Kế hoạch hoàn hảo nhất mọi thời đại: Vượt ngục bằng tàu lượn từ vực cao

Là nhà tù khét tiếng về độ cẩn mật trong Thế chiến thứ II, đã có rất nhiều tù nhân nỗ lực để thoát khỏi pháo đài “bất bại” Colditz, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là kế hoạch dùng tàu lượn để vượt ngục của phi công người Anh.

LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin sau đây, hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất.

Kế hoạch hoàn hảo nhất mọi thời đại: Vượt ngục bằng tàu lượn từ vực cao - 1

Bill Goldfinch – tác giả của ý tưởng vượt ngục bằng tàu lượn.

Người phi công và ý tưởng táo bạo

Bill Goldfinch (19/7/1916 – 2/10/2007) sinh ra ở thị trấn cảng Whitstable, Kent (Anh) là kỹ sư kiêm phi công của Không quân Hoàng gia. Trong một lần làm nhiệm vụ vào ngày 25/4/1941, khi bay qua thành phố Kalamata (Hy Lạp), chiếc máy bay chở 72 người bị quá tải. Khi phi công cố gắng điều khiển máy bay hạ cánh trong đêm, nó va vào một vật không xác định và rơi xuống nước. Goldfinch là một trong bốn người còn sống sót trong phi hành đoàn của mình. Bị thương nặng, Goldfinch được đưa tới bệnh viện và sau đó đã bị quân Đức bắt đi.

Tại nhà tù Stalag Luft III cách thủ đô Berlin khoảng 135 km về phía đông nam, Goldfinch đã đánh cắp một chiếc xuồng để trốn thoát. Thật không may anh không thành công. Sau khi bị bắt lại, Goldfinch bị chuyển tới Colditz - nhà tù tọa lạc trên đỉnh vách đá dựng đứng và nổi tiếng nhất của Đức Quốc Xã trong Thế chiến II về độ an ninh cao.

Vào một ngày lạnh lẽo tháng 12/1943, Bill Goldfinch từ trong phòng giam nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm những bông tuyết rơi bay bay rồi từ từ rơi xuống đất. Một ý tưởng chợt lóe lên, anh tự hỏi tại sao không thoát khỏi nhà tù bằng một con tàu lượn.

Tính đi tính lại, nhận thấy khả năng thành công không nhỏ, Goldfinch liền tiết lộ kế hoạch này với 3 người bạn tù là và được họ nhiệt tình ủng hộ.

Kế hoạch hoàn hảo nhất mọi thời đại: Vượt ngục bằng tàu lượn từ vực cao - 2

Con tàu “huyền thoại” trên tầng áp mái nhà tù Colditz.

Kế hoạch hoàn hảo nhất lịch sử

Bill Goldfinch nhanh chóng bắt tay tìm kiếm một xưởng bí mật để chế tạo con tàu lượn. Nhóm tù đã xây một bức tường giả ở cuối gian phòng áp mái bên trên nhà cầu nguyện. Để xây được bức tường đó, các tù nhân đã sử dụng nhiều khung nhà đúc sẵn, những tấm nệm rơm và nhiều mảnh vụn mà họ tìm thấy trong đường hầm do những tù nhân Pháp đào trước đây.

Sau đó, với một cuốn sách được tìm thấy trong thư viện của nhà tù cùng với những hiểu biết của Goldfinch, vốn là một kỹ sư, họ tiến hành khâu thiết kế con tàu đủ để chở 2 người gồm cả phi công bay qua vực và sang bờ bên kia của con sông Mulde bên dưới nhà tù.

Công việc chế tạo tàu lượn diễn ra hết sức cẩn thận từ tháng 5/1944 và hoàn thành vào đầu năm 1945. Những vật liệu cần thiết để chế tạo con tàu lượn chủ yếu do các tù nhân nhặt nhạnh được. Họ đã sử dụng một con dao ăn, cán cưa làm từ ván giường và lưỡi cưa được làm từ một chiếc lò xo lấy từ máy nghe nhạc và từ khung của những thanh chấn song cửa để chế tạo con tàu.

Để có hệ thống dây điều khiển cho con tàu, họ đã lấy trộm ở những khu vực không được sử dụng trong nhà tù. Đối với xà dọc và ngang của cánh tàu lượn, Goldfinch sử dụng các tấm ván lát sàn và thanh dát giường.

Những tấm ga trải giường cũng được sử dụng để bọc khung tàu. Họ cũng kiếm được một vài vật dụng khác thông qua việc hối lộ cai ngục như keo dính và mũi khoan.

Chế tạo các bộ phận của con tàu là giai đoạn khó khăn nhất với những người tù. Chỉ riêng đối với đôi cánh, những người tù đã phải chắp nối trên 6.000 miếng vải lại với nhau. Để làm một thanh ngang, họ phải định hình một thanh gỗ, hấp thanh gỗ cho đến khi nó trở nên dẻo hơn và dễ uốn, đóng cố định nó sau đó ráp nối nó với thân tàu.

Sau khi tất cả đã cơ bản hoàn thành, Goldfinch tiếp tục tính đến việc vào ngày vượt ngục, họ sẽ đục thủng một lỗ ở bức tường phía tây của gian phòng áp mái và đưa con tàu lượn lên trên mái nhà bằng hệ thống ròng rọc.

Xong xuôi, thời điểm để tiến hành cuộc đào tẩu vĩ đại nhất mọi thời đại này cũng được ấn định. Tuy nhiên, đúng thời điểm đó, quân đồng minh đang dồn dập tiến công khắp các chiến trường châu Âu nên họ tạm hoãn kế hoạch vượt ngục nghe ngóng động tĩnh. Vì thế, con tàu lượn vẫn được giấu kín trong căn phòng áp mái cho đến tận ngày nhà tù được giải phóng vào tháng 4/1945.

Tuy không có cơ hội hiện thực hóa nhưng kế hoạch vượt ngục này sau đó đã được đánh giá là cực kỳ hoàn hảo với khả năng thành công rất lớn nếu nó diễn ra, trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh về sau.

 -----------------------------------------------

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo Những phi vụ vượt ngục khó tin vào 4h ngày 26/10/2017.

Cuộc trốn chạy kịch tính khỏi nhà tù IS của thiếu phụ và con trai 4 tuổi

Dùng hết sức lực của mình, cô cắm đầu cắm cổ bế con chạy mà không dám quay đầu nhìn lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh (Theo Warfare Magazine, Geocities, Wikipedia) ([Tên nguồn])
Những phi vụ vượt ngục khó tin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN