Cựu cán bộ công an nhận 'chạy án' giá 300 triệu

Sự kiện: Tin pháp luật

Ngoài lời khai của cựu công an về việc đưa tiền cho một cán bộ VKS thì không còn chứng cứ gì để chứng minh đường đi của dòng tiền “chạy án”.

Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM xác nhận VKSND TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố Phạm Quang Tiến (sinh năm 1965, nguyên cán bộ công tác tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM đã bị tước quân tịch) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chuyển hồ sơ sang tòa cùng cấp.

Ra giá 300 triệu để “chạy án”

Đồng thời, VKS cũng truy tố các bị can Trần Thị Diệu Trang, Nguyễn Vũ Thanh Thủy và Nguyễn Long về tội môi giới hối lộ, đưa hối lộ.

Cáo trạng xác định ngày 15-11-2018, Nguyễn Duy gọi điện thoại cho Trang (mẹ nuôi ngoài xã hội của Duy) nói rằng mình liên quan đến một vụ trộm xảy ra trên địa bàn quận Tân Phú và đang bị truy bắt.

Phạm Quang Tiến tại phiên xử sơ thẩm lần một. Ảnh: H.YẾN

Phạm Quang Tiến tại phiên xử sơ thẩm lần một. Ảnh: H.YẾN

Duy nhờ Trang tìm người giúp để không bị công an bắt. Trang nhận lời và gọi điện thoại cho Tiến, là bạn của em gái, để nhờ giúp và được đồng ý. Tiến ra giá 300 triệu đồng. Trang báo lại cho Duy là 320 triệu đồng.

Sau đó, Thủy và Long (người thân của Duy) đưa cho Trang số tiền như yêu cầu tại khách sạn ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân do Trang làm chủ để “chạy án” cho em trai.

Ngày 19-11-2018, Long, Trang cùng em gái đón xe đến quán cà phê trên đường Đào Duy Từ (phường 6, quận 10) gặp Tiến để đưa tiền. Hai ngày sau, Nguyễn Duy gọi điện thoại báo vẫn bị công an truy bắt, người thân nghi ngờ Trang lừa đảo tiền nên đi tố cáo.

Theo VKS, Tiến không có thẩm quyền giải quyết vụ án trộm cắp liên quan đến Nguyễn Duy. Đồng thời cũng không có căn cứ xác định Tiến đã đưa tiền cho người khác để giải quyết sự việc nên truy tố Tiến về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra, Tiến khai ban đầu nói với Trang là “chuyện này phức tạp lắm, đừng dính vào”. Tuy nhiên, Trang năn nỉ quá nên Tiến gọi điện thoại trao đổi với một người, trước đây là cán bộ tại VKSND quận 10, nay công tác tại VKSND TP.HCM nhờ giúp. Tiến có cung cấp đoạn ghi âm để chứng minh việc đã giao toàn bộ số tiền đã nhận cho người này.

Đoạn ghi âm nói gì?

Tháng 3-2020, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận trong đoạn ghi âm mẫu tiếng nói của người Tiến khai là cán bộ VKS chất lượng kém (tiếng nói nhỏ, nội dung lời nói không đúng trọng tâm với mẫu cần giám định) không đủ điều kiện để tiến hành giám định.

Sau khi cấp phúc thẩm hủy án, cơ quan điều tra yêu cầu giám định bổ sung và kết quả vào ngày 15-9-2021 xác định được tiếng nói trong đoạn ghi âm và tiếng nói của ông ĐDH trong mẫu so sánh là một người.

Làm việc, ông ĐDH trình bày trong thời gian công tác tại quận 10 có quen biết và là bạn bè với Tiến. Từ khoảng năm 2013 thì ông chuyển lên công tác tại VKSND TP.HCM. Ông H cho biết hai bên có liên hệ với nhau vì các việc cá nhân nhưng chưa bao giờ ông nhận tiền từ Tiến để giúp đỡ cho bất kỳ ai.

Cáo trạng kết luận trong đoạn ghi âm trên Tiến không nói rõ về nguồn gốc số tiền, mục đích và thực tế số tiền đã đưa cho ông H là bao nhiêu. Trong khi ngoài Tiến, không có ai biết hoặc từng liên hệ với người này.

Tiến cũng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu nào khác để chứng minh nên cơ quan điều tra không có căn cứ xác định ông H nhận tiền để “chạy án” như lời khai của Tiến. Do đó, không có cơ sở để xem xét, xử lý đối với người này.

Cuối năm 2020, xử sơ thẩm lần một, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Tiến tám năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trang bốn năm sáu tháng tù về tội môi giới hối lộ, Thủy và Long cùng mức án ba năm sáu tháng tù về tội đưa hối lộ.

Bản án này bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ để làm rõ thêm một số vấn đề mâu thuẫn.

Đưa tiền “chạy án” vẫn bị phạt tù

Đối với Nguyễn Duy, Duy biết mình bị công an truy bắt nên đã tự liên hệ nhờ Trang giúp. Khi Trang cho biết có người giúp với số tiền cần chuẩn bị là 320 triệu đồng, Duy đã thông tin cho anh ruột, chị ruột của mình là Thủy, Long để chuẩn bị tiền đưa theo đề nghị của Trang.

Trong thời gian anh chị mình đang thực hiện việc giao tiền thì Duy bị cơ quan công an bắt giữ, sau đó bị khởi tố, tạm giam về hành vi trộm cắp. Hành vi của Duy có dấu hiệu của tội đưa hối lộ theo quy định tại khoản 2 Điều 364 BLHS.

Tuy nhiên, việc giao nhận tiền diễn ra, Duy không chứng kiến và cũng không cùng thực hiện. Trong khi Duy đã bị bắt và bị tòa tuyên phạt năm năm tù về tội trộm cắp tài sản mà chính Duy đã mong muốn được “chạy án” để không bị bắt. Do đó, cơ quan điều tra xét thấy không đủ cơ sở để xử lý đối với Duy về tội đưa hối lộ…

Nguồn: [Link nguồn]

Bắt đường dây đánh bạc 200 tỉ đồng: Xuất hiện đối tượng mạo danh cán bộ điều tra ”chạy án”

Sau khi đường dây đánh bạc bằng hình thức lô đề có quy mô khoảng 200 tỉ đồng bị công an triệt phá, đã xuất hiện một số đối tượng mạo danh cán bộ điều tra để “chạy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN