Truy bắt bằng được kẻ giết voọc

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải, Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3), cho biết: Khuya 17/7, lúc gần 12 giờ đêm ông nhận được thông tin là có một nhóm quân nhân giết voọc rồi post ảnh lên mạng, nhiều khả năng họ ở Quân đoàn 3. Ngay sáng sớm hôm sau ông đã triệu tập toàn cơ quan bộ tư lệnh để thông báo vụ việc.

Xác minh ngay

- Cảm giác của các ông lúc ấy như thế nào?

Chúng tôi đã xem xét cẩn thận các bức ảnh. Rất phẫn nộ, những hình ảnh quá phản cảm nên gây bức xúc cho dư luận là chuyện đương nhiên. Cũng vì thế mà chúng tôi quyết phải làm sáng tỏ vụ việc thật nhanh.

Lúc đó cũng chưa dám chắc chắn 100% quân nhân trong ảnh là thuộc quân đoàn. Tuy nhiên, với những gì nhìn thấy thì chúng tôi phán đoán nhiều khả năng là thuộc đơn vị làm đường tuần tra biên giới ở Moray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum do Trung đoàn 7 phụ trách.

Quá trình xác minh đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Để đảm bảo tuyệt đối không có sai sót, xác minh đúng người, đúng tội chúng tôi đã thành lập tổ công tác do Đại tá Nguyễn Duy Quyền, Phó Chính ủy Quân đoàn phụ trách, cùng các cơ quan chức năng của quân đoàn như bộ phận bảo vệ, cơ quan điều tra hình sự, viện kiểm sát phối hợp với Trung đoàn 7 để xác minh.

Ngay trong ngày 18/7, tổ công tác đã cơ động từ Pleiku lên Kon Tum. Nơi xảy ra vụ việc là một địa điểm thi công rất sâu và heo hút, Tây Nguyên lại đang vào mùa mưa, đường tuần tra biên giới đang thi công rất hiểm trở, xe ô tô của đoàn công tác không thể vào tận nơi. Các thành viên tổ công tác phải để xe lội bộ 4 tiếng, ngày 19/7 mới vào được đến nơi và nắm tình hình, tổ chức sinh hoạt, xác minh vụ việc. Qua đó đã xác định có 11 quân nhân liên quan đến vụ việc này và đã đưa toàn bộ về cơ quan chỉ huy của Trung đoàn 7 ở An Khê (Gia Lai).

Truy bắt bằng được kẻ giết voọc - 1

Con voọc bị nhóm thanh niên hành hạ trước khi giết

11 quân nhân đã viết tường trình nhận rõ khuyết điểm và cho biết họ đã góp tiền mua hai con khỉ do một nhóm người dân bắn chết mang bán với số tiền 1,2 triệu đồng và thuê hai người dân làm thịt khỉ để ăn. Khi mua họ cũng không hề biết đấy không phải là khỉ mà là voọc - một loài động vật hoang dã đã có tên trong sách đỏ. Có ba quân nhân do hiếu kỳ đã chụp ảnh khỉ rồi post lên mạng. Quân nhân Nguyễn văn Quang post nhiều nhất (5 ảnh).

Các quân nhân đều rất thành khẩn nhận quyết điểm và cho biết vì trình độ nhận thức pháp luật còn yếu, không nghĩ là hành động của mình lại gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến quân đoàn nói riêng và hình ảnh người quân nhân nói chung nên họ mới làm chuyện đáng tiếc như vậy.

Sẽ truy bắt bằng được thủ phạm

Nhưng dư luận vẫn đòi hỏi phải tìm bằng được kẻ đã giết voọc?


Cơ quan điều tra hình sự Quân đoàn 3 đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm và bắt giữ Hà Văn Tú (37 tuổi, trú huyện Krông Pách, Đắk Lắk) là một trong những người đã tham gia giết con voọc.

Tú khai nhận cả nhóm có năm người, trong đó Hà Văn Quế, trú quán tại Gia Lai là người đã trực tiếp bắn hai con khỉ bằng súng kíp rồi bán cho nhóm quân nhân của đơn vị. Hà Văn Quế là kẻ có tiền án tiền sự vừa mới ra tù đã tham gia vào vụ việc này.

Hiện nay Hà Văn Tú đang bị tiếp tục tạm giữ để phục vụ cho công tác điều tra, chúng tôi đang tiếp tục truy bắt Hà Văn Quế và những người còn lại. Sau khi bắt được các thủ phạm chúng tôi sẽ xử lý theo đúng pháp luật.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã có những biện pháp gì để ngăn ngừa những sự việc tương tự, thưa ông?

Đây là một vụ việc rất đáng tiếc đối với chúng tôi. Qua vụ việc này Bộ Tư lệnh cũng đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm. Cụ thể là cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã cho các quân nhân, đặc biệt là các quân nhân làm việc tại các địa bàn rừng núi, hoạt động xa đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; xác định cụ thể trách nhiệm của các quân nhân hoạt động ở các địa bàn xa đơn vị.

Chúng tôi cũng đã thông báo rộng rãi trong quân đoàn để cán bộ, chiến sĩ nắm được tình hình và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Xử lý nghiêm khắc 11 quân nhân

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải cho biết:

“Kết quả xác minh cho thấy, 11 quân nhân trên không phải là những người trực tiếp bắn và giết khỉ và mục đích ban đầu của các em cũng nghĩ đơn giản là mua để làm thịt ăn. Và nói thật là việc phân biệt giữa khỉ và voọc cũng không dễ dàng gì, các em cũng nghĩ đó là khỉ thôi chứ biết là động vật cấm thì chắc cũng không dám mua. Xét hoàn cảnh cụ thể các quân nhân này tuổi còn trẻ, sinh ra trong những gia đình nghèo, ít học, lại làm việc ở nơi heo hút, ít người qua lại, thiếu hiểu biết về pháp luật nên chúng tôi đã có những cân nhắc.

Mặc dù vậy, hành vi chụp ảnh và post lên mạng là không thể chấp nhận được. Điều đó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của người quân nhân nên chúng tôi đã quyết định các hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Cụ thể:

- Tước danh hiệu quân nhân đối với ba quân nhân post ảnh giết khỉ lên mạng. Đây là hình thức kỷ luật hành chính cao nhất theo Điều lệnh quản lý bộ đội quy định.

- Cảnh cáo về đảng và chính quyền hai quân nhân.

- Khiển trách về đảng và chính quyền đối với năm quân nhân .

- Khiển trách về chính quyền một quân nhân…”

Người dân giao nộp một cá thể vượn quý hiếm


Ngày 2/8, ông Nguyễn Tấn Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy đã tự giác giao nộp một cá thể vượn đen má vàng (Nomascus Gaberiellae), có trọng lượng gần 3 kg thuộc giống đực, đây là loài vượn quý hiếm thuộc nhóm 1B rất quý hiếm cần được chăm sóc, bảo vệ. Hiện nay cá thể vượn này đã được bàn giao cho đơn vị Vườn quốc gia Chư Mo Ray (huyện Sa Thầy, Kon Tum) chăm sóc, cứu hộ… đảm bảo sức khỏe tốt để thả về môi trường tự nhiên.

Ngọc Linh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thụy Chi - Đức Hiển (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN