Thị trường ô tô nội địa gồng mình chịu sức ép nhập khẩu

Với những ưu đãi lớn từ các nước ASEAN, trên thị trường ô tô Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến sự đổ bộ của xe có xuất xứ từ Thái Lan khiến người tiêu dùng mừng, còn doanh nghiệp sản xuất lo sốt vó. Ngoài ra, số phận Thông tư 20 chưa được quyết định cũng đang tạo ra thách thức lớn cho thị trường này.

Sức ép nhập khẩu ngày càng lớn

Trong tháng 5, 6 vừa qua, thị trường ô tô trong nước đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của xe nhập khẩu nguyên chiếc, tính chung 6 tháng đầu năm, lượng ô tô nhập nguyên chiếc vào Việt Nam đạt 49.890 chiếc. Nguyên nhân là đến gần ngày thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ 1.7 khi giá một số dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.500cm3 sẽ tăng đáng kể, nên trong những tháng trước đó, người tiêu dùng đã tranh thủ mua xe để tránh bị đội giá về sau, vì vậy sức tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh.

Trong đó nhập khẩu ô từ Thái Lan những tháng gần đây tăng rất mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ lượng nhập khẩu xe từ Thái Lan trong 6 tháng đầu năm tăng vọt lên hơn 15.000 chiếc, tăng 1,5 lần so với hơn 10.000 chiếc của cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng này, Thái Lan đã trở thành nhà cung cấp ô tô nguyên chiếc số 1 cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Khi kết thúc năm 2015, Thái mới chỉ đứng thứ 4 trong số các quốc gia cung cấp xe cho thị trường Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Điều này cho thấy, sức ép nhập khẩu ô tô từ Thái Lan đối với thị trường ô tô trong nước ngày càng rõ hơn khi thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN đang giảm dần.

Triển vọng nào cho ngành ô tô?

Theo nhận định của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô sẽ tiếp tục tăng nhờ kinh tế tăng trưởng và sự nỗ lực của Chính phủ trong việc giữ ổn định chính sách. Vì vậy, VAMA dự đoán thị trường năm nay sẽ đạt 260.000 chiếc, tăng 10% so với năm 2015. Dự báo thị trường ô tô sẽ tiếp tục tăng nhưng khó đạt mức tăng trưởng cao như năm 2015, trong đó triển vọng cho tiêu thụ ô tô con là khả quan và tăng trưởng tiêu thụ xe tải sẽ chững lại đáng kể so với mức tăng mạnh của năm 2015.

Trong dài hạn, theo VAMA, ngành sản xuất ô tô còn phải đối mặt với nhiều thử thách, khi các hiệp ước thương mại đưa thuế nhập khẩu xe ô tô về 0%. Cụ thể, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ giảm về 0% năm 2018, và từ các quốc gia WTO sẽ giảm từ 70% về 47% năm 2019, trong khi đó, doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước hiện còn phụ thuộc vào sự bảo trợ của nhà nước. Theo đó, các yếu tố này sẽ thúc đẩy gia tăng nhập khẩu. 

Ngoài ra, triển vọng ngành ô tô thời gian tới còn chịu tác động của việc hết hiệu lực thông tư 20. Vì theo quy định, Thông tư 20 của Bộ Công Thương đã hết hiệu lực vào ngày 1.7.2016. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tư hay quy định nào thay thế. 

Thông tư 20 quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải đảm bảo 2 nhóm giấy tờ quan trọng. Thứ nhất là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật. Thứ hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Như vậy, tác động của thông tư này chính là siết chặt hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, đòi hỏi các doanh nghiệp phải là nhà nhập khẩu chính hãng và bắt buộc đảm bảo các vấn đề liên quan đến sau bán hàng như: chế độ bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số đơn vị nhập khẩu sẽ bị thu hẹp, mỗi thương hiệu gần như chỉ có 1 đơn vị nhập khẩu phân phối. 

Do đó, nếu thông tư 20 không còn hiệu lực thì khả năng rất lớn là thị trường ô tô sẽ bị xáo trộn vì tình trạng nhập khẩu ô tô sẽ xảy ra ồ ạt, tạo thế cạnh tranh công bằng giữa các nhóm doanh nghiệp. Hiện nay, việc bỏ hay giữ thông tư này đang được tranh luận khá “nóng” không chỉ giữa các cơ quan chức năng mà còn giữa cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Nhung (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN