Thượng nguồn hồ Đankia - Suối Vàng trơ đáy nứt nẻ, Đà Lạt nguy cơ thiếu nước
Thượng nguồn hồ nước ngọt Đankia - Suối Vàng của Lâm Đồng đang khô cạn đến trơ đáy, hạ lưu cũng đang cạn xuống mực nước chết khiến người dân Đà Lạt lo lắng thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu.
Từ nhiều tháng nay, người dân làm nông nghiệp quanh thượng nguồn hồ nước ngọt Đankia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khá vất vả bơm nước tưới vì khu vực này đang cạn kiệt nước.
Phía trung lưu và hạ lưu hồ Đankia - Suối Vàng, mực nước cũng đang xuống rất thấp và không có dấu hiệu được trữ nước trở lại khi từ Tết Nguyên đán đến nay không có mưa.
Quanh thượng lưu của hồ chỉ còn vài lạch nước nhỏ chảy dọc lòng hồ rộng nhiều ha đang khô cạn.
"Tình trạng hồ khô cạn mấy năm trở lại đây xảy ra thường xuyên hơn khiến nông dân ở đây ai cũng gặp khó khăn" - anh Trần Văn Chiến, nông dân trồng hoa tại huyện Lạc Dương, cho biết.
Lòng hồ khô cạn nhiều tháng nên mặt đất nứt nẻ. Hồ Đakia - Suối Vàng có diện tích trữ nước 360 ha, cung cấp nước ngọt chính cho hai nhà máy nước sinh hoạt cung cấp cho TP Đà Lạt và một phần thị trấn Lạc Dương. Đây cũng là nguồn nước tưới tiêu cho huyện Lạc Dương cũng như cho thủy điện Ankroet.
Bình thường việc di chuyển trên hồ bằng thuyền nhưng nhiều tháng khô hạn không có nước, những chiếc thuyền nằm chỏng chơ phơi nắng giữa hồ.
Khắp lòng hồ ngoài mặt đất khô cằn thì chủ yếu cây dại mọc lên và rác thải sinh hoạt của người dân vương vãi khắp nơi.
Theo một lãnh đạo Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng, hiện nay mực nước hồ Đankia – Suối Vàng đã sát mực nước chết, khiến nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp và nước sinh hoạt cho huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt đối diện nguy cơ bị thiếu nếu sắp tới trời vẫn khô hạn.
Một cái ao nhỏ cách đây khoảng nửa tháng người dân trữ nước đến nay cũng đã khô khốc, nứt nẻ.
Nhìn từ trên cao, mặt đất quanh lạch nước từ thượng nguồn đổ về đều đã nứt hết. Trong vài tháng qua, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, TP Đà Lạt từng lâm vào tình trạng cúp nước luân phiên vì hồ Đakia - Suối Vàng cạn kiệt.
Khung cảnh không khác gì những vùng đất hoang mạc khắc nghiệt được thấy trên các phương tiện truyền thông dù nơi đây là lòng hồ nước quan trọng của tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Văn Chiến than thở nước cạn chỉ còn vài con lạch, muốn lấy nước phải nối ống xuống tận lạch nước mới hút được.
Phải mua thêm ống, thường xuyên chạy máy bơm hút nước khiến chi phí sản xuất của nông dân quanh hồ tăng lên.
Dàn máy bơm và ống nước người dân nối xuống các con lạch nhỏ để lấy nước tưới
"Tôi ở cạnh hồ nên còn đỡ, những nông dân khác ở xa hơn phải tốn rất nhiều tiền ống, thậm chí phải đào giếng sâu gần cả trăm mét, tốn 70-80 triệu đồng để tìm nước tưới cho vườn" - ông Chiến kể.
Ông Ngô Văn Ninh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra nước ngọt và nhà máy cấp nước trên địa bàn để có phương án tăng công suất. Đa số các hồ của tỉnh vẫn ổn định, chỉ có hồ Đankia - Suối Vàng là xuống thấp vì không có mưa. Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương để khắc phục. Ưu tiên chính là nước sinh hoạt cho người dân, gia súc, gia cầm có nước uống và cây cối được tưới tiêu đủ.
Nguồn: [Link nguồn]
Nắng hạn kéo dài cùng việc vận hành tưới tiêu liên tục khiến hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) với sức chứa 345 triệu m3 nay chỉ còn 45 triệu m3. Mực nước xuống thấp khiến nhiều vị trí trên lòng hồ cạn trơ đáy.