Người nhiễm HIV: Sống trong ranh giới sinh - tử

Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12). Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu hai phụ nữ nhiễm HIV đang nỗ lực chống chọi với số phận nghiệt ngã.

Căn nhà bé xíu của vợ chồng chị H.T.T., nhân viên tiếp cận cộng đồng phòng chống HIV, ở gần chợ An Lạc (TP Cần Thơ) không hề có... tường. Anh K. - chồng chị T., cũng làm nhân viên tiếp cận cộng đồng như vợ - kể trước đây anh chị được cho tấm tôn lợp nhà, còn tường thì nhờ vào tường của ba gia đình hàng xóm xung quanh.

Ngôi nhà kỳ lạ, số phận những người sống trong đó cũng kỳ lạ chẳng kém: chị T. từng bán dâm, lại nhiễm HIV, nhưng đã có một người đàn ông hiền lành, không bệnh tật quyết tâm về sống cùng với chị, và anh chị đã sinh ra một bé gái không HIV.

Người nhiễm HIV: Sống trong ranh giới sinh - tử - 1

H.T.T. kiểm tra bơm kim tiêm sạch và bao cao su tại điểm cung cấp miễn phí do chị phụ trách - Ảnh: Nguyễn Hoàng

Mơ tương lai

Sinh năm 1980 nhưng trông chị T. già hơn so với tuổi. Dáng người to, thô, miệng luôn phì phèo thuốc lá, thế mà tiếng nói lại êm, nhẹ và tính tình cực kỳ thẳng thắn khiến T. dễ làm người ta tin và quý. Công việc của chị hiện giờ là hằng ngày tiếp xúc với 40 khách hàng, cung cấp cho họ bao cao su miễn phí, chăm sóc ba điểm cấp bao cao su, bơm tiêm sạch để giảm lây nhiễm HIV.

Chị Phạm Nguyễn Anh Thư, cán bộ Trung tâm Phòng chống AIDS Cần Thơ, kể chị gặp T. lần đầu đã hơn 10 năm, khi đó T. làm gái mại dâm đứng đường ở khu Hàng Dương - Bãi Cát, địa điểm “nổi tiếng” ở Cần Thơ khi nam giới đến đó rất khó... toàn vẹn để mà về.

Khi ấy T. đã nghiện nhưng chưa biết mình nhiễm HIV. Cai nghiện, rồi lại tái nghiện, vào trại, rồi ra trại, đến tận lần ở trại thứ tư, chỉ sáu ngày nữa được về thì mẹ mất, T. mới thật sự ân hận và quyết tâm đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Trở về, T. tìm đến chị Thư, một người mà T. tin tưởng. “Gặp lại, tôi đã khuyên T. làm một nghề gì đó lương thiện, rồi đi xét nghiệm HIV, kết quả dương tính. Vậy mà thật lạ, năm 2005 T. lấy chồng rồi sinh một bé gái. T. cai nghiện được đến nay cũng là nhờ chồng nhiều. May mắn hơn nữa là cả chồng và con T. đều không bị nhiễm HIV” - chị Anh Thư chia sẻ.

Con gái T. rất xinh và ngoan, giờ đang học lớp 2. Chồng T. làm nhân viên tiếp cận cộng đồng bán thời gian, nghề chính của anh là vá xe bên vỉa hè. Ngày đắt khách được trên 100.000 đồng, ế thì vài chục ngàn. Nhưng nhà nghèo, tiền vào vách trước lại ra vách sau, hết mẹ chồng ốm đến bố đẻ ốm, chỉ riêng việc chăm nom cũng đủ làm hai vợ chồng mệt nhoài. Thế nhưng nói về bệnh tật T. lại toét miệng cười: “Tôi đi uống thuốc kháng virút ARV thấy trong người khỏe và dễ chịu. Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để đi làm nuôi con, mong sao cháu nên người”.

Người phụ nữ ở đường Xóm Lưới

Lúc trong trại, T. ở cùng phòng với N.T.C.P., một phụ nữ hiện sinh sống ở đường Xóm Lưới (quận Bình Thủy, Cần Thơ). Không được may như T., chồng P. đang ở tù với cái án 3 năm 9 tháng, còn con trai chị cũng dương tính với HIV. Và không may hơn nữa, P. chưa cai được ma túy.

Thế nhưng anh Quốc Thông, cán bộ Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, người biết P. gần 10 năm nay, vẫn bày tỏ sự khâm phục: “Chị P. nghị lực lắm, trước đây mỗi ngày chị phải mất 400.000 đồng mua ma túy, nay chị ấy đã tự kiềm chế và chỉ tốn có 50.000 đồng/ngày, hiện đang cố để từ bỏ hẳn. Con chị tội nghiệp lắm, nhiễm HIV nên sức đề kháng của cháu không bình thường, cháu rất hay bị ốm”.

Mới đây con trai P. bị lao hạch, chứng bệnh lây từ mẹ, P. nghe ai đó nói muốn chữa bệnh phải lên TP.HCM và tốn 5 triệu đồng. “Không có tiền, tôi lấy dao lam chích cho cháu, tôi nói con ráng chịu, đau quá thì cắn vào tay mẹ, cháu ngoan lắm, cũng ráng và không cắn. Sau đó tôi mua kháng sinh cho cháu uống, cháu còn nhỏ nên mua liều 1/2 người lớn...” - P. kể, cả đoàn đến thăm ai cũng la: “Sao P. liều vậy, lỡ con làm sao”. Ngày trước ở cùng phòng, nhiều lần T. lấy bông tự nặn hạch cho P., đau đến mức P. cảm thấy như mình bị mổ không có thuốc tê. Giờ P. lại nặn hạch ấy cho con trai mình.

Lúc chia tay, anh Thông nói sẽ nhanh chóng làm hồ sơ cho P. đi uống methadone, một biện pháp cai nghiện ma túy bằng biện pháp thay thế với ba cơ sở điều trị đã mở ở Cần Thơ. Gần 10 năm ra trại, nếu không thật sự quyết tâm và cố gắng, cái vòng ma túy sẽ còn kéo dài mãi. Nhưng may mắn hình như cũng đang đến với P....

Theo thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2012 đã có 11.500 người nghiện ở 20 tỉnh thành được điều trị cai nghiện bằng phương pháp thay thế ma túy methadone. Tại một số địa phương, tỉ lệ người nghiện ngừng sử dụng ma túy sau điều trị methadone là 70-80%, tỉ lệ có việc làm sau điều trị tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm (Cục Phòng chống HIV/AIDS), hiện Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị định hướng dẫn thành lập cơ sở điều trị bằng phương pháp thay thế. Theo đó, các huyện có từ 250 người nghiện trở lên phải thành lập một cơ sở methadone. Tùy vào chủ động của các địa phương, số lượng người nghiện được điều trị sẽ tăng trong thời gian tới, mục tiêu đến năm 2015 là 80.000 người nghiện được điều trị.

Theo ước tính của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện chi phí đầy đủ cho điều trị bằng methadone khoảng 30.000 đồng/người/ngày, tính cả các chi phí cho thuốc, nhân viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiêu hao. Hiện chi phí điều trị methadone đều là tài trợ của các tổ chức quốc tế, nhưng tương lai thì các địa phương tính đến phương án thu một phần hoặc thu đủ chi phí điều trị. TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên đã phê duyệt đề án xã hội hóa điều trị bằng methadone.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo LAN ANH (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN