7 tù nhân vượt ngục như phim nhờ kẻ cầm đầu cao thủ

Kẻ cầm đầu đã tính toán rất kĩ nhiệm vụ và ưu điểm của các tù nhân bỏ trốn để có một nhóm xuất sắc.

LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin, sẽ hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất.

Texas Seven là một nhóm 7 tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù John B.Connally tại thành phố Kenedy, tiểu bang Texas ngày 13.12.2000. Họ bị bắt giữ trở lại vào đầu năm 2001 sau khi xuất hiện trong chương trình America's Most Wanted (Những kẻ bị truy nã nhất nước Mỹ).

7 tù nhân vượt ngục như phim nhờ kẻ cầm đầu cao thủ - 1

Chân dung 7 đối tượng trong nhóm “Texas Seven” bỏ trốn khỏi nhà tù

Vượt ngục như phim

Trước ngày vượt ngục, bảy tù nhân đã lên kế hoạch tỉ mỉ trong nửa năm và trốn thoát khỏi nhà tù John Connally. Đây là nhà tù liên bang và công tác an ninh cẩn mật nhất trong thành phố Kenedy.

Ở thời điểm bỏ trốn, kẻ cầm đầu nhóm Texas Seven là George Rivas (30 tuổi), đang thụ án 15 năm tù. Michael Anthony Rodriguez (38 tuổi), thụ án 99 năm tù. Larry Harper, 37 tuổi, Joseph Garcia, Patrick Murphy, đều 39 tuổi và chịu án 50 năm tù. Donald Newbury là thành viên có bản án dài nhất 100 năm tù. Người nhỏ tuổi nhất là Randy Halprin (23 tuổi), chịu án 30 năm tù vì tấn công một đứa trẻ.

Nhóm tù nhân lên kế hoạch tỉ mỉ, bắt giữ và kiểm soát 9 nhân viên giám thị trại giam, bao gồm một chỉ huy, 5 nhân viên kiểm soát và 3 tù nhân khác lúc 23h20 phút.

Cuộc bỏ trốn diễn ra vào buổi trưa, khi mà nhà tù ít có sự giám sát nhất. Cách thức của những phạm nhân này là gọi giám thị ra và kẻ khác đánh ngất nạn nhân khi họ không chú ý. Khi một người bị đánh bất tỉnh, nhóm phạm nhân sẽ lấy quần áo, trói chặt và đặt họ trong một phòng khóa trái.

Chúng ăn cắp thẻ tín dụng và chứng minh thư của nạn nhân. Những kẻ này gọi điện cho cả các sĩ quan khác trong nhà tù và bịa ra câu chuyện để tránh sự nghi ngờ từ chỉ huy cấp cao nhà tù. Sau giai đoạn đầu tiên, 7 tên chia làm 3 nhóm đã lẻn ra cổng sau. Một số tên ăn mặc như thường dân để giả dạng. Chúng định xâm nhập qua cửa sau, phá hoại hệ thống video an ninh.

Một bảo vệ ở nhà kho đã bị bắt giữ và 3 tên đã tấn công vào tháp chỉ huy, ăn cắp nhiều súng và đạn. Trong khi đó, 4 tù nhân còn lại vẫn ở trong tù, gọi điện cho những đơn vị giám sát nhà tù để đánh lạc hướng. Chúng ăn cắp một xe bán tải, lái ra cổng sau, tập hợp đủ người rồi bỏ trốn.

7 tù nhân vượt ngục như phim nhờ kẻ cầm đầu cao thủ - 2

George Rivas, kẻ chủ mưu, tuyên thệ trước tòa

Lẩn trốn cảnh sát

Cha của Michael Rodriguez cũng cấp xe để nhóm này chạy thoát khiến ông ta bị kết án vì đồng lõa.

Nhiều bài báo khẳng định vụ Texas Seven này chẳng khác gì vụ trốn thoát khỏi nhà tù Alcatraz năm 1962. Sau khi bỏ trốn, một chiếc xe tải màu trắng được tìm thấy ở bãi đỗ xe cửa hàng WalMart ở thành phố Kenedy. 7 tù nhân trốn sang thành phố San Antonio ngay sau đó.

Do hết tiền, chúng vào cửa hàng Radio Shack ở thành phố Pearland và ăn trộm tiền. Ngày 19.12, bốn tù nhân chui vào nhà nghỉ Econo Lodge ở Farmers Branch, bang Texas. Chúng định cướp ở khu bán đồ thể thao Oshman gần đó.

Ngày 24.12, chúng đột nhập cửa hàng, đuổi hết nhân viên và ăn trộm nhiều súng đạn thể thao. Một nhân viên không mặc thường phục đã gọi cảnh sát khi thấy nhóm tình nghi vào cửa hàng. Cảnh sát Aubrey Hawkins nhận cuộc gọi, tới ngay hiện trường và bị chúng mai phục.

Ông bị bắn 11 phát đạn và chiếc xe của nhóm Texas Seven chẹt qua người. Sĩ quan Hawkins chết ở bệnh viện Parkland do vết thương quá nặng.

Sau khi ông qua đời, khoản tiền thưởng 100.000 USD được chính quyền thông báo trao cho bất kì ai chỉ dấu bắt giữ nhóm tội phạm. Khi 7 tên này bị bắt vào đầu năm 2001, phần thưởng đã lên tới 500.000 USD.

Sau một tập phim phát sóng trên chương trình America's Most Wanted, nhiều cuộc điện thoại xuất hiện từ người dân địa phương khẳng định nhìn thấy các nghi phạm ở nhà nghỉ Coachlight và RV Park.

Lực lượng đặc nhiệm FBI của thành phố Denver tìm thấy Garcia, Rodriguez và Rivas trong một chiếc xe jeep Cherokee ở bãi đỗ xe RV Park. Cơ quan an ninh cũng bắt giữ được Halprin ở địa điểm này. Harper được tìm thấy tự sát bằng súng pistol. 4 thành viên sống sót được đưa vào nhà tù liên bang.

Ngày 23.1.2001, FBI nhận được thông tin về hai nghi phạm còn lại là Newbury và Murphy. Chúng lẩn trốn ở nhà nghỉ Holiday Inn ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado. Một thỏa thuận nhanh chóng đưa ra trong đó hai tên này yêu cầu được lên TV trước khi bị bắt.

Rạng sáng ngày 24.1, phát thanh viên Eric Singer được đưa vào nhà nghỉ để phỏng vấn hai tù nhân bằng điện thoại và camera. Newbury và Murphy đã chỉ trích hệ thống luật hình sự của Texas. Newbury nói: “Hệ thống này tham nhũng và xấu xa chẳng khác gì chúng tôi”.

7 tù nhân vượt ngục như phim nhờ kẻ cầm đầu cao thủ - 3

Phim tài liệu của National Geographic về “Texas Seven”

Lời khai sau khi bị bắt lại

Halprin nói rằng kế hoạch trốn tù được lên từ 6 tháng trước bởi Rivas, kẻ cầm đầu. Halprin được Rivas hỏi về việc tham gia hay không và tự tay Rivas lựa chọn những tù nhân có kĩ năng đặc biệt. Harper và Garcia được chọn vì sống cùng khu và là “anh em Công giáo tốt”. Những kẻ khác được chọn vì thông thuộc địa hình và cách vận hành nhà tù.

Newbury là một kĩ sư chuyên sửa khóa và được nhiều giám thị trại giam tin tưởng. Người này cũng biết cửa hậu của nhà tù hoạt động ra sao. Murphy là một thợ mộc, thường được gọi tới thay thế cửa sổ và cửa ra vào của khu trại giam.

Halprin không có kĩ năng đặc biệt nào nhưng có lẽ vì trẻ tuổi nên được Rivas tin dùng. Halprin tôn sùng Rivas là ông trùm thực sự vì luôn lên kế hoạch tỉ mỉ cho mọi việc. “Ông ấy nhìn mọi thứ như một ván cờ vua. Tôi có thể nói rằng ông ấy suy nghĩ cực kì lớp lang. Rivas biết nên làm gì tiếp theo, phản ứng thế nào trước các tình huống. Đó là cách mà Rivas nghĩ và luôn đi trước mọi tình huống từ hai tới ba bước”, Halprin nói với điều tra viên.

Dù lời khai không giống với cơ quan điều tra, Halprin cho biết mình chỉ là “bình vôi” khi không gây hại cho quản giáo. Tên này chỉ trói một nhân viên canh gác. Nhiều tài liệu cáo buộc Halprin là người để lại dòng nhắn với nội dung: “Các người sẽ không bao giờ nhìn thấy chúng tôi nữa đâu”.

Halprin nói mình để lại duy nhất một mảnh giấy giải thích lí do bỏ trốn: “Nguyên do là bởi hệ thống nhà tù ở Texas không cho tù nhân cơ hội phục hồi nhân phẩm và bắt đầu cuộc sống mới”.

“Tóm lại, những tù nhân như chúng tôi đã sát lại gần nhau để chống lại hệ thống nhà tù ở Texas. Chúng tôi đã không ngần ngại nói ra tiếng nói của mình. Đừng sợ hãi đứng lên nếu có chuyện gì xảy ra”, Halprin nói.

---------------------------------------

Nếu có một cuộc bình chọn vui về những tên tội phạm có “cá tính” nhất thế giới, danh hiệu đứng đầu sẽ khó thoát khỏi tay tù nhân người Pháp Pascal Payet, kẻ chỉ vượt ngục bằng trực thăng riêng.

Hành trình vượt ngục của Pascal Payet diễn ra như thế nào? Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo của Những phi vụ vượt ngục khó tin: Tên tội phạm chỉ dùng trực thăng để vượt ngục vào 4h ngày 7/12/2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những phi vụ vượt ngục khó tin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN