Đề xuất mở rộng thêm 6 ga đường sắt Hà Nội - TP.HCM

Toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có tám ga, trong đó sáu ga được mở rộng, một ga thu hẹp diện tích và một ga giữ nguyên.

Liên danh tư vấn vừa có báo cáo đầu kỳ (ngày 25-8) về quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế gửi Cục Đường sắt Việt Nam. Theo đó, sau đề xuất mở rộng Ga Sài Gòn ở đầu mối TP.HCM, tư vấn đề xuất mở rộng diện tích sáu ga quan trọng trên tuyến đường sắt “xương sống” TP.HCM - Hà Nội.

Mở rộng ga để kết nối du lịch, cảng

Theo báo cáo, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện nay dài 1,726km. Đây là tuyến đường đơn, khổ 1.000mm, chạy theo trục Bắc - Nam, nối liền các đô thị lớn và các khu công nghiệp từ Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Biên Hòa và TP.HCM.

Ga Sài Gòn là ga cuối trong tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Ảnh: THY NHUNG

Ga Sài Gòn là ga cuối trong tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Ảnh: THY NHUNG

Tuyến này đóng vai trò huyết mạch, chủ chốt trong phát triển kinh tế trên trục chính Bắc - Nam, có điểm đầu là Ga Hà Nội, điểm cuối sẽ là Ga Sài Gòn (Ga Hòa Hưng cũ - tư vấn cũng đang đề xuất mở rộng ga này và biến thành đầu mối trung tâm hành khách của TP.HCM).

“Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM giai đoạn vừa qua và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT có triển khai một số dự án đầu tư cho phần tuyến và phần ga đường sắt. Các ga được lựa chọn gồm tám ga với những đặc điểm như là ga đầu mối, ga trong đô thị lớn, ga có định hướng quy hoạch kết nối cảng thủy nội địa, cảng biển, thay đổi chức năng” - báo cáo nêu.

Cụ thể đó là các ga Ninh Bình, Khoa Trường, Đông Hà, Kim Liên, Diêu Trì, Vinh, Nha Trang và Tháp Chàm. Trong tám ga này, tư vấn đề xuất mở rộng sáu ga Ninh Bình, Khoa Trường, Kim Liên, Diêu Trì, Vinh, Tháp Chàm. Trong khi đó, Ga Đông Hà (Quảng Bình) giữ nguyên diện tích, Ga Nha Trang sẽ thu hẹp diện tích.

Theo đó, Ga Ninh Bình (Ninh Bình) từ 3,06 ha mở rộng thành 6,5 ha là ga hỗn hợp, kết nối cụm cảng Ninh Bình - Ninh Phúc và cảng cạn. Ga Khoa Trường (Thanh Hóa) từ 4,9 ha mở rộng lên thành 18,5 ha là ga đầu mối đường sắt quốc gia nhằm trung chuyển hàng hóa phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ga Kim Liên (Đà Nẵng) từ 7,27 ha lên 18,5 ha là ga đầu mối đường sắt quốc gia kết nối cảng Liên Chiểu. Ga Diêu Trì (Bình Định) từ 7,81 ha lên 18,5 ha là ga đầu mối đường sắt quốc gia kết nối cảng cạn Quy Nhơn, có vai trò du lịch.

Ga Vinh (Nghệ An) từ 6,21 ha lên 6,5 ha là ga đường sắt quốc gia trong đô thị, có vai trò du lịch. Ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) từ 4,45 ha lên 12,5 ha là ga đường sắt quốc gia trong đô thị, có vai trò kết nối tuyến đường sắt du lịch.

“Tuyến TP.HCM - Hà Nội có 171 ga, trong đó có 20 ga hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa thường xuyên và khối lượng thông qua ga tương đối lớn.”

Làm hầm đường sắt mới Hải Vân

Theo đơn vị tư vấn, về hướng tuyến sẽ cơ bản giữ nguyên như hiện tại, có điều chỉnh cục bộ một số khu vực có bình diện khó khăn. Một số khu vực cần được ưu tiên đầu tư cải tạo như nâng cấp, cải tạo bình diện đoạn Hòa Duyệt - Thanh Luyện, cải tạo tuyến chính làm hầm khu vực Khe Nét từ khu gian Tân Âp - Đồng Chuối - Kim Lũ.

Tư vấn cũng đề xuất cải tạo tuyến chính và làm hầm đường sắt mới Hải Vân đoạn Lăng Cô - Đà Nẵng (làm hầm riêng đường sắt khổ 1.000 mm, không lựa chọn hầm chung với đường sắt tốc độ cao vì nhiều bất cập nếu đi chung như độ dốc tuyến chính, tốc độ khai thác, sức kéo đoàn tàu, an toàn chạy tàu...). Đồng thời, báo cáo cũng cho biết quy hoạch sẽ di dời đường sắt khu vực Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP theo hành lang tuyến mới.

Theo báo cáo đầu kỳ, trên tuyến TP.HCM - Hà Nội có 171 ga, trong đó có 20 ga hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa thường xuyên và khối lượng thông qua ga tương đối lớn (từ 100.000 đến 2 triệu lượt khách và khoảng 200.000 tấn hàng/năm), cự ly bình quân giữa các ga là 10,4km.

Báo cáo cũng thống kê trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có 1.452 cầu lớn nhỏ, trong đó nhiều cầu có tuổi thọ trên 100 năm; 27 hầm đường sắt, hầu hết đã được xây dựng từ thời Pháp có khổ giới hạn hẹp nên tốc độ khai thác bị hạn chế; 1.059 đường ngang và rất nhiều lối đi tự mở.

Đơn vị tư vấn cũng cho rằng tuyến còn một số nút thắt cổ chai như đèo Khe Nét, Hải Vân, khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện... làm giảm khả năng khai thác vận tải. Về kỹ thuật, có nhiều đoạn tuyến đi qua các vùng địa hình, địa chất phức tạp, núi non hiểm trở nên có nhiều đường cong và bán kính đường cong nhỏ, độ dốc lớn.

“Kiến trúc tầng trên ray hỏng, đặc biệt là ray mòn nhiều. Tà vẹt có nhiều chủng loại và số tà vẹt hỏng nhiều. Hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu (trừ một số đoạn, ga trên tuyến đã được đầu tư hiện đại hóa), chưa đồng bộ” - báo cáo đánh giá.

Vì vậy, báo cáo cũng đặt mục tiêu nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM để đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80 km/giờ đến 90 km/giờ đối với tàu khách và từ 50 km/giờ đến 60 km/giờ đối với tàu hàng.

Đề xuất mở rộng Ga Sài Gòn thêm 2,85 ha

Trước đó, đơn vị tư vấn cũng đề xuất mở rộng Ga Sài Gòn thêm 2,85 ha. Theo đó, từ diện tích khoảng 4 ha, Ga Sài Gòn sẽ được mở rộng lên 6,85 ha với một phần quảng trường rộng lớn và các dịch vụ của một ga trung tâm hành khách tại TP.HCM. Trong đó, diện tích quảng trường ga là 2,3 ha sẽ bố trí ga metro, bến xe buýt, taxi, bãi đỗ xe cá nhân phục vụ việc thu gom và phân tán khách đi, đến ga khác.

Ga đầu mối TP.HCM sẽ gồm bốn ga chính là Ga Sài Gòn sẽ là ga trung tâm hành khách, Ga Bình Triệu là ga đầu mối hành khách phía bắc TP, Ga Tân Kiên là ga đầu mối hành khách phía nam TP; Ga Thủ Thiêm là ga đầu/cuối của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị.

Theo đơn vị tư vấn, ga trung tâm hành khách của TP.HCM sẽ tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng Ga Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên theo kiểu con lắc qua ga trung tâm. Nghĩa là chỉ để cho hành khách lên xuống và kết nối giao thông công cộng, còn các vấn đề khác như cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe sẽ đưa ra ngoại ô TP tại hai ga Bình Triệu và Tân Kiên.

Nguồn: [Link nguồn]

Đầu tư 50.000 tỷ đồng, Bình Dương sẽ có tuyến đường sắt kết nối 5 đô thị

Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường sắt nối 5 đô thị tại Bình Dương, trong đó được trích hơn 12.000 tỷ đồng dùng chi phí giải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KIÊN CƯỜNG ([Tên nguồn])
Công trình giao thông trọng điểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN