Thay thế điểm sàn: "Phương án 5 phù hợp nhất"

Trong 5 phương án có thể thay thế điểm sàn vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, phương án 5 được đánh giá là ưu việt vì ổn định, có tính kế thừa...

Theo quy định về phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong các điểm mới của kỳ thi tuyển sinh năm nay là khái niệm “điểm sàn” được thay bằng khái niệm “tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào” để các trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển.

Cần duy trì chuẩn mực đầu vào

Nguyên nhân cơ bản khiến khái niệm điểm sàn phải kết thúc vai trò lịch sử của mình, theo chúng tôi, đó là vì nhiều năm liên tiếp gần đây, số lượng các trường ĐH, CĐ tuyển không đủ chỉ tiêu ngày càng tăng, nhất là các trường ngoài công lập.

Năm 2013, trong số 353 trường ĐH, CĐ tuyển sinh thì có đến hơn 1/3 tổng số trường (98 trường) có tỉ lệ nhập học dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó ở bậc ĐH có 25 trường (tất cả đều là trường ngoài công lập) và ở bậc CĐ có 73 trường (58 trường công lập và 15 trường ngoài công lập). Có vẻ như là những cơ sở để xác định mức điểm sàn không phù hợp nên thực tế diễn ra không đúng như mong muốn.

Tỉ lệ nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của ĐH ngoài công lập chỉ đạt 73%, CĐ ngoài công lập 57%, năm 2013 còn thấp hơn nữa khi ĐH ngoài công lập đạt 72,51%, CĐ ngoài công lập chỉ đạt 36,37%. Trong khi tỉ lệ này ở các trường công lập năm 2012 đạt 91% (ĐH)và 79% (CĐ), năm 2013 đạt 98,26% (ĐH) và  64,96% (CĐ).

Thay thế điểm sàn: "Phương án 5 phù hợp nhất" - 1

Giáo viên chấm thi ĐH, CĐ năm 2013 tại Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Tấn Thạnh

Để xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo 5 phương án để lấy ý kiến rộng rãi của các trường ĐH, CĐ và của dư luận xã hội. Các phương án này đều đặt trên các yêu cầu chung là bảo đảm chất lượng đầu vào nhưng vừa phải bảo đảm được nguồn tuyển cho các trường ĐH, CĐ, đồng thời bảo đảm được cân đối trong phân luồng học sinh sau THPT vào các loại hình đào tạo khác nhau.

Dù có một số ý kiến trước đây đề nghị xóa bỏ điểm sàn nhưng tại cuộc họp lấy ý kiến của các trường ĐH, CĐ phía Nam hôm 24-3 vừa qua, quan điểm khá thống nhất là cần phải duy trì một chuẩn mực đầu vào nào đó và đồng ý với các yêu cầu do bộ đặt ra khi xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào. Trong 5 phương án dự thảo do bộ xây dựng, đã có nhiều ý kiến thiên về  phương án 5 trên cơ sở đánh giá phương án này kế thừa những ưu điểm của phương án điểm sàn những năm trước, ngoài việc đạt các yêu cầu đã nêu trên còn giữ được tính ổn định hơn so với các phương án khác.

Có lợi cho trường điểm trúng tuyển thấp

Theo phương án 5, tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào được tính theo ngưỡng chính thức và ngưỡng dự bị bằng phương pháp chia phổ điểm 3 môn thành 4 mức (25%, 50%, 65% và 80% thí sinh dự thi), các trường tùy theo khả năng tuyển sinh ưu tiên gọi thí sinh trúng tuyển theo các ngưỡng khác nhau. Trong đợt xét tuyển thứ nhất, tất cả các trường ĐH tùy theo khả năng tuyển sinh của trường sẽ ưu tiên gọi thí sinh trúng tuyển trong nhóm đạt mức 25% hoặc 50%. Kể từ đợt xét tuyển thứ hai, những trường ĐH nào tuyển chưa đủ chỉ tiêu có thể xét tuyển thí sinh đến nhóm 65%. Các trường CĐ được phép xét tuyển ngay từ đầu đến nhóm 80%.

Phương án này được đánh giá là ổn định, mang tính chất kế thừa vì thực chất điểm sàn trong năm 2013 đã cho phép xét đến mức 50%. (Theo thống kê của Cục Khảo thí, năm 2013 có 1.298.522 thí sinh dự thi ĐH. Với mức điểm sàn của từng khối thi đã xác định, có 562.499 thí sinh đạt điểm sàn để tham gia xét tuyển 323.681 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH. Như vậy, số thí sinh trên điểm sàn đủ điều kiện tham gia xét tuyển cũng chỉ đạt 43,31% tổng số thí sinh dự thi). Hơn nữa, trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới, có nhiều trường sẽ xét tuyển một phần chỉ tiêu dựa trên kết quả THPT, như vậy tình trạng thiếu hụt chỉ tiêu sẽ được giảm phần nào áp lực, nhất là ở những trường ngoài công lập.

Tóm lại, bài toán xác định điểm sàn trước đây hay xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào trong năm 2014 này chỉ tác động trực tiếp đến các trường có điểm trúng tuyển thấp vì thực tế những năm vừa qua cho thấy ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên đã có đến khoảng 70% tổng chỉ tiêu của cả nước đã trao cho thí sinh, trong đó có nhiều trường, nhiều ngành tốp trên đã dùng hết 100% chỉ tiêu mà không phải gọi xét tuyển bổ sung.

Tìm cách giảm tỉ lệ ảo

Những vấn đề kỹ thuật tiếp theo cho phương án 5 là vẫn phải tính dự phòng tỉ lệ ảo. Với những trường có ngành đặc thù “hấp dẫn” như y, dược, kiến trúc..., tỉ lệ nhập học đợt 1 có thể đạt gần như 100% số thí sinh được gọi trúng tuyển, trong khi với những ngành, những trường thuộc tốp trung bình thì tỉ lệ nhập học đợt 1 chỉ dao động quanh khoảng 70%-80%; tỉ lệ nhập học ở đợt 2 (nguyện vọng 2) còn thấp hơn nhiều do độ ảo tăng cao, thường chỉ đạt khoảng 50% số gọi trúng tuyển.

Bên cạnh đó, văn bản 1260 cũng quy định đối với các trường tuyển sinh theo kỳ thi chung, điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Như vậy, việc tháo gỡ quy định này khi mở rộng mức xét tuyển từ 50% lên 65% tổng thí sinh dự thi có thể buộc nhiều trường ĐH phải tính đến việc kiến nghị hạ điểm chuẩn chăng?

TS Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo (Theo Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN