Vọng phu xứ vàng

Ở nơi từng là thánh địa vàng, xứ sở riêng những cai vàng, chủ bãi khét tiếng, có những đứa trẻ ra đời, lớn lên không biết mặt cha và những người phụ nữ đơn thân mơ một ngày đoàn viên ấm lòng con trẻ.

Những đứa bé sinh ra ở bìa rừng

Xã Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam) nằm giữa bát ngát núi rừng, được mệnh danh xứ sở của vàng ròng. Vàng có ở khắp nơi từ ruộng nương, bờ suối, núi rừng.

Con đường mới mở, đã nối Phước Thành với bên ngoài, không còn cách trở như xưa. Trước, để vào Phước Thành phải cần đến những hảo hán chuyên chạy xe đường rừng.

Nay, đường vào Phước Thành đỡ hơn, nhưng từ thị trấn Khâm Đức vào tới đây cũng mất ngót nửa ngày trời chạy xe máy. Những công nhân làm đường cho hay, nhiều cung đường bạt núi, dân ra làm vàng ngay giữa đường cũng kiếm được ngày vài phân vàng là chuyện thường.

Qua đèo Eo Chim giữa trưa mây vẫn còn đè đỉnh núi. Bên kia đèo, Phước Thành hiện ra với những ngôi nhà thấp lè tè. Gặp lại Hồ Văn Phen, Chủ tịch xã Phước Thành, Phen tay bắt mặt mừng: “Lâu lắm rồi mới có nhà báo vào xã. Khó khăn lắm nhưng không biết kêu ai”.

Vọng phu xứ vàng - 1

Thung lũng vàng Phước Thành – nơi có những người đàn bà vọng phu

Phen năm nay mới 33 tuổi. Nhắc chuyện vàng, Phen hồ hởi: Giờ quy củ rồi, mấy công ty giờ làm riêng biệt, không còn lộn xộn như xưa. Trên địa bàn xã giờ có khoảng 1.000 công nhân của 4 công ty vàng lớn. Công an tăng cường, việc làm vàng được quản lý tốt, nên không còn lộn xộn và phức tạp như xưa.

Phước Thành đã nhiều đổi thay, nhưng cái nghèo cái khó vẫn bủa vây lấy cuộc sống của người Bhnoong vốn sống nhờ nương rẫy ruộng vườn. Đàn ông đi rẫy, đàn bà, trẻ em cõng chuyến vào các bãi vàng mưu sinh. Phu vàng tứ xứ kéo về đây một thời, làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Và kéo theo những hệ lụy buồn.

Kể về những thân phận phụ nữ ở Phước Thành đơn thân, một mình nuôi con - những đứa con của phu vàng, Chủ tịch Phen buồn rầu: “Gần chục trường hợp, hoàn cảnh đều khó khăn.

Không cha, các em vẫn được nuôi lớn lên nhưng nhiều đứa tự ti về hoàn cảnh mình, tội nghiệp lắm”. Những trường hợp, hoàn cảnh Phen nắm rành rõi bởi trong số đó, có nhiều người là bạn cùng trang lứa với Phen.

Ngôi nhà của 4 mẹ con chị Hồ Thị Sanh nằm bên trục đường cái, cách trụ sở UBND xã không xa. Sanh vừa đi cõng chuyến về, mồ hôi vẫn còn đầm đìa. 32 tuổi, ba mặt con nhưng Sanh vẫn giữ được nét xinh đẹp của thiếu nữ miền sơn cước, duy chỉ có ánh mắt của Sanh buồn u ám, đầy bế tắc như mây mù chốn thâm sơn. Cả 3 đứa con của Sanh là kết quả của những mối tình ngang trái éo le, sớm tan vỡ.

Vọng phu xứ vàng - 2

Mẹ con chị Hồ Thị Sanh

Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, khó khăn nên từ nhỏ Sanh đã phải vào các bãi vàng để mưu sinh. Thiếu nữ Bhnoong lớn lên giữa núi rừng. Những chuyến cõng hàng vào bãi vàng kiếm tiền, Sanh lọt vào ánh mắt của chàng trai phu vàng Quảng Ngãi.

Cuộc tình vụng trộm, năm 16 tuổi Sanh mang thai. Chàng trai kia nghèo khó chưa thể cưới Sanh được, đành hẹn ước vài năm sau có tiền có sẽ xin cưới hỏi đàng hoàng.

Cái thai ngoài ý muốn, Sanh đối diện với sự hà khắc của gia đình và dân làng. Thương con, mẹ Sanh dựng chòi nhỏ ở bìa rừng cho con gái ở chờ ngày vượt cạn.

Cuối năm 1997, Hồ Văn Quăn, con trai đầu lòng của Sanh chào đời ở bìa rừng trong thiếu thốn và mưa rét. Cơm với rau rừng, bữa no bữa đói, Sanh âm thầm một mình nuôi con. Phải hơn 1 năm sau, Sanh mới được bồng con về làng. Mọi người nhìn Sanh với ánh mắt đầy kỳ thị.

Số phận tiếp tục trêu đùa với thiếu nữ trẻ. Khi đứa con vừa hơn 2 tuổi, chàng trai phu vàng tử nạn khi chuẩn bị cưới. Tương lai và hy vọng bỗng chốc sụp đổ. Nghèo đói, để có tiền nuôi con, Sanh tiếp tục cõng chuyến vào bãi vàng nằm giữa rừng sâu.

Và rồi như định mệnh trái ngang và oan nghiệt cho phận má hồng, Sanh lại yêu thương và mang thai với chàng phu vàng xứ Bắc kèm theo những lời thề thốt.

Năm 2001 và 2003, Sanh hạ sinh liền một trai, một gái. Những đứa trẻ tiếp tục cất tiếng khóc chào đời bên bìa rừng. Chàng trai kia sau một thời gian chung sống với Sanh rồi lặng lẽ bỏ ra đi, cùng lời hứa quay lại. Sanh một mình nuôi con nhỏ, và không nguôi hy vọng.

Mơ một lần con được gọi tiếng cha

“Trách làm sao được, do nghèo quá nên nhiều con gái trong làng phải làm nghề cõng chuyến cho các bãi vàng giữa rừng sâu. Mà cánh phu vàng tứ xứ thì hàng ngàn người, như những con thú lâu ngày thèm khát. May sao đến nay, tình trạng đó đã hầu như không còn dai dẳng nữa”.

Hồ Văn Phen - Chủ tịch xã Phước Thành

Hồ Thị Thảo, con gái nuôi của Hồ Văn Bia năm nay đã lên lớp 4. Thảo xinh xắn, nhưng ngại tiếp xúc với người lạ, trốn nhanh qua hàng xóm khi nhà có khách. Câu chuyện thương tâm của Thảo dân làng Phước Thành ai cũng biết. Thảo là kết quả của mối tình của sơn nữ xinh đẹp nổi tiếng Phước Thành một thời với một phu vàng xứ Bắc. Người sơn nữ ấy đã biệt xứ bỏ đi khi bán đứa con mình với giá 2 triệu đồng cho Hồ Văn Bia.

Vợ chồng Bia vốn gia đình khá giả, nhưng hiếm muộn, không có con. Bia nhận con từ tay người sơn nữ kia khi bé Thảo mới tròn 3 tháng tuổi. Người mẹ trẻ nhận tiền rồi bỏ xứ, vì không chịu được tiếng xấu với dân làng.

Nuôi nấng, dành hết tình cảm cho con, nhưng vợ chồng Bia không thể bù đắp được nỗi đau, mặc cảm sợ hãi trong tâm hồn đứa bé. “Dân làng ai cũng biết chuyện. Nó lớn lên rồi biết chuyện của mình. Nó buồn, khóc miết. Vợ chồng yêu thương con hết mực nhưng làm sao bù đắp được. Nhiều đêm nó ôm tôi, rồi hỏi về người mẹ đẻ ra nó, đang ở đâu, bao giờ cho con được gặp mẹ. Nghe ra đau lắm”, Bia tâm sự.

Hồ Văn Thắng và Hồ Thị Hiền, con của Sanh cùng độ tuổi lên mười, nhưng đã sớm biết buồn rầu vì hoàn cảnh trớ trêu, không biết mặt cha. Dẫu người mẹ cố hết sức dành hết tình cảm cho các con. “Thằng Quăn học đến lớp 7 thì nghỉ học hai năm nay. Giờ chỉ mong nuôi được thằng Thắng con Hiền học hành đàng hoàng, chứ không lại tiếp tục nghèo khổ thôi”, Sanh tâm sự.

Vọng phu xứ vàng - 3

Đường vào Phước Thành

Hiền, Thắng học khá và rất ngoan, sớm biết thương mẹ. Hiền thích học vẽ, ngày nào cũng cặm cụi vẽ tranh. Những bức tranh của Hiền về gia đình đều có hình cha mẹ anh em quây quần, đoàn tụ. Tranh như ước mơ của tâm hồn trẻ nhỏ. Thắng học lớp 5, nhưng già dặn hơn chúng bạn. Thắng buồn rầu: “Mấy lần con nói mẹ dẫn con đi gặp cha nhưng mẹ cứ khất hứa miết. Lớn lên con sẽ đi tìm cha”. Còn người mẹ tội nghiệp đến giờ vẫn luôn giấu các con, chỉ dám tâm sự với khách lạ, rằng chị biết rõ cha của tụi nhỏ đang ở đâu. Người ấy cũng biết tụi nó đã lớn. Nhưng giờ người ta có gia đình đầm ấm cả, mình làm sao dẫn con đi gặp được. Chỉ hi vọng một ngày nào đó cha nó sẽ về thăm con. Tụi nhỏ chỉ mong một lần được gặp cha thôi.

Đến rồi đi cùng những lời hẹn ước. Những phu vàng dạo đó ra đi không quay về, để lại những đứa bé giữa núi rừng. Bao năm trôi qua, những đứa trẻ sinh ra ở bìa rừng nay đã lớn lên như cây rừng, cỏ dại. Ít ai biết được những khát khao tiềm ẩn trong tâm hồn trẻ thơ. Tất thảy các mơ một lần được đoàn viên, được gọi tiếng cha, tiếng mẹ như bao đứa trẻ khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN