Cuộc trốn chạy kịch tính khỏi nhà tù IS của thiếu phụ và con trai 4 tuổi

Tự đưa mình vào con đường địa ngục gần như không còn khả năng quay lại nhưng với quyết tâm cộng với một chút may mắn, người phụ nữ này là một trong số ít trường hợp từng bị giam giữ tại nhà tù của phiến quân IS ở Syria đã tẩu thoát và trở về an toàn.

LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin sau đây, hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất.

Cuộc trốn chạy kịch tính khỏi nhà tù IS của thiếu phụ và con trai 4 tuổi - 1

Nhiều khi Sophie Kasiki vẫn không thể tin rằng mẹ con cô có thể thoát khỏi chốn địa ngục của IS.

Sai lầm chết người

Sophie Kasiki (34 tuổi) có vóc người nhỏ nhắn nhưng ở cô toát ra vẻ rắn rỏi. Sinh ra ở Congo, 9 tuổi, mẹ cô qua đời và Kasiki được gửi tới sống cùng chị gái ở Paris (Pháp). Cú sốc này đã để lại vết thương hằn sâu trong ký ức tuổi thơ của Kasiki.

Lớn lên, Kasiki làm nhân viên xã hội giúp đỡ các gia đình nhập cư ở ngoại ô Paris. Thời điểm này, cô quyết định cải sang đạo Hồi mà không nói gì với người chồng, với niềm tin rằng nó sẽ lấp đầy khoảng trống trong tim cô.

Kasiki sau đó quen với 3  thiếu niên Hồi giáo kém cô 10 tuổi mà cô coi như các em trai. Tháng 9/2014, cả 3 biến mất và tới Syria. Ở đó họ vẫn giữ liên lạc hàng ngày với Kasiki. Cô gần như là cầu nối duy nhất giữa 3 chàng trai mất tích và gia đình của mình.

Thực chất, 3 người này là những kẻ cực đoan của IS. "Tôi cứ nghĩ rằng mình kiểm soát được tình huống khi đó, nhưng giờ đây tôi nhận ra chúng được huấn luyện để chiêu mộ người như tôi", Kasiki nói. "Dần dần, chúng lợi dụng điểm yếu của tôi. Chúng biết tôi là trẻ mồ côi và đã chuyển đạo sang Hồi giáo, chúng biết tôi dễ dao động".

Ngày 20/2/2015, Kasiki đã nói dối chồng sẽ tới làm việc trong một trại trẻ mồ côi ở Istanbul vài tuần, và mang con trai 4 tuổi theo. Tuy nhiên, cô đã theo tuyến đường mòn tới miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi đến “miền đất hứa”, cô nhận ra rằng, cô đã chọn con đường tới địa ngục. Kasiki bị cấm đi ra ngoài một mình, phải mặc quần áo phủ kín từ đầu xuống chân, bị giữ hộ chiếu và hạn chế liên lạc với gia đình ở Pháp.

Sophie và con trai bị đưa tới một nơi ở thực chất là nhà tù của IS. Tại đây, cô hoảng sợ nhìn thấy hàng chục phụ nữ nước ngoài và nhiều trẻ em đang phải xem những cảnh hành quyết của IS.

"Tôi đòi về nhà. Ngày nào tôi cũng nói nhớ gia đình, và con trai tôi cần gặp bố. Lúc đầu chúng còn nhẹ nhàng, nhưng sau đó chuyển sang đe dọa. Chúng nói tôi là một phụ nữ độc thân có con, không được phép đi bất kỳ đâu. Nếu cứ ương bướng muốn đi, tôi sẽ bị ném đá hoặc giết chết", Kasiki kể lại những ngày kinh hoàng

Hành trình thoát khỏi địa ngục

Ngày cũng như đêm, không lúc nào Kasiki không nghĩ đến đào tẩu. Khát khao ấy càng cháy bỏng khi hằng ngày nhìn thấy đứa con trai 4 tuổi bị mình đẩy vào bất hạnh.

Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra rằng đây là một ý nghĩ quá mạo hiểm. Cách duy nhất để có thể thoát khỏi nhà tù đó là kết hôn với chiến binh IS. Rất ít người có thể chạy thoát khỏi đây và có thoát được thì cũng bị bắt lại và khi ấy hình phạt cho kẻ chạy trốn sẽ rất tàn khốc. Điều này đã khiến Kasiki phải cân nhắc hết sức cẩn thận.

Cuối cùng cơ hội của cô cũng đến khi tên cai ngục tổ chức hôn lễ, Kasiki phát hiện cửa mở và các lính canh thì đang mải mê với cuộc vui. Nhanh chóng, cô chuồn ra ngoài.

Dùng hết sức lực của mình, cô cắm đầu cắm cổ bế con chạy mà không dám quay đầu nhìn lại. Trời bắt đầu tối dần, Kasiki càng trở nên hoảng loạn.  May mắn cho cô, một gia đình địa phương sau khi nghe chuyện của người phụ nữ đáng thương đã liều mạng che chở cho 2 mẹ con cô.

Kasiki sau đó liên lạc với những tay súng phe đối lập người Syria nhờ sự giúp đỡ của chồng ở Pháp.

Đêm 24/4/2015, một thiếu nữ Syria đưa Kasiki cùng con trai trốn dưới áo choàng chạy xe máy tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu bị chặn xe ở bất kỳ trạm kiểm soát nào hoặc bị phát hiện đang bỏ chạy, tất cả sẽ bị giết.

Cuối cùng Kasiki cũng về đến Paris, Kasiki bị cơ quan tình báo Pháp thẩm vấn, tạm giam hai tháng với cáo buộc bắt cóc trẻ em.

Kasiki hiểu rõ cô đã may mắn trốn thoát, điều mà số đông người trong hoàn cảnh như cô không bao giờ có được.

"Tôi thấy mình có tội. Tôi luôn tự hỏi làm thế nào để sống tiếp với những việc mình đã làm - đem con trai tới Syria", Kasiki nói trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi ghét những kẻ thao túng tôi, lợi dụng sự ngây thơ của tôi, điểm yếu của tôi, nỗi bất an của tôi. Tôi ghét chính bản thân mình".

 -----------------------------------------------

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo Những phi vụ vượt ngục khó tin vào 4h ngày 25/10/2017.

Sự thật về cuộc trốn chạy “huyền thoại” khỏi nơi “kiến cũng không thể lọt”

Trong một nhà tù nổi tiếng “bất khả xâm phạm” của phát xít Đức, một tù binh chiến tranh đã thực hiện cuộc vượt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh (Theo Guardian, Rgnn, Dailymail) ([Tên nguồn])
Những phi vụ vượt ngục khó tin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN