Công nghệ đặc biệt chăm sóc "lão xà cừ" đường Kim Mã

Sự kiện: Tin Hà Nội Thời sự

Hàng xà cừ cổ thụ trên đường Kim Mã sẽ được đưa về “nghỉ dưỡng” ở vườn ươm, được các chuyên gia cây xanh chăm sóc bằng bí quyết riêng.

Công nghệ đặc biệt chăm sóc "lão xà cừ" đường Kim Mã - 1

Hàng cây xà cừ trên đường Kim Mã sẽ được di chuyển thay vì chặt hạ

Sáng 16.9, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc di dời cây xanh trên phố Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) phục vụ thi công dự án Đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội.Theo đó, 106 cây xanh trên đường Kim Mã, đoạn từ Đền Voi Phục đế đối diện ngõ 575 Kim Mã sẽ được di chuyển thay vì chặt hạ.

Ông Thẩm Thế Hoàn, Phó Tổng giám đốc công ty Beepro, đơn vị thực hiện di chuyển cây xanh cho biết, do điều kiện nền đất ở Hà Nội có rất nhiều đường ống, dây cáp ngầm nên việc bứng cây chủ yếu sử dụng phương án thủ công.  

“Trước tiên là cắt tỉa gọn cành, đưa cần cẩu vào đỡ thân cây, các công nhân sẽ đào bầu đất xung quanh gốc cho đến khi nhấc được cây lên. Cây sẽ được chở đến vườn ươm ở Văn Giang, Hưng Yên, đây là vùng đất màu mỡ, rất tốt cho cây sinh trưởng.

Công nghệ đặc biệt chăm sóc "lão xà cừ" đường Kim Mã - 2

Những cây xà cừ cổ thụ được cắt cành, bứng gốc, đưa về vườn ươm chăm sóc để trồng lại 

Các chuyên gia chăm sóc cây xanh của công ty sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến học hỏi từ nước ngoài để cây nhanh chóng ra rễ mới. "Chúng tôi có công nghệ, bí quyết đặc biệ. Đối với những cây di chuyển từ đường Kim Mã, tỷ lệ sống sót đưa về vườn ươm là trên 60 %”, ông Hoàn nói.

Đại diện Beepro cho hay, công ty này đã có hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc di chuyển các cây xanh, đặc biệt là các loại cây cổ thụ. Công ty đã từng di chuyển thành công nhiều cây cổ thụ kích thước lớn từ Yên Bái về khu đô thị Ecopark.

Khi cây đưa về vườn ươm sẽ mất từ 3 – 6 tháng để cây đầm chồi trở lại. Khoảng 1 năm sau, có thể di chuyển cây trồng ở địa điểm mới.

TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam đánh giá sự đổi mới tích cực của Hà Nội trong việc bảo vệ cây xanh, cảnh quan thành phố.

“Vẫn biết muốn có công trình giao thông phải chấp nhận đánh đổi. Nhưng nhìn những cây cổ thụ vài chục, thậm chí cả trăm năm bị đốn hạ ai cũng xót xa. Đây là lần đầu tiên Hà Nội thay vì chặt bỏ, quyết định di chuyển nhiều cây xanh kích thước lớn như thế”, ông Hiệp nói.

Về công nghệ, kỹ thuật di chuyển cây cổ thụ, TS Hiệp cho rằng vẫn còn khá lạ lẫm ở Việt Nam. Ông cũng chỉ ra một số hạn chế khi di chuyển và trồng lại cây xà cừ kích thước lớn.

“Xà cừ trên đường phố Hà Nội có bộ rễ khá nông, bứng bầu không mấy khó khăn. Khi bứng sẽ phải chặt bớt một số rễ, trồng lại dễ phục hồi nhưng phải rất lâu sau bộ rễ mới có thể đỡ được thân cây đồ sộ. Có lẽ công nghệ cho ra rễ nhanh sẽ khắc phục được điều này. Dù sao thì đây cũng là thử nghiệm rất tích cực, thậm chí có thể trở thành để tài nghiên cứu của các nhà khoa học”, TS Hiệp phân tích.

Tuy nhiên, TS Hiệp cũng tỏ ra lo ngại về kinh phí di chuyển những cây cổ thụ này sẽ rất lớn.

Trong khi đó, trao đổi với PV sáng 16.9, ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đơn vị đầu tư không tiết lộ chi phí cho việc di chuyển cây xanh.

Trước đó, từ tháng 11.2014 đến tháng 3.2015, gần 500 cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi, Trần Phú  đã được chặt hạ để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Sự việc này đã khiến người dân Thủ đô bức xúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Tin Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN