Dỡ trần chi phí quảng cáo, người tiêu dùng chẳng thiệt gì?

"Chúng tôi rất mong muốn các đại biểu Quốc hội thấu hiểu và bỏ trần chi phí này nhằm tháo gỡ, không khống không khống chế DN nữa", bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp Hội bán lẻ Việt Nam mong mỏi.

Ngày 18/11, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của doanh nghiệp”. Buổi hội thảo được tổ chức nhằm kiến nghị Quốc hội tán thành việc dỡ bỏ hoàn toàn chi phí quảng cáo, khuyến mại.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN bày tỏ: Một trong những chủ đề được cộng đồng doanh nghiệp (DN) hết sức quan tâm, chú ý hiện nay đó là “chúng ta có được dỡ bỏ trần quảng cáo, khuyến mại hay không”. Hơn 10 năm qua, phòng Thương mại Công nghiệp VCCI và Hiệp hội các nhà bán lẻ VN cùng rất nhiều các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng khác đã đề xuất yêu cầu dỡ bỏ trần với chi phí quảng cáo, khuyến mại.

Bà Loan cho biết, trong thời gian vừa qua, Hiệp hội bán lẻ cùng với khoảng 20 hiệp hội, doanh nghiệp khác như may mặc, da giày, thủy sản, du lịch, ngân hàng…đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, nhiều lần đề nghị dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại để doanh nghiệp chủ động, tự do kinh doanh, tháo dỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến ngày 3/11/2014 Bộ Tài chính đã trình chính phủ cho Quốc hội về việc dỡ bỏ hoàn chi phí quảng cáo và khuyến mại. Ngày 26/11 tới đây Quốc hội sẽ biểu quyết và đưa ra quyết định cuối cùng về việc này.

“Liệu có thể bỏ trần quảng cáo không hay chỉ bỏ trần chi phí khuyến mại 15% trên tổng chi phí? Chúng tôi rất mong muốn các đại biểu Quốc hội thấu hiểu và bỏ trần chi phí này nhằm tháo gỡ, không khống chế DN bằng phí này nữa. Vì trên thế giới hiện nay chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn áp dụng chi phí này. Trong khi đó Việt Nam còn áp dụng hết sức ngặt nghèo hơn cả Trung Quốc. Họ áp dụng 15% trên tổng doanh thu, ít ra DN của họ cũng dễ thở hơn”, bà Loan nói.

Dỡ trần chi phí quảng cáo, người tiêu dùng chẳng thiệt gì? - 1

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN :" Chúng tôi hi vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ "bấm nút" dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại

Nói thêm về những khó khăn của DN khi áp dụng trần phí quảng cáo, khuyến mại, bà Loan cho biết: Điều rõ ràng dễ thấy nhất hiện nay, trong khi DN cố gắng nỗ lực đưa được sản phẩm mới hoặc DN mới đang cố gắng để tham gia vào kinh doanh rất cần hoạt động quảng cáo để quảng bá hình ảnh của mình nhưng DN bị hạn chế bởi chi phí đó làm cho DN bị mất vũ khí quảng bá, tuyên truyền để sản phẩm đi được đến với người tiêu dùng. DN không thể âm thầm làm việc theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần nhiều công cụ hiện đại trong đó có hoạt động quảng cáo hiệu quả. Vì thế việc khống chế trần nhất là trần quảng cáo và khuyến mại là điều không đúng và Hiệp hội chúng tôi cùng các hiệp hội ngành hàng khác đã nhiều lần lên tiếng thể hiện rõ sự quyết tâm, ủng hộ chính phủ khi đưa ra phương án cởi bỏ hoàn toàn  trần chi phí quảng cáo, khuyến mại.

“Trong cạnh tranh DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài thì DN Việt cần làm chủ chi phí quảng cáo của mình để nâng cao hình ảnh sản phẩm, khẳng định vị thế của DN.  Chúng ta không thể để mặt trận quảng cáo, khuyến mại lại chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp FDI vốn đã rất nhiều tiền. Những e ngại rằng chi phí quảng cáo đổ lên đầu người tiêu dùng làm tăng giá sản phẩm tôi cho thấy đó là suy nghĩ phiến diện, không khoa học trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập. Chúng ta đã có các hoạt động khác để quản lý hoạt động quảng cáo như Luật quảng cáo, Luật cạnh tranh, Luật thương mại, bảo vệ người tiêu dùng… để quản lý, làm cho hoạt động quảng cáo, khuyến mại thật sự có ích cho xã hội, người tiêu dùng, nền kinh tế chứ không thể chỉ vài nơi xảy ra những vụ việc không tốt, chưa hiệu quả mà chúng ta khống chế, bó buộc DN không cho phép DN chủ động trên tài sản của mình, vốn của mình”, bà Loan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, kiêm Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp cho biết: "Năm ngoái khi nâng trần này từ 10% lên 15%, áp dụng từ tháng 1/2014 thì đến tháng 5/2014, VCCI có tiến hành một khảo sát động thái của 800 DN Việt Nam đang hoạt động. Câu hỏi nâng trần chi phí quảng cáo lên tác động như thế nào đến DN được các DN trả lời: Chỉ có gần 5% nói có hỗ trợ tích cực. Câu chuyện nâng hay không nâng trần hoàn toàn không có tác động gì đến doanh nghiệp cho nên chúng tôi cho rằng không phải bây giờ nới ra hay mở rộng thêm nữa mà chúng ta phải dỡ bỏ hẳn đi. Thứ nhất giúp DN thoáng hơn trong chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu. Thứ hai, giúp cho nhà nước giảm nhiều chi phí về quản lý hành chính, thuế khi phải bóc tách đâu là quảng cáo, đâu là khuyến mại, đâu là nghiên cứu thị trường, quà tặng…"      

Ông Hà Quang Tuấn, chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà Nội cũng cho rằng việc dỡ trần 15% là là rất cần thiết cho những DN. Chúng ta không nên khống chế doanh nghiệp nếu họ muốn đầu tư cho chi phí quảng cáo, phát triển thương hiệu. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ lo ngại, có không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI lợi dụng chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại vào trong chi phí để làm giảm thuế thu nhập DN nên chúng ta cần có những biện pháp, công cụ để chúng ta kiểm soát.

“Chúng ta xem xét tác động tích cực của quảng cáo thương hiệu nhưng quan điểm của tôi “có bột mới gột nên hồ”, sản phẩm phải có sự khác biệt, hơn người mới quan trọng còn anh chỉ lo tạo dựng, làm đẹp nó lên thì không thể phát triển bền vững được”, ông Tuấn chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thùy (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN