“Anh hùng lái tàu” tự nhận không còn dũng cảm

Từng được ca ngợi là người “anh hùng”, nhận Huân chương dũng cảm vì cứu 300 hành khách nhưng trở về với gia đình, với những vết thương hành hạ mỗi đêm, ông Thức tự nhận mình “không còn dũng cảm”.

“Anh hùng lái tàu” tự nhận không còn dũng cảm - 1

Ông Trương Xuân Thức, lái tàu từng cứu cả đoàn tàu hơn 300 hành khách

Sáng 6.8.2010, khi đang lái đoàn tàu Thống Nhất lưu thông qua huyện Duy Tiên (Hà Nam), bất ngờ xe tải nhấn ga vượt qua đường tàu khi khoảng cách chỉ còn 100 m. Trước tình huống nguy hiểm, lái tàu Trương Xuân Thức không chịu rời cabin, cố gắng giữ chặt cần hãm phanh thần tốc để giảm tốc độ đoàn tàu.

Ba toa đầu bị lật, hơn 300 hành khách bình an. Người lái tàu bị thương nặng, đầu va đập vào bàn điều khiển, phải cắt một phần cánh tay, dập nát chân phải . Hành động của ông Thức khiến hàng triệu người cảm động, người ta ca ngợi ông là “anh hùng lái tàu”.

Ông Thức vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương dũng cảm.

Đi xa vài trăm mét không nhớ đường về

Sáu năm qua đi, hỏi thăm nhà người lái tàu cứu 300 hành khách ở khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), chẳng mấy người biết. Người ta chỉ biết có một người gày gò, tóc muối tiêu, cụt một tay trái, mỗi chiều đều đặn đi bộ ở hồ Thành Công.

Vài người hàng xóm kể ông Thức vốn điềm đạm, ít nói, sau vụ tai nạn ông càng sống khép kín hơn.

Trong căn hộ tập thể cũ rộng chừng 40m2, vẳng tiếng radio đều đều, ông Thức nằm trên băng ghế dài, tay không ngừng xoa bóp cánh tay teo tóp, bị cắt cụt gần đến khuỷu.

“Chắc lại sắp mưa giông, người tôi giờ như cái máy dự báo thời tiết ấy”, khuôn mặt nhăn nhó, ông Thức cố gượng cười.

Ngày nào cũng vậy, trừ buổi sáng sớm và chiều tối đi tập thể dục, ông Thức hiếm khi đi ra ngoài, quanh quẩn ở nhà làm bạn với chiếc tivi và chiếc radio cũ.

Nhắc về chuyến tàu định mệnh, cùng hành động dũng cảm khiến hàng triệu người cảm phục, ca ngợi “anh hùng lái tàu”, ông Thức trầm ngâm: “Mọi người nói vậy chứ lúc đó tôi đâu nghĩ được nhiều. Tôi chỉ nghĩ cố gắng giảm nhanh nhất vận tốc để cả đoàn tàu không bị lật khỏi đường ray. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lái tàu trong tình huống khẩn cấp”.

Cú va đập mạnh khiến trí nhớ của ông bị giảm sút trầm trọng. Hơn 20 năm trong nghề, người lái tàu nhớ từng số hiệu, ga tàu, cung đường, nay chỉ đi xa vài km ông  quên cả đường về.

“Có lần đi bộ ra gần Giảng Võ, tôi loanh quanh, hỏi thăm mấy lượt không tìm được đường về nhà. Tập luyện dần cũng đỡ rồi, mỗi sáng vợ con đi làm đều dặn muốn đi đâu thì đợi con về chở đi. Tôi ở nhà nhiều thành quen, không muốn ra ngoài”, ông Thức nói.

Mặc cảm với vợ con

Sau tai nạn, ông Thức nhận lương hưu, trợ cấp thương tật ở tuổi 48. Ông từ chối lời đề nghị trở lại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội làm công việc nhẹ nhàng như chấm công, thống kê.

“Anh hùng lái tàu” tự nhận không còn dũng cảm - 2

Ông Thức giúp vợ nấu cơm, quét nhà

“Dù gì mình cũng trở thành người khiếm khuyết rồi, sức khỏe đã yếu, tôi không muốn thành gánh nặng cho cơ quan. Tôi muốn ở nhà chăm sóc vợ con, bù đắp phần nào những năm tháng xa nhà, vào Nam ra Bắc”, ông Thức nói.

Ấy vậy mà mong muốn của ông cũng không được toại nguyện. Từ một người trụ cột trong gia đình, hiện tại ông nhận lương hưu hơn 4 triệu đồng, tháng nào ốm đau đã hết quá nửa. Vợ ông làm tạp vụ cho một khách sạn với mức lương gần 3 triệu đồng. Cô con gái duy nhất tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính kế toán chưa xin được việc làm, cũng đi làm tạp vụ.

Bà Lê Kim Thoa, vợ ông Thức, kể những lần vết thương cũ tái phát, ông thường trở nên cáu gắt, không muốn vợ con đến gần chăm sóc.

“Ai cũng biết ông ấy bị như vậy vì muốn cứu đoàn tàu nhưng đôi khi ông ấy mặc cảm với cả vợ con. Có những đêm trái gió, trở trời, ông ấy co người nằm khóc một mình. Tôi xoa bóp thì ông ấy đùng đùng cáu gắt, mở cửa đi ra ngoài, đỡ đau mới về nhà xin lỗi vợ”, bà Thoa khẽ thở dài.

Hằng ngày, nhìn vợ con làm việc vất vả, lo lắng cho ông, người lái tàu từng được ca ngợi là “anh hùng” đã tự nhận mình “không còn dũng cảm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN