Thông điệp Facebook: Ảo, thật lẫn lộn

Những thông điệp được chia sẻ chóng mặt trên Facebook, nhưng nội dung xác thực đến đâu phụ thuộc vào óc phán đoán và sự tỉnh táo của các Facebooker.

A dua theo vấn đề nóng

Trước nay, chúng ta không còn xa lạ gì với xu hướng chung của người dùng Internet, đó là thường lợi dụng những vấn đề sốt dẻo để thu hút người xem. Trên Facebook cũng vậy, với mục đích là câu Like, Comment và Share, câu chuyện nhập ngược mã PIN khi bị kẻ cướp giam trong buồng máy ATM đã một thời "làm mưa làm gió". Điều đáng nói là thông tin trên rất vô lí, nhưng lại được đông đảo người dùng Facebook tin ngay trong lần đầu nhìn thấy, bằng chứng là mỗi thông điệp như vậy thường có hàng trăm, hàng ngàn lượt thích và chia sẻ.

Thông điệp Facebook: Ảo, thật lẫn lộn - 1

Thông điệp thất thiệt về việc nhập ngược mã PIN khi bị cướp.

Ngoài ra, cũng có những câu chuyện được tường thuật y như thật: bị dính kim tiêm khi ngồi xuống ghế trong rạp chiếu phim, đỉa trong áo quần, bánh snack,… cũng không khó thu hút sự chú ý và làm “mờ mắt” cộng đồng mạng. Qua xác thực, tất cả những thông tin kể trên đều là bịa đặt. Cụ thể, các Fanpage đã a dua theo tin tức trên báo chí, như cướp giật xảy ra liên hoàn tại các máy ATM, khống chế nạn nhân bằng kim tiêm để cướp tài sản, đỉa do Trung Quốc tuồn vào Việt Nam từ các sản phẩm đời thường… Tuy nhiên, không phải tin tức nào cũng có nội dung khẳng định, riêng tin về sự xuất hiện của đỉa chỉ được báo chí đưa lại dưới dạng thông tin thất thiệt, nhưng có những người sẵn sàng bám vào đó phục vụ lợi ích riêng trên Facebook.

Trong ảo cũng có thật

Không phải mọi status tuyên truyền cho một vấn đề nào đó trên Facebook đều bị liệt vào danh sách thất thiệt, có những nội dung rất thực tế mang thông tin hay, đáng để học hỏi. Chẳng hạn như status liên quan đến luật giao thông đường bộ sau khi Chính phủ liên tục có những thay đổi về xử phạt hành chính đối với người đi xe máy. Theo đó, status đã lập luận rất chặt chẽ dựa trên những điều khoản trong nghị định 71 để chỉ dẫn mọi người cách đối mặt, nói chuyện lí lẽ với cảnh sát giao thông khi bị tuýt còi mà không có lý do rõ ràng.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới các bài viết chia sẻ từ những Fanpage của cộng đồng vì sức khỏe, các câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Đây chính là nơi cung cấp nhiều thông tin bổ ích, là hành trang cần thiết cho mỗi người trong cuộc sống. Chẳng hạn, status “Tại sao nhiều người làm cha mẹ chỉ biết thỏa mãn sở thích hút thuốc của bản thân, để rồi chết đau đớn vì ung thư và nhiều bệnh tật liên quan đến thuốc lá? Không hiểu họ nghĩ sao khi những người thân, những đứa con vô tội của mình phải chịu cảnh bơ vơ?” của Fanpage. Tôi ghét thuốc lá đã đi vào trái tim của nhiều bậc cha mẹ, những người bị lệ thuộc vào khói thuốc lá, khiến họ biết suy nghĩ hơn về việc mình đang làm mỗi ngày.

Thông điệp Facebook: Ảo, thật lẫn lộn - 2

Một Fanpage có nội dung sạch sẽ, tuyên truyền không hút thuốc lá.

Lời kết

Trên Facebook có nhiều Fanpage được lập ra chỉ nhằm thu hút fan (tính bằng số lượt Like), rồi từ đó sẽ tận dụng cho nhiều mục đích có lợi nhuận, như đăng quảng cáo,… Vì vậy, các Facebooker hãy thật tỉnh táo, hạn chế tiếp tay cho những thông điệp nhảm nhí, thất thiệt vì sự trong sạch của môi trường Internet.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN