Phụ nữ bị đánh đập: Giữ “hình ảnh”để làm gì?

Sự kiện: Thời sự

“Số phụ nữ bị bạo lực nhiều lên vì họ sợ hãi không dám lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rối nhiều hơn nữa”, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ bày tỏ.

Phụ nữ bị đánh đập: Giữ “hình ảnh”để làm gì? - 1

Phụ nữ bị bạo lực nhưng vẫn muốn giữ hình ảnh "gia đình hạnh phúc"

Trong thời gian từ 15/11-15/12, một số bộ ngành đang kêu gọi bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam nhưng vẫn không ít chị em phụ nữ bị đàn ông ức hiếp, đánh đập, xâm hại thể xác và tinh thần.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam, 34% phụ nữ đã từng kết hôn bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục và mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái.

Quá nhiều người sợ bị kỳ thị

Chia sẻ với phóng viên về hình ảnh phụ nữ bị bạo lực ở Việt Nam, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ  (UN Women) bày tỏ: “Số phụ nữ bị bạo lực nhiều lên vì họ sợ hãi không dám lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rối nhiều hơn nữa”.

Bà Shoko Ishikawa cho biết, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề toàn cầu và là một trong những vi phạm về nhân quyền dai dẳng hiện chưa được giải quyết trên toàn thế giới. Trên toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người là đối tượng bị đàn ông lạm dụng (thông thường lại chính là người thân của nạn nhân - có thể là cha, chồng, bạn trai, chú bác, quản lý, sếp hay đồng nghiệp tại nơi làm việc...)

Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình Đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, 58% phụ nữ đã từng kết hôn từng trải qua ít nhất một lần bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, 87% nạn nhân không tìm đến sự giúp đỡ do việc thiếu các dịch vụ có sẵn.

Đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phân tích, nhiều người bị đánh đập nhưng sợ hãi không dám lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rối nhiều hơn nữa. Thông thường trong các trường hợp bị bạo lực, người phụ nữ không dám nói hoặc không dám tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý. Họ phải cố giữ hình ảnh "gia đình hạnh phúc" trong mắt mọi người, và phải hy sinh quyền và nhân phẩm của chính bản thân mình.

“Giữ hình ảnh “gia đình hạnh phúc” để làm gì? Điều này không phải là hạnh phúc thật sự của người phụ nữ và chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ này”, bà Shoko Ishikawa nói.

Phụ nữ không được an toàn nơi công cộng

Cũng theo bà Shoko Ishikawa, có một thực tế là, hiện nay có rất nhiều phụ nữ trẻ và chưa kết hôn cũng là đối tượng bị bạo lực tình dục và quấy rối tình dục. Tại Hà Nội và TP.HCM có tới 87% phụ nữ tham gia phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.

Phụ nữ bị đánh đập: Giữ “hình ảnh”để làm gì? - 2

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

“Như vậy, phụ nữ và trẻ em gái không được an toàn tại nhà, nơi công cộng và cả nơi làm việc”, Trưởng đại diện UN Women cho hay.

Theo bà Shoko Ishikawa, để giảm số vụ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành trong gia đình và nơi công cộng, nên cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các nạn nhân bị bạo lực. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để nạn nhân bị bạo lực không cảm thấy xấu hổ hoặc phải chịu áp lực mà phải giữ im lặng hoặc không dám nói ra. 

Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ  cũng đề xuất tăng cường khuôn khổ pháp lý nhằm hình sự hóa tất cả các dạng bạo lực đối với phụ nữ và bảo đảm nạn nhân có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cần thiết bao gồm trợ giúp pháp lý miễn phí, chăm sóc y tế và tâm lý, nơi lánh nạn, hỗ trợ tư vấn…

Ngoài ra, nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới gắn với những vai trò giới truyền thống trong gia đình, ngoài xã hội, và những người đứng đầu cộng đồng; phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai…

“Chúng ta thường nhìn nhận bạo lực giới là 'vấn đề của người phụ nữ', nhưng tôi muốn nói rằng đó cũng là "vấn đề của nam giới". Những người đàn ông chịu trách nhiệm cho hầu hết các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, bà Shoko Ishikawa nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN