“Tòa xử nghiêm với dân, ưu ái cán bộ tham nhũng?”

“Xử 9 bị cáo tội tham nhũng thì 8 bị cáo cho hưởng án treo. Cử tri cho rằng tòa án xử nghiêm với dân, còn cán bộ thì ưu ái hơn”.

Xử 9 người tội tham nhũng thì 8 hưởng án treo

 

Chất vấn Chánh án TAND Tối cao ngày 21/11, nhiều ĐB Quốc hội “truy” Chánh án Trương Hòa Bình về việc xét xử các vụ án tham nhũng.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, trong xét xử các vụ án tham nhũng, tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử lý dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ rất cao.

Ví dụ, có nơi tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm 80-100%. Dư luận nhân dân cho rằng thực trạng xử lý trên đây không loại trừ dấu hiệu của bao che, tiêu cực.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) dẫn Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp năm 2013 cho thấy, nhiều tòa án xét xử loại tội này rất nhẹ.

ĐB dẫn chứng: “Có tòa 2,5 năm xử 10 bị cáo tham nhũng thì cả 10 bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Có tòa một tỉnh trong 2,5 năm xử 9 bị cáo thì 8 bị cáo cho hưởng án treo”.

“Cử tri cho rằng tòa án xử nghiêm với dân còn cán bộ thì ưu ái hơn. Cử tri còn cho rằng khó có thể không có tiêu cực từ việc áp dụng hình phạt cho hưởng án treo ở các trường hợp cụ thể trên”.

“Tòa xử nghiêm với dân, ưu ái cán bộ tham nhũng?” - 1

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình (Ảnh tiền phong)

Đang kiểm điểm một số thẩm phán

Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, những vụ án trọng điểm, có tài sản, tiền bạc của nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát lớn... tòa án đều đưa ra xét xử nghiêm minh với mức án cao nhất theo cáo trạng truy tố. Có thể khẳng định tòa án không xử nhẹ.

Ông cũng nói thêm rằng, những vụ án tham nhũng cho hưởng án treo không đúng pháp luật, gần như đã được khắc phục trong năm qua.

“Còn xảy ra một số vụ như Ủy ban Tư pháp đã thẩm định báo cáo thì nó là của nhiều năm chứ không phải một năm”.

Chánh án cho biết, những trường hợp cho hưởng án treo không đúng pháp luật còn trong thời hạn đều đã kháng nghị để giải quyết lại.

Ông nói: “Chúng tôi xem lại cũng có một số vụ ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Quảng Trị tập trung mỗi nơi một vụ. Có nơi cho hưởng án treo cả 6-7 trường hợp”.

“Những trường hợp này chúng tôi cho thẩm phán kiểm điểm, thẩm chí còn xử lý trách nhiệm của người quản lý, đứng đầu”.

Ông cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử độc lập xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân độc lập xét xử. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm...  Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao không có quyền gì.

“Nếu sau đó có vi phạm pháp luật, sai phạm nghiêm trọng trên bản án sẽ giám đốc kiểm tra và kháng nghị xử lý lại, giải quyết lại vụ án đúng đắn và xử lý cán bộ”, ông nói.

Chánh án nói rằng, trách nhiệm mình là người đứng đầu toàn ngành, làm sao tăng cường giáo dục, rèn luyện, đào tạo thực hiện chế độ chính sách...

“Nhất là để cho thẩm phán thấy được rằng mình là người có vị trí cầm cân nảy mực, biểu tượng của công lý để tự hào và từ đó thực thi bổn phận mình cho đúng đắn. Điều đó đòi hỏi bản thân người thẩm phán phải rèn luyện” Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN