Tìm hiểu thế hệ chip xử lý Intel Ivy Bridge

Thế hệ vi xử lý mới của Intel trong năm 2012 đã chính thức trình làng với tên mã Ivy Bridge, hứa hẹn sẽ tác động to lớn vào các dòng máy tính trong thời gian sắp tới.

Thế hệ chip này được xây dựng dựa trên nhiều nét tiến bộ của thế hệ xử lý trước đó – Sandy Brigde, nhưng cũng có nhiều nét mới đáng chú ý. Dưới đây là những điểm người dùng nên biết trước khi "tậu" một sản phẩm dùng chip Ivy Bridge.

Tìm hiểu thế hệ chip xử lý Intel Ivy Bridge - 1

1. Quy trình sản xuất "tick" mới nhất của Intel

Ivy Bridge đánh dấu một giai đoạn mới nhất trong tiến trình "tick-tock" liên tục chu kỳ phát triển của Intel: cứ hai thế hệ sản phẩm sẽ có chung một kiến trúc. Ivy Bridge thuộc chu kì “tick”, điều này đồng nghĩa với việc thế hệ vi xử lý này đại diện cho một quy trình sản xuất mới, từ 32mn xuống còn 22mn.

2. Mở rộng thêm tính năng từ dòng Sandy Bridge

Là dòng sản phẩm mở rộng từ Sandy Bridge nên Ivy Bridge không chỉ có những đặc tính mới mà còn mang đầy đủ các tính năng của phiên bản tiền nhiệm. Người dùng sẽ được thừa hưởng toàn bộ những tính năng này, có thể kể đến một số tính năng đáng chú ý như khả năng đáp ứng thông minh giúp dễ dàng ghi dữ liệu bộ nhớ đệm vào một ổ đĩa cứng; đồng bộ hóa - chuyển mã video nhanh hơn hay hỗ trợ Turbo Boost 2.0 cho phép tăng tốc độ xử lý.

3. CPU có kích cỡ mới

Ivy Bridge áp dụng công nghệ bán dẫn Tri-Gate mới của Intel, thay thế thiết kế hai chiều phẳng truyền thống. Việc tăng thêm chiều thứ 3 trong các bóng bán dẫn cho phép Intel tăng mật độ bóng bán dẫn trên mỗi milimet vuông (mm2) của bộ vi xử lý mới . Điều này giúp giảm rò rỉ hiệu suất, từ đó cho phép chip sử dụng ít điện năng hơn và duy trì hiệu suất tốt hơn.

Tìm hiểu thế hệ chip xử lý Intel Ivy Bridge - 2

Ivy Bridge tích hợp với card đồ họa Intel HD Graphics 2500 và 4000

4. Quản lý điện năng sử dụng và tuổi thọ pin tốt hơn

Một trong những lợi ích của quá trình sản xuất mới này là nó mang đến cho CPU khả năng cung cấp hiệu suất tốt hơn trong khi đòi hỏi ít điện năng hơn. Theo thử nghiệm, một máy tính để bàn dùng chip Ivy Bridge Core i7-3770K, khi tất cả bốn lõi của nó hoạt động ở mức cao nhất cũng chỉ tiêu tốn khoảng hơn 30 watts, tức là tốn ít điện năng hơn hẳn so với phiên bản tiền nhiệm Core i7-2700K.

5. Cải tiến đồ họa

Sandy Bridge chip đã đưa hệ thống video tích hợp trực tiếp vào bộ xử lý, nhưng nó cũng có một số hạn chế (làm chậm tốc độ và mới hỗ trợ DirectX 10.1). Ivy Bridge đã cải thiện điều này khi tích hợp với card đồ họa Intel HD Graphics 2500 và 4000 – được nâng cấp đáng kể so với đồ họa HD Graphics 2000 and 3000 trên Sandy Bridge đồng thời hỗ trợ DirectX 11. Đây thực sự là một bước tiến lớn đối với Intel.

6. Ép xung tốt hơn

Tìm hiểu thế hệ chip xử lý Intel Ivy Bridge - 3

Core i7-3770K là model chip cao cấp nhất với 4 lõi đã có mặt trên thị trường

Hỗ trợ phiên bản 1.3 của Intel Extreme Memory Profile, thay đổi tỉ lệ lõi thời gian thực và cải thiện xử lý, đồ họa và chức năng bộ nhớ, Ivy Bridge cung cấp các tùy chọn tinh chỉnh hiệu suất hệ thống hơn hẳn so với Sandy Bridge hay Sandy Bridge Extreme CPUs. Thử nghiệm cho thấy, việc ép xung đẩy Core i7-3770K từ 3.5GHz đến 4.6GHz, cùng với đó sử dụng một quạt tản nhiệt hoặc miếng tản nhiệt vẫn đảm bảo máy hoạt động trơn tru mượt mà, làm mát tích cực hơn và không gặp bất kể sự cố nào.

7. Tương thích với Sandy Bridge

Ivy Bridge cũng sử dụng socket LGA1155, do đó người dùng có thể đặt con chip này vào một bo mạch chủ Sandy Bridge và chỉ cần cập nhật firmware, BIOS và các trình điều khiển video. Có bốn bo mạch chủ sử dụng chipset Series 6 hỗ trợ Ivy Bridge (bao gồm H61, H67, P67, và Z68) và nếu máy tính của bạn đã sử dụng một trong số chipset này, việc nâng cấp chip là hoàn toàn khả thi.

8. Tập trung vào trung và cao cấp

Ivy Bridge ban đầu vốn dành cho các dòng sản phẩm tầm trung và cao cấp. Intel đã phát hành 14 model Core i5 hay Core i7, trong đó mẫu chip cao cấp nhất trang bị 4 lõi 8 luồng (không giống các chip Sandy Bridge "siêu" cao cấp như Core i7-3930K và Core i7 -3960X Extreme Edition, mỗi dòng đều có 6 lõi và 12 luồng).

Chỉ có duy nhất một ngoại lệ trong dòng chip mới, đó là model Core i7-3920XM cho laptop (thuộc dòng Extreme Edition), trong đó cung cấp 4 lõi, 8 luồng, 8MB bộ nhớ cache, và xung nhịp 2.9 GHz (Turbo Boost lên đến 3.6 - 3.8GHz-GHz).

Tìm hiểu thế hệ chip xử lý Intel Ivy Bridge - 4

HP TouchSmart 520xt dùng chip Ivy Bridge

9. Hướng đến dòng ultrabook

Intel đang nỗ lực để có thể ứng dụng Ivy Bridge CPUs cho các dòng ultrabook nhưng có thể sẽ chưa thể có sản phẩm ngay trong vòng một vài tháng tới. Ngoài ra, con chip này sẽ phải cải tiến để yêu cầu điện áp thấp hơn nữa, đặc biệt ở các mẫu chip lõi kép.

10. Ivy Bridge đã có mặt trên thị trường

Chip xử lý như Core i7-3770K hiện đã có mặt trên thị trường. Hầu hết các hệ thống máy tính sử dụng chip mới đều đã có bán tại các nhà sản xuất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN