Bi kịch 1 gia đình có người cha nát rượu

Chồng nghiện rượu, thường xuyên đánh đập vợ con. Con trai tập tành nhậu nhẹt, đuổi đánh cha đến chết. Bi kịch của một gia đình bắt đầu và kết thúc bởi những giọt nồng cay như thế.

Tại phòng xử A của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM một ngày tháng 7/2013, trong chiếc áo nhăn nhúm, bị cáo L.A.T (SN 1995, ngụ tỉnh Vĩnh Long) ngồi sau vành móng ngựa, gương mặt non trẻ lạnh tanh, không chút cảm xúc.

Nghịch tử tuổi 17

HĐXX vào làm việc. T. cúi đầu, đôi tay đan vào nhau vặn vẹo không ngừng khi vị chủ tọa đọc lại bản án sơ thẩm.

Trưa 11/2, T. thấy cha là ông L.V.L (SN 1966) say rượu nằm ngủ nên lấy chiếc xe máy của gia đình đi chơi. Thức dậy, ông L. kêu em trai của T. đi tìm, lấy xe về. Chỉ có thế nhưng 2 cha con cùng lớn tiếng mắng chửi nhau, T. rượt đánh rồi dùng dao đâm chết cha ruột dù được mọi người can ngăn.

Vị chủ tọa bắt đầu phần xét hỏi: “Ông L. có quan hệ gì với bị cáo?”. “Là cha” - gương mặt bất cần đời, T. trả lời cộc lốc. “Có phải bị cáo giết ông L. không?” - vị chủ tọa nghiêm khắc hỏi tiếp. T. đáp: “Phải”. “Nguyên nhân gì khiến bị cáo giết ông L.?”. “Do bị cáo uống rượu”. “Trước đó, cả 2 có mâu thuẫn gì với nhau không?”. “Có. Ổng đập mẹ”. Những câu hỏi sau đó về tình tiết vụ án, T. đều dửng dưng khai nhận sự việc.

“Dù gì thì ông L. cũng là cha của bị cáo, tại sao bị cáo có thể nhẫn tâm sử dụng hết hung khí này đến hung khí khác, mặc kệ sự can ngăn của mọi người, tước đoạt sinh mạng người đã sinh ra mình?” - chủ tọa hỏi. Im lặng hồi lâu, T. trả lời: “Do cha nói: Nếu mày không phải là con tao, tao đã giết mày rồi…”.

Nơi hàng ghế dự khán có tiếng thổn thức của mẹ và chị sau câu trả lời của T. Không khí phòng xử thoáng chốc trở nên ngột ngạt. Nén tiếng thở dài, vị chủ tọa phân tích: “Nói câu đó chứng tỏ cha bị cáo rất thương bị cáo. Dù tức giận, ông cũng chỉ nói được bấy nhiêu đó rồi bỏ chạy. Sao bị cáo lại nông nổi như vậy?”.

Người chồng vũ phu

Được mời lên, chị của T. nghẹn ngào kể về bi kịch của gia đình. “Ngày nào cha cũng nhậu hết, 2 giờ sáng đã nhậu. Nhậu say, cha đánh mẹ, đánh tôi và các em…”.

Theo lời cô gái, nghiện rượu, ông L. bỏ ruộng đồng héo khô, tài sản trong nhà lần lượt bán đi. Hễ không có tiền uống rượu hay mỗi lúc nhậu say, ông lại lôi vợ ra đánh đập dã man, thậm chí kể cả khi bà đang mang thai. Con gái đầu của ông từng bị cha đánh ngất xỉu rồi bỏ giữa đồng ruộng khi chỉ mới 12 tuổi.

Bản thân T. không chỉ thường xuyên hứng chịu đòn roi. Không ít lần T. bị cha dùng dây xích trói lại, đem bỏ vào lu nước đầy... Tình thương thiếu thốn, trong đầu chỉ được lưu giữ những hình ảnh bị cha đối xử tàn bạo khiến càng lớn, T. càng trở nên ngang ngạnh, hỗn hào với cha. Hễ rượu vào, cha con lại chửi nhau.

Nước mắt ngắn dài, mẹ T. nức nở: “Để gồng gánh kinh tế gia đình, cách đây 6 năm, tôi lên TP HCM giúp việc nhà. Tôi chịu khổ cực để có tiền gửi về cho các con ăn học nhưng tụi nhỏ phải bỏ giữa chừng vì không chịu nổi đòn roi của cha, lâu lâu lại bỏ trốn lên thành phố tìm mẹ…”.

Lấy vạt áo lau vội nước mắt đắng cay, bà quay lại nhìn con trai đang ngồi phía sau vành móng ngựa rồi kể tiếp: “Thằng T. mê rượu cũng tại cha nó. T. mới học lớp 8, cha nó đã bắt ra uống rượu với bạn bè ông ấy. Nó không chịu, ông ấy lại đánh thừa sống thiếu chết, riết rồi thành ra như vậy… Vụ này, con có lỗi của con, cha có lỗi của cha. Tôi khẩn cầu quý tòa cho con tôi được về sớm mấy năm để làm lại cuộc đời…”.

Nói đến đó, bà rũ xuống. Nỗi đau con giết chồng đã rút cạn sinh lực của người đàn bà vốn đã khổ một đời vì có chồng con nghiện rượu.

Bác kháng cáo

HĐXX nhận định T. đã thực hiện hành vi phạm tội với quyết tâm cao, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, thể hiện tính côn đồ hung hãn, xem thường pháp luật và đạo lý. Lẽ ra, đối với hành vi của bị cáo, cần áp dụng mức hình phạt cao nhất. Tuy nhiên, T. chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội khi mới hơn 17 tuổi, đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn xin giảm án... Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ mới, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức án 17 năm tù về tội “Giết người”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN