắc nhở cán bộ. Đặc biệt là đối với những đêm mưa gió hoặc thời tiết bất thường thì việc kiểm tra, giám sát càng phải nghiêm ngặt hơn.

Trong khi việc trông giữ tử tù nguy hiểm, áp lực như vậy nhưng cơ sở vật chất của các trại tạm giam còn thiếu thốn, xuống cấp. Bộ Công an đã có đề án trang bị cơ sở vật chất cho các trại giam, cơ sở giam giữ, nhưng do kinh phí khó khăn nên chưa thể trang bị đồng bộ ngay được nên để đảm bảo an toàn, CBCS vẫn phải dùng sức lực, trí tuệ để quản lí, giáo dục, giam giữ phạm nhân, bị can, bị cáo; đặc biệt là các bị án tử hình. Biện pháp được các cán bộ lựa chọn, đó là thuyết phục, vận động thông qua việc đối xử nhân đạo, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho phạm nhân trong điều kiện pháp luật cho phép.

Đại tá Nguyễn Duy Đức tâm sự: “Bị án tử hình dù trước cái chết nhưng họ vẫn có những suy nghĩ, mong muốn hết sức đời thường, như thèm ăn thứ này, thứ kia. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện nhất trong điều kiện pháp luật cho phép.

Như ở trại, có những bị án ước nguyện duy nhất là được ăn thịt chó vào ngày cuối tháng. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho họ được ăn. Có những người bị gia đình bỏ rơi, không thăm nom, trại trích quỹ mua thêm mỳ tôm, mỳ chính và những vật dụng cần thiết cho họ. Những thứ đó, tuy nhỏ nhưng cũng tác động lớn đến những người này, để họ yên tâm hơn và khi “ra đi” cũng thanh thản hơn...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thủy (Công an nhân dân)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN