Dương Chí Dũng đổ thừa cho cấp dưới

“Bản thân tôi là Chủ tịch HĐQT Vinalines, không bao giờ can thiệp vào công việc của Tổng giám đốc cũng như công việc của các anh em khác” - bị cáo Dương Chí Dũng đã khai như vậy khi bị HĐXX thẩm vấn.

Ngay từ sáng sớm, khu vực quanh trụ sở TAND TP.Hà Nội ở phố Hai Bà Trưng, an ninh đã được siết chặt để đảm bảo an toàn cho phiên tòa. Tại các ngã tư, ngã ba giáp ranh khu vực trụ sở tòa đều có lực lượng công an chốt. Vỉa hè các tuyến phố Hai Bà Trưng, Triệu Quốc Đạt đều được dọn sạch, không cho phép để xe máy như mọi ngày.

Dương Chí Dũng đổ thừa cho cấp dưới - 1

Quang cảnh sáng 12/12 trước TAND TP Hà Nội, nơi diễn ra phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm (Ảnh: Người Lao Động)

Tại phiên tòa xét xử, an ninh được làm nghiêm ngặt, các phóng viên, nhà báo đến tham dự phiên tòa cũng phải xem qua màn hình tivi, ngoài bút và sổ thì không được mang điện thoại di động, phương tiện tác nghiệp theo người khi vào phòng.

Hơn 8h sáng nay (12/12), Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines cùng 9 đồng phạm bị đưa vào phòng xử. Xuất hiện tại tòa, các bị cáo mặc áo khoác xanh, bên trong áo sơ mi trắng. Dương Chí Dũng có đến 3 luật sư bào chữa gồm: Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy, và Trần Đại Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội).

9h, HĐXX 5 người đã bước vào phòng xử, phiên tòa bắt đầu được tiến hành, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa bà Ngô Thị Ánh thay mặt HĐXX làm thủ tục bắt đầu phiên tòa.

Đầu tiên vị chủ tọa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi nghe thư ký tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập có mặt, chủ tọa phiên tòa đã tiến hành kiểm tra căn cước và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa.

Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, HĐXX bước sang phần xét hỏi, trước khi xét hỏi, đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội đã đọc bản cáo trạng dài 43 trang.

Do bản cáo trạng dài 43 trang nên hai vị kiểm sát viên phải thay nhau đọc và đến 11h30 mới kết thúc. Bị cáo Dương Chí Dũng là người đầu tiên trong số 10 bị cáo bước lên trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Bị cáo Dũng tỏ ra khá bình thản, trả lời rành rọt những câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa. Bị cáo Dũng cho rằng chủ trương xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu phía Nam là do HĐQT của Vinalines, HĐQT đã ra nghị quyết để thực hiện chủ trương này. Còn việc lập dự án là do Tổng giám đốc, thẩm quyền phê duyệt thuộc HĐQT.

Dương Chí Dũng đổ thừa cho cấp dưới - 2

Mặc chiếc áo khoác màu xanh, Dương Chí Dũng có vẻ gầy hơn so với trước khi bị bắt. (Ảnh: TTXVN)

Thẩm phán Ngô Thị Ánh hỏi: "TCty sẽ lấy nguồn vốn ở đâu để thực hiện?". Bị cáo Dương Chí Dũng trả lời: "TCty sẽ tham gia góp vốn 80% theo dự kiến". Vị chủ tọa tiếp tục: "Trong đề án có việc vay vốn của ngân hàng, TCty sẽ trả bằng nguồn nào?". Bị cáo Dũng cho biết sau này sẽ huy động vốn để trả. “Nếu dùng nguồn vốn của Nhà nước thì chủ trương trên phải xin phép. Có 2 việc cần phải báo cáo là xin phép đầu tư trình lên Chính phủ và trình Bộ GTVT để cập nhật vào quy hoạch” - bị cáo Dũng nói.

Bị cáo Dũng lý giải do nhận thức sai, nên thấy Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tưởng đã được phép thực hiện dự án, sau này mới biết là sai. Dự án muốn triển khai cần phải được phê chuẩn đầy đủ theo trình tự thủ tục pháp lý.

Về việc mua ụ nổi 83M, bị cáo Dũng khai rằng trong dự án Tổng giám đốc Vinalines có đề xuất mua ụ nổi. “Căn cứ vào Nghị quyết của HĐQT giao cho Tổng giám đốc thực hiện. Bị cáo không định hướng, không chỉ đạo mua ụ nổi mới hay cũ. Bị cáo không cử ai đi khảo sát mua ụ nổi, không chỉ đạo gì cả dù là trực tiếp hay nói chuyện điện thoại” - bị cáo Dũng khai tại tòa.

Thẩm phán Ngô Thị Ánh hỏi: "Tại sao bị cáo biết Cty Nakhodka (Liên bang Nga) có bán ụ nổi để mua?". Bị cáo Dũng cho hay sở dĩ biết là vì trước đó Cty này cũng bán 2 ụ nổi cho Vinashin, tuy nhiên khi kéo về đã bị chìm.

“Tôi nghe báo cáo không mua được ụ nổi trực tiếp với Cty Nakhodka được vì vướng mắc các thủ tục pháp lý nên phải mua qua Cty AP (Singapore). Tôi có quan hệ cá nhân với anh Phúc (Mai Văn Phúc - nguyên Tổng giám đốc Vinalines) không tốt nên không can thiệp vào việc mua bán, kể cả công việc của những anh em khác tôi cũng không can thiệp. Họ cứ theo thẩm quyền để làm, chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật” - bị cáo Dũng lý giải để cho rằng mình không liên quan đến việc mua ụ nổi 83M và sau này thành một khối sắt vụn.

Việc thẩm vấn bị cáo Dũng phải tạm dừng khi đồng hồ chỉ gần 12h trưa, HĐXX đã tạm nghỉ phiên tòa để buổi chiều tiếp tục.

Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm với 2 tội danh "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

10 bị cáo bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải); Mai Văn Phúc (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên Tổng giám đốc Vinalines); Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines); Bùi Thị Bích Loan (nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán Vinalines); Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines); Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Viễn Dương Vinashin); Lê Văn Dương (đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam); Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên Phó Chi cục trưởng và cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa). Ngoài ra, Dũng, Phúc, Sơn, Chiều còn bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản".

Theo cáo trạng, 10 bị cáo về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" có 7 bị can có hành vi cố ý làm trái liên quan đến việc thông quan, nhập khẩu, sửa chữa, thanh toán hợp đồng ụ nổi 83M gây thiệt hại cho Nhà nước 336 tỷ đồng.

Về số tiền tham ô 1,66 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng), cáo trạng nêu rõ, theo kết quả khảo sát của Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và Mai Văn Khang, giá ụ nổi 83M chỉ dưới 5 triệu USD. Thậm chí, công ty bán ụ nổi cho Vinalines chỉ mua lại “đống sắt vụn” này với giá 2,3 triệu USD. Tuy vậy, Dũng đã chấp nhận giá mua ụ là 9 triệu USD để ăn chia với các công ty môi giới và công ty bán tàu của nước ngoài.

Trong tổng số tiền tham ô 28 tỷ đồng, Dũng bị cáo buộc đã nhận 10 tỷ đồng, Phúc nhận 10 tỷ đồng, còn lại Sơn và Chiều chia nhau. Do đó, cáo trạng truy tố Dũng và 3 đồng phạm theo khoản 4, Điều 278 về tội "Tham ô tài sản" với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong quá trình điều tra, Dũng và Phúc không thừa nhận hành vi tham ô như cáo buộc của VKS. Như vậy, bị cáo Dương Chí Dũng cùng 3 bị cáo trên bị truy tố ở khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình cho hành vi tham ô. Ngoài ra, 4 bị cáo này còn phải đối mặt với khung hình phạt 10-20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái cùng với 6 bị can còn lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Vụ án Dương Chí Dũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN