Học để có nghề sẽ thay thế học để có bằng

Đủ điểm đỗ vào ĐH nhưng lựa chọn học trường nghề, thậm chí tốt nghiệp thạc sĩ cũng quay lại học nghề. Theo nhận định chung của các chuyên gia thì người dân bắt đầu thay đổi nhận thức từ học có bằng cấp sang học có nghề.

Học để có nghề sẽ thay thế học để có bằng - 1

Giờ thực hành của sinh viên trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội.

25 điểm vẫn chọn trường nghề

Sáng qua, 9/3, trường Cao đẳng (CĐ) nghề Cơ điện Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đào tạo và  hợp tác doanh nghiệp năm 2017. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệu trưởng của 50 trường THPT đến từ Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc từ Quảng Bình trở ra.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường CĐ nghề Cơ điện cho biết năm 2016, trường tuyển 1.150 sinh viên CĐ, đạt 80%. Ông Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng đầu vào năm 2016 của trường. Theo ông, có đến  trên 30%  số sinh viên nhập học vào trường đủ điểm đỗ vào trường ĐH, thậm chí vào ĐH lớn.

“Năm 2016, tôi còn nhớ, có một sinh viên là học sinh của trường THPT Phương Sơn, Bắc Giang đạt 25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia nhập học. Em đủ điểm đỗ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội và đã nhập học tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Nhưng sau đó, em đã chuyển sang học tại trường” - ông Ngọc cho hay.

Cũng theo ông Ngọc, năm 2016, trường đón hai sinh viên là anh em sinh đôi Lê Tấn Tài và Lê Tấn Bửu ở Đà Nẵng. Cả hai sinh viên này thi THPT quốc gia đạt 23 điểm nhưng đã ra học tập tại trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội. Hiện tại,  cả hai em được công ty Denso Việt Nam tuyển chọn để tham gia thi tay nghề thế giới trong thời gian sắp tới. Ông Ngọc còn cho biết, trong số sinh viên nhập học năm 2016, có người đã tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ cũng quay lại học nghề.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Sang, Phó hiệu trưởng thường trực trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội cũng cho biết,  hai năm gần đây, có nhiều thí sinh trên điểm sàn của Bộ GD&ĐT vào học tại trường. “Chúng tôi cảm nhận được rằng xu thế đi học để có nghề đang thay dần xu thế học để có bằng. Tôi nghĩ thời gian tới, xu hướng chung sẽ là như thế” - ông Sang khẳng định.

Hiệu trưởng cam kết 100% sinh viên có việc làm

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết nhân lực là vấn đề cốt lõi của các quốc gia trên thế giới. Năng suất lao động thấp, trình độ lạc hậu là vấn đề lớn nhất của mỗi nước. Trên thế giới, chỉ số thất nghiệp luôn là thông tin được quan tâm hàng đầu. “Ở Việt Nam, chúng ta mới tiếp cận được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 thì đã phải chuẩn bị đón cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là vấn đề lớn. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều nước 7, 8 lần, thậm chí 15 lần” – bà Hằng cho hay.  Chính vì vậy, bà Hằng cho rằng, nếu gắn kết được với các doanh nghiệp (đầu ra) và các trường phổ thông (đầu vào)  thì  các trường sẽ phát triển.

Theo bà Hằng vấn đề ngoại ngữ, tin học phải được chú trọng trong các trường nghề. “Kỹ năng mềm cũng phải được đưa lên. Bởi chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề này,  chỉ dạy kỹ thuật. Tôi mong các trường giúp cho học sinh phương pháp tự học, tự rèn kỹ năng mềm” – bà Hằng nói.

“Ở Việt Nam, chúng ta mới tiếp cận được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 thì đã phải chuẩn bị đón cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là vấn đề lớn. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều nước 7, 8 lần, thậm chí 15 lần”. 
Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Mặt khác, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp. Do vậy, các trường phải xác định không chỉ đào tạo nhân lực ra để đi làm thuê mà còn phải làm chủ. Do đó, phải bổ sung chương trình đào tạo khởi nghiệp. “Tôi đã gặp rất nhiều gương khởi nghiệp đáng khâm phục. Có bạn trẻ học xây dựng nhưng ra làm chủ cơ sở sản xuất bánh đa tại miền Trung, đồng thời tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Vấn đề khởi nghiệp là vấn đề toàn cầu, chúng ta đi sau nên cần đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Có thể đưa ra mục tiêu phải có  15% hay 20% sinh viên học nghề ra khởi nghiệp” - bà Hằng nhấn mạnh.

Còn về phía trường, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết các trường CĐ hiện đang làm tốt công tác gắn kết với doanh nghiệp. Riêng với CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, kỹ thuật cầu đường. Sinh viên vừa được đào tạo tại trường, vừa được đào tạo thực tế tại doanh nghiệp. Do đó, họ ra trường làm luôn tại doanh nghiệp vì đã có thời gian làm quen với môi trường nơi đây.

Ông Đồng Văn Ngọc cũng cho hay, trường cam kết 100% sinh  viên có việc làm sau khi ra trường. “Hiệu trưởng là người  ký cam kết  trực tiếp với sinh viên, nếu không lo được việc làm cho sinh viên thì hiệu trưởng hoàn lại tiền học cho sinh viên” - ông Ngọc cho hay. 

Nhưng đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch IIG Việt Nam cho biết mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà trường trên thế giới được quan tâm lớn.

“Nhìn dưới hai góc độ, nhà giáo dục và chủ doanh nghiệp, tôi nhận thấy: Về phía nhà trường, phải nghiên cứu được  yêu cầu của đối tượng mình sẽ phục vụ. Tức là sinh viên của mình ra trường, ai là đơn vị sử dụng lao động. Sau khi xác định xong thì xem họ yêu cầu gì để đáp ứng. Còn về phía doanh nghiệp, cứ nói mấy trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nhưng như doanh nghiệp của tôi luôn luôn tuyển mà chưa bao giờ đủ. Người đến ứng tuyển nhiều nhưng người đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cần lại rất ít. Nhiều lúc chúng tôi phải đi thuê các cơ quan tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển được người như ý” - ông Nam khẳng định.

Vì vậy,  ông cho rằng doanh nghiệp, muốn có nhân lực như ý thì phải cố gắng gắn bó tiếp cận, hỗ trợ nhà trường về định hướng. Đồng thời hỗ trợ về tài chính. Nếu không hỗ trợ được tài chính thì có thể đưa ra được cam kết về việc làm để các trường, phụ huynh biết được điều đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN