Vụ bắt một loạt giám đốc trung tâm đăng kiểm: Đưa, nhận hối lộ đối diện hình phạt nào?

Người đưa hối lộ và nhận hối lộ đều phải đối mặt với khung hình phạt nặng.

Ông Đặng Việt Hà tại trụ sở công an.

Ông Đặng Việt Hà tại trụ sở công an.

Thời gian vừa qua, Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đã triệt phá nhiều vụ án có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Số bị can bị khởi tố về các tội danh liên quan là rất lớn, đa phần các bị can là người có chức vụ, quyền hạn trong nhiều ngành, nghề.

Gần đây nhất, ngày 11/1, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về tội "Nhận hối lộ".

Kết quả điều tra đến nay, lực lượng Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố và ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của hơn 80 bị can về các tội Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Trong đó gồm có nhiều bị can là Giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm và các đối tượng môi giới; 3 bị can là cán bộ thuộc Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng Kiểm bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ".

Từ vụ án trên, nhiều độc giả đưa ra thắc mắc về việc pháp luật hiện hành quy định Đưa hối lộ và Nhận hối lộ là như thế nào? Khung hình phạt cao nhất cho tội danh này ra sao?

Trả lời câu hỏi này, Thạc sĩ - Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho biết, Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định rõ, Nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Thạc sĩ - Luật sư Hoàng Trọng Giáp.

Thạc sĩ - Luật sư Hoàng Trọng Giáp.

Theo luật sư Giáp, đối với tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự, mức hình phạt rất nghiêm khắc, khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 2 – 7 năm đối với trường hợp vi phạm nhận tiền từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu nhưng đã từng bị xử lý kỷ luật về hành vi này. Ngoài ra, nếu người nhận hối lộ là lợi ích phi vật chất thì cũng sẽ bị xử lý ở khung hình phạt này.

“Hình phạt cao nhất cho tội danh này là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự) khi hành vi hối lộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư Giáp cho hay.

Luật sư Giáp cũng thông tin, Bộ luật hình sự quy định tại Điều 28 không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội nhận hối lộ được quy định ở khoản 3, khoản 4 Điều 354. Như vậy đồng nghĩa với việc hành vi nhận hối lộ được phát giác ở bất kỳ thời điểm nào cũng bị xử lý mà không bị hạn chế bởi thời gian.

Về tội Đưa hối lộ, luật sư Giáp cho biết Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định rõ “Đưa hối lộ” là hành vi trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Khung hình phạt thấp nhất của tội “Đưa hối lộ” là phạt tiền từ 20 – 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người bị xử lý theo khung hình phạt này khi có hành vi đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 – 100 triệu đồng hoặc lợi ích phi vật chất khác.

Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 – 20 năm khi người đưa của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên.

“Điều 364 cũng quy định về việc trả lại tiền, tài sản dùng để đưa hối lộ. Cụ thể, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”, luật sư Giáp nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm: Đã bắt được ”cá lớn”

Quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, công an đã khởi tố, bắt tạm giam cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nhật ([Tên nguồn])
Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN