Vụ bé trai 10 tuổi bị bạo hành ở HN: "Đừng hỏi về việc cháu bị bố đánh nữa"

Hiện tại cháu T.G.K, 10 tuổi ở Hà Nội có sức khỏe tạm ổn, nhanh nhẹn nhưng vẫn sợ gặp bố và mẹ kế.

Vụ bé trai 10 tuổi bị bạo hành ở HN: "Đừng hỏi về việc cháu bị bố đánh nữa" - 1

Cháu T.G.K. thời điểm 2 năm trước (bên trái) và hiện tại (bên phải).

Như tin đã đưa, chị Ngân (SN 1983, ở Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, mẹ đẻ cháu bé bị bạo hành T.G.K) cho biết, chị kết hôn với Trần Hoài Nam và sinh được 2 người con là K và một bé gái.

Tuy nhiên, do hôn nhân không hạnh phúc nên hai người ly hôn, K ở với bố, còn em gái ở với mẹ. Nam sau đó kết hôn với phụ nữ tên Trinh và K sống chung với bố và mẹ kế.

Ngày 5/12, do bị bạo hành, K rời khỏi nhà bố đẻ đang thuê trọ ở quận Cầu Giấy tìm về nhà ông nội ở đường Hoàng Hoa Thám.

Biết tin con bị bạo hành, cơ thể chằng chịt vết thương, chị Ngân đã trình báo công an và đưa con đi khám sức khỏe. Cháu bé cho biết, vết sẹo trên mặt là do bị mẹ kế đánh, ngoài ra cháu bị bố đánh đập nhiều lần.

Tại cơ quan điều tra, hai người khai nhận lý do đánh cháu K là do cháu quá nghịch.

Trao đổi với PV chiều 8/12, bà Nguyễn Thuận Hải, Phụ trách Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 (mới khai trương từ ngày 6/12) cho biết, Phòng Lao động quận Cầu Giấy đã xuống hỏi thăm cháu K. Khi được hỏi chuyện cháu vẫn trả lời các câu hỏi của cán bộ bình thường.

“Hiện tại, điều cháu K. mong muốn nhất là mọi người không hỏi thêm thông tin về việc cháu bị bố đánh nữa. Cháu muốn đi học và cuộc sống trở lại bình thường. Cháu K. mong muốn được sống với mẹ”, bà Hải cho hay.

Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 đã liên hệ với cán bộ trẻ em phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội và được biết, cán bộ phường đã xuống thăm cháu. Sức khỏe cháu K tạm ổn, nhanh nhẹn nhưng về mặt tâm lý, cháu vẫn sợ gặp bố và mẹ kế. Khi cán bộ đến nhà thì không gặp mẹ cháu K., cháu đang được bà ngoại đang chăm sóc. Từ khi xảy ra sự việc, ông bà nội vẫn đến thăm cháu.

Hiện tại cháu K. đang chờ phía công an đưa đi giám định mức độ tổn thương. Cháu sẽ được điều trị đến khi ổn định sức khỏe thì sẽ đi học trở lại.

“Gia đình cũng sẽ theo dõi tâm lý của cháu, nếu có bất thường thì sẽ gọi lại Tổng đài đề nghị hỗ trợ cho cháu đi kiểm tra, đánh giá tâm lý”, bà Hải cho biết.

Ngày 6/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức khai trương Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em - 111.

Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại.

Bộ phận tiếp nhận sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin, kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em và gia đình...

Bé trai bị đánh rạn xương sườn: Rùng mình nghe lời kể về bố và mẹ kế

Cháu bé 10 tuổi kể bị mẹ kế dùng muỗng múc canh đánh vào mặt, còn bố đánh vào người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bé trai 10 tuổi bị bố đánh đập dã man Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN