Sân bay Long Thành sẽ 'không có đối thủ trong khu vực'

100% ĐBQH phát biểu tại hội trường đồng ý với chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành trong phiên thảo luận sáng ngày 4.6.

Sân bay Long Thành sẽ 'không có đối thủ trong khu vực' - 1

Góp ý về dự án này, các đại biểu TP.HCM đều đồng ý xây dựng sân bay Long Thành để kết nối toàn bộ khu vực phía Nam.

Xây Long Thành là đúng đắn

“Chủ trương xây dựng sân bay Long Thành trong giai đoạn 1 là nhu cầu bức xúc, cần thiết. Còn bàn chuyện trung chuyển quốc tế thì nên dành cho QH nhiệm kỳ sau”, ĐB Trần Du Lịch nói.

Sân bay Long Thành sẽ 'không có đối thủ trong khu vực' - 2

Đại biểu Dương Trung Quốc thảo luận tại hội trường về dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Lê Phi

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) thì cho rằng lựa chọn cảng hàng không quốc tế Long Thành là đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tán đồng xây dựng cảng hàng không Long Thành vì "là một cơ hội, nếu bỏ qua cơ hội lần này là rất tiếc”, ông Cương nói.

ĐB Cương đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới nhất là vấn đề tiến độ dự án tránh đội vốn, vấn đề bố trí tái định cư cho người dân và ổn định cuộc sống tránh khiếu kiện sau này.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, dự án xây dựng sân bay Long Thành là dự án sinh lợi, tác động đến hội nhập đầu tư tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển bền vững. Việc xây dựng cảng hàng không là cần thiết là bước đột phá của Đảng, chủ trương của Chính phủ để đưa Việt Nam thành nước công nghiệp.

ĐB này đề xuất, cần tập trung quản lý chất lượng công trình, tránh lãng phí, thâm hụt thất thoát ngân sách. Cần tránh việc luồn lách lợi ích của một số đối tượng. Phải xem xét lại tiến độ xây dựng để tránh quá tải, có thể rút ngắn xuống từ 2016 mà không cần phải cứ 2018, chu kỳ xây dựng cũng không nên quá dài mà phải rút ngắn xuống.

“Long Thành có vị thế trời cho”

Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc mở rộng nâng cấp sân Tân Sơn Nhất là không khả thi vì đầu tư lớn, tốn kém, đền bù lớn… so với xây Long Thành. Việc nhanh chóng thông qua chủ trương xây Long Thành là cần thiết. Tuy nhiên, để hoàn thiện chủ trương đầu tư cần lưu ý đến tổng mức đầu tư, huy động vốn, phân kỳ, nợ công…

“Tôi đề nghị Chính phủ nên đưa ra một số phương án huy động vốn, phân tích sâu… để các ĐBQH phân tích cho ý kiến. Ngoài ra phải tính toán tới yếu tố trượt giá trong phân kỳ đầu tư, kiểm tra giám sát chặt chẽ tránh lãng phí. Nếu để lãng phí là có tội với dân. Phải để cử tri tin tưởng là chúng ta đi vay về là đầu tư có hiệu quả. Phải đảm bảo người dân di dời có cuộc sống ổn định, có nghề nghiệp việc làm. Nghiên cứu làm rõ hơn về tác động dự án đối với nhân dân xung quanh cảng hàng không, giảm tối đa tác động xấu đến người dân. Cần tính toán cạnh tranh của cảng hàng không Long Thành với cảng hàng không trong khu vực và quốc tế”, ĐB Trần Ngọc Vinh kiến nghị

Theo ĐB Vinh, tính đi tính lại thì trước sau gì cũng phải xây sân bay mới. “Nên tôi đề nghị sớm thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, nếu chậm sẽ mất cơ hội vàng”, ĐB Vinh nhấn mạnh

Trong khi đó ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, trên bản đồ hàng không quốc tế, thì Long Thành là tâm điểm của các đường bay và có lợi thế nhất so với các sân bay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Long Thành sẽ là sân bay không có đối thủ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với vị thế trời cho như thế, Long Thành sẽ là sân bay bận rộn nhất khu vực trong tương lai gần. Sân bay Long Thành sẽ biến Việt Nam là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, bảo dưỡng máy bay, du lịch…của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương…”, ĐB Bình nói.

Sân bay Long Thành sẽ 'không có đối thủ trong khu vực' - 3

ĐB Trần Hoàng Ngân băn khoăn về việc giải quyết quá tải sân bay Tân Sơn Nhất vào năm 2017 và tác động của dự án đối với nợ công.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại băn khoăn về việc chúng ta giải quyết quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào vào năm 2017. Ngoài ra, chưa lường hết biến động kinh tế chính trị thế giới và nợ công thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng. “Tôi đồng ý thông qua chủ trương đầu tư sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2-3 thì để Quốc hội khóa XIV và XV biểu quyết”, ĐB Ngân nói .

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thì đề nghị cần công khai minh bạch dự án, Quốc hội phải giám sát trong quá trình thực hiện để tạo lòng tin cho người dân. Tránh tình trạng tham nhũng lãng phí trong quá trình triển khai dự án. “Đây là dự án lớn được triển khai trong quá trình kinh tế khó khăn vì vậy cần tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, Bộ GTVT. Nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ rằng kết qủa sẽ thành công”, ĐB Học góp ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Phi (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN