Thả thiên nga ở Hồ Gươm: Chín người mười ý

Sự kiện: Thời sự

Thiên nga được di chuyển từ Hồ Gươm về hồ Thiền Quang nhưng dư luận chưa ngớt. Một số chuyên gia văn hóa nêu quan điểm không nên thả thiên nga ở di tích quốc gia đặc biệt.

Thả thiên nga ở Hồ Gươm: Chín người mười ý - 1

Đàn thiên nga tại hồ Thiền Quang. Ảnh: Như Ý.

Tranh cãi

TS Nguyễn Hồng Kiên nói: “Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt “không phải cái ao của bất cứ ai. Chuyện cần chấn chỉnh là trách nhiệm của Sở VHTT Hà Nội và Bộ VHTTDL, không thể nói là không biết, chưa ai báo cáo”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, 5678 bước quanh Hồ Gươm) cho rằng, nếu lấy lí do Hồ Gươm là nơi linh thiêng không thể động vào là “hơi quá”, tuy nhiên Hồ Gươm gắn với xuất xứ truyền thuyết trả gươm, vậy không nên để “gia cầm bơi đi bơi lại trên đó”. Anh nhắc lại chuyện ba chục năm trước nhiều người phản đối chuyện xây dựng nhà cao tầng quá nhiều quanh hồ vì dễ biến nó thành cái ao. “Giờ Hồ Gươm thành cái ao thật rồi, thêm thiên nga vào nữa đúng thành cái ao làng”, Nguyễn Ngọc Tiến nhận xét.

Họa sĩ Lê Thiết Cương bảo, muốn Hồ Gươm đẹp chỉ có thể bỏ bớt đi, không nên thêm: “Tôi có những bưu ảnh cổ Hồ Gươm thả sen rất đẹp. Tuy nhiên giả sử có thả sen cũng chỉ phù hợp thời đó bởi nhà cửa xung quanh còn hoang sơ”. Anh kể, 14 năm nay ngày nào cũng hai cữ đi bộ và đạp xe bên Hồ Gươm nên hiểu rõ nhất chỉ nên vứt đi nhiều thứ. “Chỉ khi bạn đi bộ xung quanh hồ mới thấy còn nhiều điều phải làm vì nó hôi hám, nhếch nhác quá. Tôi không hiểu sao phải cần quá nhiều đèn xanh đỏ, rồi những biểu ngữ chúc mừng năm mới bằng nhựa vàng bày xung quanh hồ. Chiếc đồng hồ xấu xí từ dịp Nghìn năm Thăng Long cũng để mãi, giả sử để xem giờ tại sao không để phía cao hơn ở bên trong hồ. Lại cả vòi phun nước nữa, không hợp tí nào”, anh nói.

Bên cạnh những ý kiến phản đối, không ít người xem việc thả thiên nga ở Hồ Gươm là tự nhiên. Hồ Gươm là quần thể thiên nhiên, di tích lịch sử tuy nhiên danh thắng này cũng thay đổi và chúng ta nên gắn nó với chuyện bảo vệ thiên nhiên. Hồ Gươm chứa đựng câu chuyện lịch sử, huyền thoại, cần ứng xử bằng tinh thần cởi mở hơn. Hồ Gươm có rùa, có cá, có chim nay trồng cây hay thả thiên nga là bình thường. Thả thiên nga làm đẹp cho hồ cũng là việc hay.

Người ta đến đó ngắm vẻ đẹp trên hồ, đồng hiện trong lòng là câu chuyện lịch sử gắn với Hồ Gươm. Đạo diễn Trần Lực phát biểu: “Tại sao không thả thiên nga ở Hồ Gươm nhỉ? Có ý kiến về tâm linh, cái này tôi không hiểu lắm. Nhưng nói về cảnh quan thiên nhiên thì có thiên nga Hồ Gươm sống động hẳn, một cảm giác yên bình rất nhân văn. Thả thiên nga ở hồ Thiền Quang cũng rất ổn. Nói chung có bao nhiêu hồ cứ thả, đẹp mà”.

Ở đâu?

Không phải Hồ Gươm, thiên nga có thể tung tăng bơi lội ở đâu? “Nếu có điều kiện, Hà Nội nên thả một đàn thiên nga ở hồ Tây chứ không chỉ 12 con như hiện nay. Hồ Ba mẫu, Thiền Quang cũng không ra hồn bằng thiên nga ở Hồ Tây. Cả đàn thiên nga lúc ẩn lúc hiện, lúc bơi gần bờ lúc thấp thoáng ngoài xa trên hồ Tây tạo ra khung cảnh thơ mộng và gợi cảm hứng”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói.

TS Nguyễn Hồng Kiên lại cho rằng, khi mà dân trí còn khiến phải có trông coi thì thôi, đừng thả. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nhắc tới hồ Bảy Mẫu, Trúc Bạch, Thiền Quang đều có thể nuôi thiên nga. Tuy nhiên anh cũng đồng tình: Nếu vẫn phải cắt cử người trông nom nhiêu khê thì nên dừng.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, không nên đợi đến lúc dân trí “đạt tới mức không cần lo âu chuyện mất thiên nga”. “Thiên nga cũng là một phần thiên nhiên, làm đẹp môi trường, tôi nghĩ chúng ta phải trải qua nhiều thiệt thòi để đến một lúc nào đó người dân ý thức về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hoá”- Nguyễn Quang Thiều nói. Ông lấy ví dụ lễ hội hoa anh đào nhiều năm trước từng rùm beng chuyện ngắt hoa bẻ cành, xôn xao tới mức truyền thông Nhật cũng phản ánh, nhưng vài năm trở lại đây người dân hành xử văn minh hơn: “Tôi nghĩ chuyện thả thiên nga cũng như chất thử ứng xử văn hoá của người Việt. Tác động tới nhận thức của con người cần từng bước. Chúng ta cứ làm và cứ nghĩ tới điều tốt đẹp, văn hoá Việt có nhiều lỗ hổng và đây cũng là một cách hàn gắn. Người quản lý hoàn chỉnh cung cách quản lý, người hưởng thụ cũng phải học cách ứng xử văn hoá hơn”.

Giữ lấy Hồ Gươm

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Di sản Văn hoá Việt Nam phản đối thả thiên nga ở Hồ Gươm. “Khu vực Hồ Gươm và phụ cận nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt, mọi thay đổi cần cân nhắc, thực hiện đúng nguyên tắc Luật Di sản Văn hoá. Có mỗi cái hồ mà gần đây họ muốn đưa hết thứ này tới thứ khác vào, từ mô hình con Kong, biểu tượng rùa vàng nay tới thiên nga. Điều quan trọng chúng ta phải giữ cảnh quan của hồ”.

GS Lê Văn Lan: Thả thiên nga ở Hồ Gươm là rất thuận, hợp lí

"Hãy trả lại đúng thực chất của Hồ Gươm là một thắng cảnh, đây không phải là chuyện tâm linh"-GS Lan nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Khánh (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN