Phạt xe không chính chủ: Nói dối xe mượn khó “né” phạt

Lực lượng công an sẽ không mất quá nhiều thời gian để làm rõ, chiếc xe máy là xe đi mượn hay xe chưa được sang tên đổi chủ.

Phạt xe không chính chủ: Nói dối xe mượn khó “né” phạt - 1

Lực lượng công an sẽ không mất nhiều thời gian để làm rõ, chiếc xe máy là xe đi mượn hay xe chưa được sang tên đổi chủ. (Ảnh minh họa)

Bắt đầu từ năm 2017, chủ xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐCP.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) về các vấn đề liên quan đến việc kiểm tra, xử lý lỗi không làm thủ tục sang tên xe.

Thưa Thiếu tướng, việc đăng ký sang tên, đổi chủ cho xe máy, xe mô tô trước và sau ngày 31.12.2016 có gì khác nhau?

- Thiếu tướng Trần Thế Quân: Quy định xử phạt với những chủ sở hữu cố tình không sang tên, đổi chủ khi mua bán xe máy, xe mô tô đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện vì phải điều chỉnh.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 15/2014/TT-BCA, trong đó, tại điều 24 quy định, giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người. Ví dụ, xe đã qua mua bán nhiều lần nhưng không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, không tìm chủ gốc…

Đây là quy định nhằm tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ cho xe đã qua nhiều chủ. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đến ngày 31.12.2016.

Vì vậy, những trường hợp xe chuyển sở hữu qua nhiều người nhưng không đăng ký sang tên trước ngày 31.12.2016 mà để sang năm 2017 mới đăng ký sẽ bị xử phạt lỗi không sang tên.

Phạt xe không chính chủ: Nói dối xe mượn khó “né” phạt - 2

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp  - Bộ Công an.

Theo Thiếu tướng, lực lượng công an có gặp khó khăn trong việc xử lý các trường hợp xe chưa sang tên, đổi chủ nhưng “né” xử phạt bằng lý do xe đi mượn?

Lực lượng công an sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để xác minh chiếc xe người điều khiển đang sử dụng là xe đi mượn hay chính họ là chủ phương tiện nhưng lại chưa sang tên xe.

Tôi lấy ví dụ, anh A mua xe của anh B nhưng không đăng ký sang tên xe. Đến khi bị cảnh sát kiểm tra thì nói dối rằng, mượn xe của anh B hay anh B là người thân trong gia đình nên mượn đi.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cộng với hệ thống quản lý phương tiện, nhân khẩu ngày càng hiện đại, lượng công an sẽ không mất quá nhiều thời gian để xác minh anh B là ai, có mối quan hệ gia đình với anh A không?

Việc sang tên, đổi chủ phương tiện giúp ích gì cho người dân và cơ quan quản lý?

Thực tiễn cho thấy việc sang tên đổi chủ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người dân và các cơ quan quản lý.

Về cơ quan quản lý, việc đăng ký chính chủ sẽ giúp ích rất nhiều cho lực lượng công an trong quá trình điều tra các vụ mất trộm phương tiện, tai nạn giao thông, hoặc tranh chấp tài sản…

Hơn nữa, việc đăng ký xe chính chủ sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của chủ phương tiện như sau này chỉ cần đăng ký qua mạng, chuyển khoản để mua vé, phí đường bộ, hay áp dụng việc xử phạt nguội cũng rất dễ dàng...

Đối với người dân, việc sang tên đổi chủ giúp chủ phương tiện xác lập quyền sở hữu hợp pháp, tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có… hoặc khi phương tiện lỡ may bị mất trộm nhưng sau đó cơ quan chức năng tìm lại được, khi đó nếu chiếc xe đã được sang tên chính chủ, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng hơn trong việc bàn giao lại cho chủ nhân thực sự của chiếc xe.

Trong thực tế, nhiều trường hợp mất xe máy hàng chục năm nhưng sau đó lực lượng công an tìm thấy và nhanh chóng trao trả lại cho chủ xe vì chiếc xe có nguồn gốc rõ ràng, đăng ký chính chủ.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN