Bất ngờ với những nghề nghiệp có nguy cơ tự tử cao

Sự kiện: Giáo dục

Một nghiên cứu về tỷ lệ tự tử theo nghề nghiệp ở Anh cho thấy nam giới làm việc trong ngành xây dựng và nữ giới làm việc trong ngành văn hoá, thể thao và truyền thông dẫn đầu danh sách.

Bất ngờ với những nghề nghiệp có nguy cơ tự tử cao - 1

Các nam công nhân xây dựng có nguy cơ tự tử cao nhất trong các nhóm nghề nghiệp.

Nghiên cứu được tiến hành bởi Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE), dựa trên số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), xem xét 18.998 trường hợp tử vong do tự tử ở Anh thuộc độ tuổi từ 20 đến 64 trong khoảng thời gian 2011 - 2015. Trong số này có 13.232 hồ sơ ghi lại đầy đủ thông tin về nghề nghiệp của họ.

Theo đó, các nam công nhân xây dựng có nguy cơ tự tử cao nhất, gấp 3,7 lần mức trung bình của cả nước.

Các công việc khác, bao gồm thợ trát vữa, thợ sơn và trang trí, có nguy cơ cao gấp 2 lần và nguy cơ ở nhóm công nhân trình độ thấp trong các nhà máy chế biến lớn hơn 2,6 lần. Những nam giới làm việc trong ngành nông nghiệp cũng có tỷ lệ tự tử không hề thấp, gấp 1,5 lần so với mức so với những người lao động có tay nghề.

Đối với phụ nữ, nguy cơ cao nhất ở những người làm việc trong các ngành văn hoá, truyền thông và thể thao, hơn 0,69 lần so với mức trung bình của cả nước và hơn 0,2 lần so với nam giới cùng ngành. Tỷ lệ này ở các nữ nhân viên y tế cũng cao hơn 0,25 lần so với mức trung bình quốc gia (chủ yếu là y tá) và hơn 0,42 lần với nhóm giáo viên tiểu học và mẫu giáo.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những người giữ vai trò như các nhà quản lý, giám đốc và các quan chức cấp cao - nhóm nghề nghiệp được trả lương cao – nguy cơ tự tử là thấp nhất.

Hành vi tự sát phổ biến ở nam giới hơn là ở nữ. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho nam giới dưới 50 tuổi và khoảng 4/5 trường hợp (tương đương 10.688 người) trong nghiên cứu này là nam giới.

Giám đốc điều hành của PHE, Duncan Selbie, cho biết: “Những người tử vong do tự tử thường không được tiếp xúc với các dịch vụ y tế và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng áp lực trong im lặng.”

“Chúng ta dành 1/3 cuộc đời tại nơi làm việc, vì vậy những nghiên cứu như thế này là rất cần thiết. Các nhà tuyển dụng, dù lớn hay nhỏ, nhà nước hay tư nhân  phải tạo ra một tiêu chuẩn văn hoá nghề nghiệp, nơi mà người lao động cảm thấy đủ an toàn và nhận được sự hỗ trợ cần thiết”, Duncan Selbie nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Anh (Theo The Guardian) ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN