Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn làm giả sao kê ngân hàng

Bộ Công an vừa phát cảnh báo về thủ đoạn làm giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản của các ngân hàng... để làm hồ sơ xin cấp phép đầu tư.

Ngày 30-10, thông tin từ Bộ Công an, cơ quan này vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn làm giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản của các ngân hàng.

Theo đó, thời gian qua, lực lượng công an phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng có dấu hiệu làm giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản... của một số ngân hàng, để chứng minh năng lực tài chính, hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an cho biết đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm của các đối tượng, dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính được phê duyệt đầu tư có thể trúng thầu, triển khai thực hiện dự án.

Hành vi này dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ dự án, thậm chí không triển khai được dự án, làm ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương...

Ngoài ra, các đối tượng xấu cũng có thể sử dụng các tài liệu giả để nhằm mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân...

Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn làm giả sao kê ngân hàng - 1

Điều tra cho thấy, lợi dụng việc nhiều tổ chức, cá nhân cần có các tài liệu như cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, bảo lãnh dự thầu, để chứng minh năng lực tài chính sử dụng vào việc hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân… các đối tượng đã nảy sinh ý định làm giả các tài liệu này nhằm thu lợi bất chính.

Các đối tượng đặt mua máy khắc dấu polyme trên mạng Internet để chế tạo con dấu giả của các ngân hàng có uy tín; đặt mua các mẫu giấy in màu có biểu trưng của các ngân hàng này để phục vụ việc làm giả tài liệu.

Khi tìm được người có nhu cầu làm các tài liệu này, các đối tượng đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, mã số thuế, số tài khoản, thông tin dự án và số tiền cần xác nhận cấp cam kết tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, bảo lãnh dự phòng...

Sau khi thỏa thuận chi phí làm giả số giấy tờ, tài liệu, các đối tượng in các nội dung nêu trên lên giấy có biểu trưng của ngân hàng, ký giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng và dùng con dấu giả đóng lên tài liệu.

Trong một vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà cơ quan điều tra đang thụ lý, một số doanh nghiệp sử dụng các loại giấy tờ giả với nội dung được ngân hàng cam kết cấp tín dụng lên đến hàng ngàn tỉ đồng và xác nhận số dư tài khoản tại một thời điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Giấy tờ giả này được kèm trong hồ sơ gửi các sở, ngành của một số địa phương nhằm xin hồ sơ cấp phép đầu tư xây dựng dự án các loại như khu đô thị, điện gió, cảng biển, nhà máy, kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư...

Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn nêu trên. Các cơ quan hữu quan có liên quan, khi nghiên cứu thẩm định hồ sơ xin cấp phép dự án, hợp tác, kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư... cần xem xét, thẩm định kỹ hồ sơ, tài liệu về năng lực tài chính của các doanh nghiệp, cá nhân. Trường hợp thấy nghi ngờ tài liệu giả, cần liên hệ với ngân hàng đã phát hành văn bản để thẩm định về tính hợp pháp của các loại tài liệu này.

Đối với các tổ chức tín dụng, Bộ Công an đề nghị: Hoàn thiện quy trình pháp lý và công khai hóa đối với thủ tục cấp cam kết tín dụng, hạn mức tín dụng và các dịch vụ khác. Quản lý hệ thống cung cấp thông tin, danh mục các tổ chức, cá nhân được cấp các thủ tục cam kết tín dụng, hạn mức tín dụng để cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân có thể kiểm tra về tính pháp lý của các tài liệu có liên quan. Thiết lập hệ thống hotline để tư vấn, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời khi phát hiện có nghi vấn về các tài liệu bị làm giả...

Đối với doanh nghiệp, người dân khi làm các thủ tục xác nhận của ngân hàng, xin cấp hạn mức, cam kết tín dụng... cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng để đề nghị hỗ trợ làm thủ tục. Không sử dụng các dịch vụ trên các trang mạng xã hội, không thông qua các đối tượng trung gian không rõ nhân thân, lai lịch để làm các thủ tục nêu trên, tránh tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người sập bẫy chiêu trò lừa đảo xem video, đọc báo kiếm tiền qua mạng

Thời gian gần đây, nhiều người dân đã sập bẫy với chiêu lừa đảo kiếm tiền nhanh khi chỉ cần ngồi nhà xem video, đọc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Phan ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN