Từ 1-1-2016, cấp thẻ căn cước công dân

Người dân có thể tiếp tục sử dụng CMND 9 số cũ hoặc 12 số mới song song với thẻ căn cước công dân.

Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thực hiện ở 16 địa phương

Theo đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, sẽ có 16 địa phương trên cả nước thực hiện cấp thẻ căn cước công dân kể từ ngày 1-1-2016. Trong đó, 14 địa phương đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để cấp căn cước công dân vào thời điểm trên, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Cần Thơ và Tây Ninh. Riêng 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình, Bộ Công an đang cố gắng hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để cấp thẻ căn cước công dân từ đầu năm 2016.

Thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Hà Nội, cho biết việc cấp thẻ căn cước công dân được Hà Nội thực hiện giống cấp CMND 12 số, tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, TP; công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương. Đơn vị đã tập huấn cho hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc các quận, huyện tại 31 điểm của TP về việc cấp loại thẻ mới này.

Về cơ bản, thủ tục cấp thẻ căn cước giống với CMND 12 số. Điểm khác nhau là hạn của CMND là 15 năm còn thẻ căn cước công dân sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi (sau 60 tuổi, công dân không cần đổi). Thời gian cấp thẻ tính từ khi công an nhận đủ hồ sơ sẽ là 15 ngày.

Như vậy, từ ngày 1-1-2016 sẽ có 3 loại giấy tờ cùng lưu hành là CMND 9 số, CMND 12 số và căn cước công dân nhưng giá trị sử dụng của các loại giấy tờ này là như nhau theo đúng quy định.

Từ 1-1-2016, cấp thẻ căn cước công dân - 1

Từ 1-1-2016, cấp thẻ căn cước công dân - 2

Mẫu thẻ căn cước công dân được cấp từ ngày 1.1.2016

Thay thế CMND bằng thẻ căn cước

Theo Bộ Công an, với các tỉnh đã đủ điều kiện nêu trên, từ ngày 1-1-2016 trở đi, nếu người dân đổi CMND cũ 9 số sẽ buộc chuyển sang thẻ căn cước công dân chứ không phải đổi sang CMND 12 số như hiện nay. Các địa phương chưa đủ điều kiện thực hiện vẫn tiến hành cấp mới, cấp đổi CMND như bình thường.

Luật Căn cước công dân quy định CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn của CMND đó theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2019.

Trường hợp cấp đổi CMND cũ 9 số hoặc CMND mới 12 số sang thẻ căn cước công dân thì sẽ cắt góc CMND và để người dân giữ lại CMND này nhằm thuận tiện trong các giao dịch dân sự. Những người dân có nhu cầu cũng sẽ được lực lượng công an cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND sang thẻ căn cước công dân.

Về việc triển khai mở rộng tại các địa phương khác trên toàn quốc, đại tá Phùng Đức Thắng cho biết năm 2016, Bộ Công an sẽ tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện cấp CMND mới 12 số và sau đó lập đề án, xin cấp kinh phí để mở rộng cấp căn cước công dân với mục tiêu đến ngày 1-1-2020 sẽ cấp căn cước công dân trên toàn quốc.

Cấp đổi miễn phí

Về mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân, Thông tư 170/2015 của Bộ Tài chính quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân từ ngày 1-1-2016 không phải nộp phí. Nhà nước cũng không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Công dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân thì mới phải trả phí, phí đổi thẻ căn cước công dân là 50.000 đồng/thẻ và cấp lại là 70.000 đồng/thẻ.

Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định. Các trường hợp gia đình chính sách, đối tượng ưu tiên được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyết (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN