Thủ tướng thị sát ga Hà Nội, chỉ đạo quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao

Sự kiện: Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những thay đổi, kết quả vượt bậc của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong năm 2023. Năm 2024, Thủ tướng yêu cầu VNR phối hợp với các bộ ngành, quyết tâm trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án, dự án đường sắt tốc độ Bắc - Nam.

Chiều 9/1, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024, hội nghị có sự tham gia, chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

"Làm thế nào để vực dậy ngành đường sắt?"

Trước khi tới hội nghị, Thủ tướng trực tiếp đi thị sát tại ga Hà Nội, hỏi thăm một số người lao động đường sắt và hành khách. Qua đó, Thủ tướng lắng nghe, thấy trực tiếp hiện trạng, sự đổi mới, thay đổi của đường sắt thời gian qua, khi ngành đường sắt ra đời hơn 140 năm, nhưng phát triển chưa tương xứng, chưa đạt kỳ vọng của nhân dân.

“Tôi trăn trở mấy năm nay, làm thế nào để vực dậy ngành đường sắt, góp phần vào hoàn thiện phương thức giao thông tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát ga Hà Nội, lên tàu kiểm tra hoạt động vận chuyển hành khách chiều 9/1 (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát ga Hà Nội, lên tàu kiểm tra hoạt động vận chuyển hành khách chiều 9/1 (Ảnh: VGP).

Sau khi lắng nghe ý kiến người lao động đường sắt, hành khách và qua báo cáo của VNR, Thủ tướng ghi nhận kết quả đường sắt đạt được trong năm 2023, khi chất lượng tàu đã cải thiện, dịch vụ tốt hơn; đời sống và thu nhập người lao động đã cải thiện hơn; VNR đã có lợi nhuận…

Trong năm 2024, dù khó khăn vẫn còn nhưng Thủ tướng kỳ vọng đường sắt sẽ quyết tâm, đoàn kết, có phương pháp và cách làm mới, hành động quyết liệt hơn để đạt kết quả cao hơn. Dù hạ tầng đường sắt còn lạc hậu, nhưng với hơn 3.000 km đường sắt, gần 300 nhà ga, đó là nguồn lực, lợi thế để đường sắt tận dụng, phát huy.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, Chính phủ, các bộ ngành đang xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các bộ ngành, VNR cần khẩn trương phối hợp xây dựng, hoàn thành, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, báo cáo xin đầu tư, để hiện đại hoá đường sắt. Quá trình xây dựng đề án cần nghiên cứu các phương án, xem giữ lại đường sắt cũ, hay đầu tư đường sắt mới, kèm chứng minh phương án nào hiệu quả hơn để lựa chọn cho phù hợp.

“Phương án nào làm hiệu quả nhất thì chọn, ai làm hiệu quả thì giao, khi nào hiệu quả thì làm. Chúng ta đã có chủ trương của Đảng về nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phải quyết tâm làm, tin là chúng làm được. Để đột phá đường sắt phải thay đổi tư duy, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải lớn, tư tưởng phải thông, biết cách huy động nguồn lực để tạo đột phá”, Thủ tướng nói thêm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý VNR cần chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt cho phục vụ đầu tư, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai. Vì thực tế cho thấy, nếu không có nhân sự sẽ không thể đảm bảo vận hành, khai thác, nên VNR cần chủ động chuẩn bị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp lắng nghe ý kiến của hành khách đi tàu để nắm rõ hơn thực tế thay đổi của đường sắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp lắng nghe ý kiến của hành khách đi tàu để nắm rõ hơn thực tế thay đổi của đường sắt.

VNR sẽ vận hành đường sắt tốc độ cao

Về tái cơ cấu lại VNR, Thủ tướng yêu cầu VNR tập trung vào khâu tái cơ cấu quản trị hiện đại, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổng công ty. Đi kèm với cơ cấu lại và sử dụng, khai thác có hiệu quả tài sản, tài chính tổng công ty đang có, như nhà ga, đường sắt, để có hiệu quả hơn, phù hợp hơn, có lợi nhất cho sự phát triển trước mắt và lâu dài. Cùng đó, VNR phải sớm tái cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực để nhân lực tinh giảm, nhưng chất lượng và hiệu quả vẫn tăng, phù hợp kinh tế thị trường…

Ông Hoàng Năng Khang - Phó Tổng Giám đốc VNR - cho biết, Chính phủ đã chấp thuận định hướng sẽ giao VNR quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi hoàn thành đầu tư. VNR đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành liên quan trong cung cấp số liệu, góp ý sớm hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư dự án này.

VNR cũng chủ động thành lập ban chỉ đạo và 3 tổ công tác để nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động của tổng công ty sau khi có dự án đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, VNR đang chuẩn bị kế hoạch nhân lực, công nghệ, cơ khí đường sắt để có thể tiếp nhận và vận hành ngay đường sắt tốc độ cao khi hoàn thành.

Trong năm 2024, theo ông Khang, VNR sẽ chủ động phối hợp để học hỏi kinh nghiệm quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao của các quốc gia có đường sắt phát triển, như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của VNR khi thu nhập của người lao động đã được cải thiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của VNR khi thu nhập của người lao động đã được cải thiện.

Ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc VNR - cho biết, năm 2023, tổng công ty đạt doanh thu hợp nhất trên 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ gần 112 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch). Đây là lần đầu tiên đường sắt có lãi sau 3 năm lỗ liên tiếp do ảnh hưởng dịch COVID-19. Công ty mẹ năm 2023 đạt tổng doanh thu trên 6.200 tỷ đồng, dù tăng so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn 4% so với kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 4,5 tỷ đồng (năm trước đó lỗ 173 tỷ đồng), vượt 50% kế hoạch năm.

Năm 2024, Công ty mẹ được giao doanh thu hơn 6.258 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Xây dựng ủng hộ xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá 71 tỉ USD

Bộ Xây dựng thống nhất phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3, đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, vốn đầu tư...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN