Thủ tướng: Chính phủ đạt 13/14 chỉ tiêu Quốc hội giao
Báo cáo trước Quốc hội sáng 20/10, Thủ tướng cho biết, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt và duy nhất 1 chỉ tiêu không đạt.
Nợ công tăng nhanh
Báo cáo tại ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, khóa XIII về tình hình KT- XH năm 2014 và nhiệm vụ 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù vẫn còn không ít hạn chế yếu kém nhưng hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt được những kết quả tích cực.
Báo cáo nêu rõ, Chính phủ cơ bản đã đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội đề ra. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt và duy nhất 1 chỉ tiêu không đạt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (ngày 20/10/2014) - Ảnh: Chinhphu.vn
Theo Thủ tướng, các chỉ tiêu lạm phát hiện đang được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, thậm chí tháng 9/2014 mức tăng ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
"Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam đang tăng lên" - người đứng đầu Chính phủ khẳng định trước Quốc hội điều này khi đưa ra những chỉ số khá khả quan về bức tranh tiền tệ. "Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013; Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26%; Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay..." - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo.
Nhìn nhận kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh, song Thủ tướng cũng đưa ra một số chỉ tiêu tương đối lạc quan của nền kinh tế. Theo đó, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao, quản lý thị trường, giá cả bắt đầu có hiệu quả khi giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có loại giảm đến 34%, giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu giảm bình quân 25 - 30%...
Chỉ tiêu duy nhất không đạt so với kế hoạch đạt ra tại báo cáo này của Chính phủ là tỷ lệ lao động qua đào tạo - đạt 49% so với kế hoạch 52%.
"Cải thiện năng lực cạnh tranh còn chậm"
Mặc dù kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước với ước tính cả năm đạt khoảng 5,8%, sản xuất công nghiệp, bán lẻ, du lịch... đều đạt các chỉ số cao, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn thẳng thắn nhìn nhận, môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm.
Do thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng... nên số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đang giảm dần.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm có tới trên 48 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tỷ trọng vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước và dân cư giảm từ 1,4% năm 2014; của doanh nghiệp FDI giảm tương ứng 0,6%.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã chỉ ra, về thể chế kinh tế, Việt Nam xếp thứ 98 trong năm 2013/2014, tụt 9 bậc so với vị trí 89 trong năm 2012/2013.
Tuy vậy, trong bối cảnh đó, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại đang làm ăn có lãi. Cho rằng đóng góp vào ngân sách của khối doanh nghiệp nhà nước có gia tăng, nhưng Thủ tướng cũng thừa nhận: "Vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiệu quả chưa cao, do đó hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp".
Tại báo cáo thẩm tra sau đó do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cho rằng, về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến đề nghị trong thời gian tới cùng với mục tiêu “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt thì cần “tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”. Chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc. Nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sâu hơn sẽ tác động tiêu cực đến chính sách tài khóa (khó khăn thu ngân sách) và chính sách tiền tệ (dòng tiền ách tắc và nợ xấu tăng lên), tăng trưởng, việc làm... Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, sát thực tế hơn cả mặt tích cực và tiêu cực trong từng chỉ số phát triển, từ tổng vốn đầu tư toàn xã hội, xuất siêu, CPI, tỷ lệ bội chi.... Từ đó, đưa ra kế hoạch, mục tiêu năm 2015 cho sát với phương hướng tổng quát, vừa tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô vừa tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. |