Thương lái Trung Quốc tung chiêu, nông dân lãnh đủ

Rừng xanh xứ Lạng vốn đầy ắp cây thuốc quý xanh tốt quanh năm. Vậy mà, từ khi tư thương Trung Quốc đến đặt mua nhiều loại cây rừng, đặc biệt cây dược liệu, tài nguyên cạn kiệt, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Thương lái Trung Quốc tung chiêu, nông dân lãnh đủ - 1

Người dân Lạng Sơn vào rừng săn dược liệu bán sang Trung Quốc. Ảnh: Duy Chiến.

Kỹ sư Hoàng Lê Minh, một nhà nghiên cứu lâm học ở Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nơi có nhiều khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng với nhiều thảm thực vật phong phú. Gần đây, có các tư thương Trung Quốc đến đặt mua với giá cao. Điều đáng nói là họ mua với những yêu sách rất kỳ quái, dẫn đến việc tận diệt nguồn gen của cây.

Ông Phạm Cảnh Thăng, một dược sĩ đông y có tiếng của huyện Hữu Lũng, cho biết: “Có rất nhiều cây thuốc mà người thầy thuốc nam chúng tôi chỉ dùng lá, dùng hoa, thì người ta lại yêu cầu phải có cả rễ. Mỗi đợt mua, tư thương Trung Quốc chỉ tập trung vào một số loại cây nhất định như: huyết đằng, bình vôi, sói rừng, bá bệnh... với số lượng lên tới hàng chục, hàng trăm tấn. Vì vậy sức tàn phá là rất kinh khủng”.

Do hám lời nên rất đông người dân ở khu vực nông thôn vào rừng, lên núi khai thác những cây dược liệu trong các bài thuốc đông y của đồng bào dân tộc như: rễ cây mác náp, rễ cây nầm mò, vỏ cây mạy tảng, cây nhả đản, lá cây báng bưân, cây sói rừng, cây chiu cạt, cây caliệng đeng, cây cẩu ngầu lực… Sau khi khai thác, một số cây được phơi khô, sơ chế chặt ra thành từng khúc hoặc thái lát, đóng thành từng bao rồi đem bán cho đại lý. Anh Lý Văn Thường ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: “Gia đình làm ruộng, dịp này nông nhàn, tranh thủ vào rừng chặt lấy lá cây báng bưân đem bán, mỗi ki-lô-gam được 1.500 đồng. Cây ở trong rừng nhà mình, mình mà không lấy thì người khác cũng lấy đi bán thôi”.

Trên tuyến tỉnh lộ 234 thuộc địa phận xã Tân Thành (huyện Cao Lộc), xã Quảng Lạc (TP Lạng Sơn), xã Hữu Khánh (huyện Lộc Bình) xuất hiện nhiều biển thu mua cây dược liệu. Theo các chủ đại lý thu mua, giá 1 kg lá cây báng bưân và vỏ cây mạy tảng tươi là 1.500 đồng; rễ cây nầm mò và cây sói rừng có giá từ 10.000-15.000 đồng/kg. Sau khi sơ chế phơi khô, đóng bao chất lên xe ô tô vận chuyển qua các cửa khẩu Nà Nưa (huyện Tràng Định), Na Hình (huyện Văn Lãng) bán sang Trung Quốc.

Tàn phá rừng đầu nguồn

Mẫu Sơn (thuộc 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình) là quần thể bao gồm hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ chạy dọc biên giới Việt - Trung có độ cao trên  1.500m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ nên có nhiều hệ thảm thực vật phong phú, xanh tốt quanh năm, đặc biệt có nhiều loại cây thuốc bổ và thuốc chữa bệnh về xương khớp, gan, thận... Tuy nhiên, hiện nay các loại cây này rất hiếm vì bị khai thác tràn lan. 

Già làng Đặng Tăng Phúc, người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn cho biết: Những năm trước chỉ cần đi vào chân núi Mẫu Sơn đã tìm thấy cây thuốc, nhưng nay nhiều cây đã không còn. Bà con đi hái, đào tận gốc, rễ, nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng những cây thuốc quý mà nhiều đời nay người Dao đã lưu giữ.

Theo già Phúc, cây thuốc khai thác về được bà con băm nhỏ phơi khô, rồi được tư thương đến gom, đem sang Trung Quốc bán, với giá rất rẻ. Cụ thể, cây kim ngân, dùng để thanh nhiệt, giải độc rất tốt, phơi khô chỉ bán 1.500 đồng/kg. Cây mừ phi - một loại cây đặc biệt quý hiếm dùng chữa bệnh cao huyết áp, trước đây rất nhiều nhưng nay hầu như đã biến mất.

Không chỉ các loại cây thuốc quý, ngay cả những loại cây trước đây người dân chỉ lấy về làm củi, bây giờ cũng được tư thương thu mua nên các cánh rừng ở Công Sơn, Mẫu Sơn trở nên xác xơ, trơ trọi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Duy Chiến (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN